Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị G20: Khó tìm tiếng nói chung về tự do thương mại

21:06, 18/03/2017

Trong hai ngày 17 và 18-3 tại thành phố Baden-Baden, miền Nam nước Đức diễn ra hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).

Diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về nguy cơ một cuộc chiến thương mại do xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng tăng trên thế giới, cuộc gặp được xem là dịp để thảo luận những biện pháp có thể giúp tháo ngòi nổ cho nguy cơ này.

Đây là lần đầu tiên, chính phủ mới của Mỹ tham gia các cuộc thảo luận về trật tự kinh tế thế giới, với đại diện là tân Bộ trưởng Kinh tế Mỹ Steven Mnuchin. Kể từ khi lên cầm quyền hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thấy những lập trường khác biệt về thương mại quốc tế.

(Nguồn: image.stern.de)
Ảnh minh họa (Ảnh: image.stern.de)

Theo các nguồn tin tại chỗ, Mỹ đã tỏ rõ thiện chí sẵn sàng tham gia các cuộc thương lượng về thương mại. Giới phân tích đánh giá bài phát biểu của người đứng đầu Bộ Tài chính nước này, ông Steven Mnuchin, mang nhiều màu sắc của hòa đàm, thay vì một cuộc chiến "một mất một còn".

Sắc thái này cũng thể hiện trong cuộc hội đàm bên lề giữa ông Mnuchin với người đồng cấp Đức Wolfgang Schauble khi đại diện Washington khẳng định Mỹ không muốn khơi mào một cuộc chiến thương mại với các cường quốc thế giới. 

Tuy nhiên, giữa các nước vẫn tồn tại những khác biệt lớn về trong thương mại mở và biến đổi khí hậu, khi Mỹ và các nước khác có ý kiến trái ngược.

Washington chủ trương theo đuổi chính sách "mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ" và phản đối nội dung về biến đổi khí hậu trong dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị G20 lần này. 

Trước đó, ngày 16-3, Tổng thống Trump đề xuất cắt giảm 1/3 quỹ môi trường nội địa cũng như cắt giảm sự đóng góp của Mỹ liên quan đến các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc. 

Những bất đồng không dễ hóa giải giữa Mỹ và các nước tham dự khiến hội nghị rất ít khả năng đi tới một quyết định cụ thể nào và trách nhiệm sẽ thuộc về người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước G20.

Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin, sẽ không có nhượng bộ trong những vấn đề cơ bản, như thương mại hay cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ngay trước thềm cuộc họp, chính quyền Mỹ đã tuyên bố thẳng thừng bác bỏ bất kỳ tuyên bố chung nào lên án chủ nghĩa bảo hộ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều tuyên bố phản đối tự do thương mại, cho rằng chính điều này đang khiến hàng nghìn lao động tại Mỹ bị mất việc làm. Ông cũng thông báo một dự luật đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici, châu Âu hiểu lập trường của nước Mỹ, song truyền thống của G20 là khẳng định tự do thương mại và từ chối chủ nghĩa bảo hộ. Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng tăng cao liên quan vấn đề này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang có chuyến thăm Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi giữa tuần đã nhất trí thúc đẩy tự do thương mại. Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Peter Navarro đã chỉ trích Đức và Trung Quốc lợi dụng các đồng tiền trong nước giảm giá để tạo lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu và làm chênh lệch cán cân thương mại với Mỹ. 

Về vấn đề khí hậu, Mỹ phản đối những gì được đề cập trong thỏa thuận Paris năm 2015 và chính phủ nước này hồi giữa tuần đã công bố dự thảo ngân sách  trong đó cắt giảm ngân sách dành cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo Ủy viên châu Âu Moscovici, thỏa thuận Paris là một thỏa thuận mang tính lịch sử, không chỉ có ý nghĩa với riêng Liên minh châu Âu mà toàn thế giới. Vì thế không thể khiến cho thỏa thuận này bị đẩy lại phía sau.

G20. (Ảnh: China US Focus)
G20. (Ảnh: China US Focus)

Trước thềm Hội nghị, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố bản theo dõi triển vọng và nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới, trong đó cảnh báo các chính sách hướng nội và các điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt có thể đe dọa đến đà tăng trưởng. IMF kêu gọi hợp tác quốc tế để có thể duy trì những lợi ích của thương mại cũng như động lực tăng trưởng kinh tế, vốn đã giúp hàng triệu người dân trên thế giới thoát khỏi đói nghèo.

Trong thông điệp gửi đến Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên G20, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Christine cũng nhận định, nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi, song khuyến cáo các nước cần có những chính sách hợp lý để tránh tự gây ra những tổn thương không đáng có: “Một điều không thể phủ nhận là tự do thương mại, tự do hàng hóa, dịch vụ, con người và vốn mang lại những lợi ích to lớn và chúng ta sẽ phải tiếp tục ủng hộ điều này. Theo tôi, một mặt, chúng ta cần tăng cường hợp tác quốc tế để có thể duy trì những lợi ích của tự do thương mại cũng như động lực tăng trưởng kinh tế, mặt khác các nước cũng cần có những chính sách hợp lý để tránh tự gây ra những tổn thương không đáng có”.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc