Multimedia Đọc Báo in

Người tiêu dùng hoang mang trước "ma trận" thực phẩm

11:40, 07/06/2016

Chưa bao giờ vấn nạn thực phẩm bẩn, độc hại lại trở nên “nóng”, được nhiều người quan tâm như hiện nay. Trước những thông tin như: thịt heo có chứa chất tạo nạc Salbutamol, tôm sử dụng kháng sinh, cá biển ướp phoóc-môn, đậu phụ trộn thạch cao, măng ngâm chất vàng ô, bún tẩy trắng bằng hóa chất…, người tiêu dùng đang cảm thấy bất an khi cuộc sống bị bủa vây bởi “ma trận” thực phẩm bẩn.

Ăn gì cũng sợ!

Trước đây gia đình chị Trần Thị Phúc ở tổ dân phố 2, phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) thường có thói quen ăn uống ngoài quán. Thế nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, khi nghe thông tin các ngành chức năng phát hiện nhiều cửa hàng sử dụng thực phẩm bẩn, độc hại trôi nổi trên thị trường để chế biến thức ăn cho khách thì gia đình chị đã thay đổi thói quen, tự mua đồ về nấu ăn ở nhà. Chị Phúc lo lắng: “Bây giờ không biết ăn thứ gì để bảo đảm cho sức khỏe. Ăn thực phẩm chế biến không hợp vệ sinh đã gây hại cho con người rồi, còn nuốt vào người những chất độc hại thì khó có thể lường trước được hậu quả”.

Hàng, quán thực phẩm, trái cây ven đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn, người tiêu dùng nên cân nhắc trước khi chọn mua
Hàng, quán thực phẩm, trái cây ven đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn, người tiêu dùng nên cân nhắc trước khi chọn mua.

Còn theo chị Lê Thị Vân ở buôn Alê A, phường Ea Tam, thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục thông tin về những vụ việc sản xuất, kinh doanh, chế biến các loại thực phẩm, rau quả nhiễm độc bị cơ quan chức năng phát giác, đã làm nhiều người tiêu dùng như chị không khỏi hoang mang, lo lắng đến sự an toàn cho bữa cơm gia đình. “Thời gian qua, mọi người kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc vì nhiễm độc, nhưng nay thì ngay cả hàng hóa, thực phẩm trong nước cũng có chất cấm hỏi dân sao không hết lo”,  chị Vân ngao ngán.

Theo nhiều người tiêu dùng, việc phát hiện ra những hàng hóa, thực phẩm nhiễm độc hại mới chỉ là phần nổi, người dân dựa vào đó để ít nhiều tránh hay hạn chế sử dụng. Còn với hàng trăm sản phẩm “bẩn”, độc hại khác nằm khuất lấp sau đó liệu có cách nào để tránh, trong khi các ngành chức năng sau khi phát hiện, xử lý vẫn ít công bố rộng rãi để người dân biết? Hiện nay, trong công tác tuyên truyền, chính quyền và cơ quan chức năng đều kêu gọi người dân “hãy là người tiêu dùng thông thái”, nhưng trước “ma trận” thực phẩm như vậy, thử hỏi làm sao họ không bị “lạc”.

Xử lý chưa đủ sức răn đe

Công tác quản lý sản phẩm hàng hóa, thực phẩm có liên quan đến nhiều ngành chuyên môn như Y tế, Công thương, Nông nghiệp, Công an… Thời gian qua, các ngành chức năng đã không ngừng đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, rà soát để xử lý các vụ vi phạm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm, các đơn vị này đã tổ chức hàng trăm đợt kiểm tra chuyên ngành, phối hợp liên ngành, phát hiện và xử lý hàng loạt các vụ vi phạm, song, các loại thực phẩm bẩn, độc hại vẫn cứ xuất hiện tràn lan trên thị trường. Trong Tháng hành động VSATTP (từ 15-4 đến 15-5-2016), liên ngành đã phối hợp ra quân kiểm tra đột xuất 33 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và nước uống đóng chai, qua đó, phát hiện tới 20 trường hợp vi phạm, phạt hành chính với số tiền trên 50,5 triệu đồng. Đáng chú ý là cơ sở sản xuất như nước uống đóng chai River ở huyện Cư Kuin, khi lấy mẫu kiểm tra phát hiện nước uống có chứa khuẩn Coliform và Ecoli; kiểm tra các cơ sở sản xuất, rang xay cà phê cũng phát hiện nhiều sai phạm về ATVSTP; kiểm tra các cơ sở sản xuất giò chả, hộ chuyên làm giá đỗ trên địa bàn 5 huyện là Lắk, Cư M’gar, M’Đrắk, Krông Năng, Krông Pắc đã phát hiện hầu hết các cơ sở đều sử dụng chất phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ và cao hơn mức quy định...

Theo bác sĩ Trần Văn Tiết, Phó Chi cục VSATTP, hiện nay việc kiểm soát và xử lý những vi phạm trong VSATTP rất khó. Ngay như việc xác định các hóa chất độc hại nghi ngờ có trong thực phẩm cũng phải lấy mẫu gửi đi TP. Hồ Chí Minh kiểm nghiệm. Bác sĩ Tiết cho rằng: Khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm thì chủ yếu chỉ phạt hành chính, điều này thực sự chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn triệt để, dẫn đến nhiều trường hợp “lờn luật”, năm trước phát hiện sai phạm xử phạt rồi thì năm nay họ lại tiếp tục sai phạm. Theo bác sĩ Tiết, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng sản xuất, kinh doanh, chế biến và vận chuyển thực phẩm bẩn, độc hại trên địa bàn thì bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp thanh kiểm tra để xử lý sai phạm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chế tài đủ mạnh để áp dụng trong các hình phạt, có như vậy mới đủ sức răn đe, ngăn chặn những sai phạm về VSATTP.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.