Multimedia Đọc Báo in

Cuộc đời thăng trầm của nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Park Geun-hye

15:40, 11/03/2017

Việc Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất được đánh giá là giúp khép lại “một chương tăm tối trong lịch sử chính trị Hàn Quốc”.

Ngày 11-3, Chủ tịch Ủy ban bầu cử quốc gia Hàn Quốc Kim Yong-deok cho biết cuộc bầu cử tổng thống để chọn ra người kế nhiệm bà Park Geun-hye sẽ diễn ra muộn nhất vào ngày 9-5, với sự tự do và công bằng. 

Phát biểu trong một bài diễn văn được truyền hình, ông Kim cho biết ông lo ngại những sự khác biệt về chính trị có thể dẫn tới bầu không khí "quá nóng" trước thềm cuộc bầu cử. Ông cũng kêu gọi công chúng vượt qua "xung đột" và tham gia cuộc bầu cử này. 

Tổng thống Park Geun-hye. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Park Geun-hye. (Ảnh: Reuters)

Theo hãng thông tấn Yonhap, các đảng đối lập ở Hàn Quốc ngày 11-3 đã kêu gọi cựu Tổng thống Park Geun-hye công khai lên tiếng chấp nhận phán quyết của Tòa án Hiến pháp phế truất bà hôm 10-3. Nghị sĩ Youn Kwan-suk, phát ngôn viên của Đảng Dân chủ được dẫn lời nhấn mạnh: “Bà Park chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào, tỏ ý cho thấy bà bất bình và sẽ không tuân thủ”. Ngoài ra, ông Youn còn cho rằng bà Park nên đưa ra một thông điệp nói rõ bà tôn trọng phán quyết của tòa và xin lỗi công chúng nhằm góp phần đưa đất nước trở lại bình thường. Đảng Nhân dân cũng cho rằng việc bà Park giữ im lặng là điều “đáng trách”. Một tuyên bố của đảng này được trích dẫn có đoạn nêu rõ: “Vì những người đã bỏ phiếu cho bà, bà Park cần đưa ra một lời xin lỗi với người dân vì đã gây ra thảm kịch quốc gia này”.

Kể từ khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đưa ra lời phán quyết phế truất bà Park vào sáng 10-3, bà vẫn giữ im lặng mà không đưa ra tuyên bố nào.

Tổng thống không phải là “bất khả xâm phạm”

Yonhap dẫn phân tích từ các chuyên gia của Hàn Quốc cho rằng, việc bà Park Geun-hye bị bãi nhiệm nêu bật tầm quan trọng về “quyền giám sát của công dân” đối với các nhà lãnh đạo chính trị và buộc những nhà lãnh đạo này phải chịu trách nhiệm cho những hành vi sai trái của mình.

Kể từ khi vụ bê bối chính trị liên quan đến bà Park Geun-hye bị phanh phui hồi tháng 10-2016, người dân Hàn Quốc đã liên tục xuống đường biểu tình ôn hòa trên quy mô lớn nhằm gây sức ép buộc bà Park Geun-hye phải từ chức.

“Sự ra đi của bà Park Geun-hye cho thấy, vị trí Tổng thống không còn là “bất khả xâm phạm" nữa”, ông Jun Kye-wan, một nhà phân tích chính trị nhận định: “Vụ việc này cho thấy tầm ảnh hưởng của công chúng đối với ngay cả một nhà lãnh đạo đất nước do chính họ bầu ra”.

Theo giới quan sát, việc bà Park Geun-hye bị bãi chức xuất phát từ chính phong cách lãnh đạo “hành xử một mình” của bà Park Geun-hye cũng như việc bà Park Geun-hye không sẵn sàng trao đổi công việc ngay cả với những trợ lý cao cấp của bà. “Ngay từ khi lên nắm quyền, đã có những lời phàn nàn rằng, bà Park Geun-hye không chịu gần gũi với dân chúng”, Giáo sư Đại học Myongji Kim Hyung-joon nói. “Đảng cầm quyền có xu hướng tăng cường quyền lực cho Tổng thống và rõ ràng bà Park Geun-hye cho rằng bà không cần lắng nghe mọi người. Đó chính là những lý do rõ ràng cho sự sụp đổ về sự nghiệp chính trị của bà Park Geun-hye”, ông Kim Hyung-joon nói.

Với việc Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết phế truất cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, bà Park sẽ không nhận được khoản lương hưu dành cho Tổng thống cùng một số đặc quyền khác. Thay vào đó, bà Park sẽ chỉ được hưởng trợ cấp quốc gia.

Theo luật ưu đãi đối với những Tổng thống về hưu của Hàn Quốc, sau khi một Tổng thống bị Tòa án Hiến pháp phế truất, người này sẽ không được “đối xử đặc biệt” ngoại trừ được bảo vệ cá nhân.

Luật pháp Hàn Quốc quy định, một cựu Tổng thống sau khi kết thúc nhiệm kỳ sẽ nhận khoản trợ cấp tương đương 95% mức lương hằng năm của họ. Đối với trường hợp của bà Park, số tiền này rơi vào khoảng 12 triệu won (10.360 USD) mỗi tháng khi nghỉ hưu. Ngoài ra, một cựu Tổng thống Hàn Quốc cũng được hưởng dịch vụ y tế miễn phí tại bệnh viện quốc gia, được nhà nước hỗ trợ đầy đủ về chi phí hoạt động của văn phòng làm việc, 3 trợ lý cá nhân và một tài xế riêng. Khi cựu Tổng thống qua đời, thi hài của họ sẽ được chôn cất tại nghĩa trang quốc gia.

Một nhân viên của Bộ Nội vụ Hàn Quốc cho biết: “Bà Park thay vì nhận lương hưu dành cho Tổng thống chỉ có thể nhận được khoản trợ cấp quốc gia vì bà ấy đã bị phế truất”. Khoản tiền trợ cấp quốc gia mà bà Park được nhận sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức lương dành cho Tổng thống về hưu. Theo số liệu thống kê của Cơ quan dịch vụ trợ cấp Quốc gia hồi năm 2016, khoản thanh toán hàng tháng cao nhất chỉ khoảng 1,9 triệu won.

Sự nghiệp chính trị của bà Park Geun-hye : Từ đỉnh cao xuống vực sâu

Bà Park Geun-hye sinh năm 1952, là con gái của cố Tổng thống Park Chung-hee. Ông Park Chung-hee là người đặt nền móng quan trọng cho sự thăng hoa về kinh tế của Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Park Chung-hee bị chỉ trích nặng nề về phong cách lãnh đạo có phần độc đoán của mình - xuất phát từ việc ông từng là tướng lãnh quân đội tham gia vào cuộc đảo chính quân sự hồi năm 1961 và lên nắm quyền sau đó.

Bà sống tại dinh tổng thống, thường được gọi là Nhà Xanh, từ năm 1964 sau khi cha bà nắm quyền từ năm 1961. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sogang, chuyên ngành kỹ thuật điện tử, năm 1974, bà Park đến Pháp tiếp tục sự nghiệp học hành nhưng đã nhanh chóng về nước chỉ vài tháng sau đó khi mẹ của bà thiệt mạng trong vụ ám sát nhằm vào Tổng thống Park Chung-hee. 

Đến năm 1979, cha của bà bị ám sát bởi chính Giám đốc tình báo của mình. 

Sau cái chết của cha, bà Park lui về hậu trường 18 năm sau đó. Đến năm 1997, bà mới quay trở lại với chính trường khi gia nhập đảng Đại Dân tộc (GNP), tiền thân của đảng Saenuri, và ủng hộ chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống Lee Hoi-chang. Tháng 4-1997, bà giành một ghế nghị sĩ tại quê hương mình ở Daegu - cách thủ đô Seoul 300km về phía Nam - và có những bước thăng tiến nhanh chóng trong đảng.

Giữa bê bối chính trị và phán quyết luận tội lơ lửng trên đầu, ngày 3/2 vừa qua, bà Park Geun hye đón sinh nhật lần thứ 65 đơn giản, bình dị trong cô đơn bằng cách ăn một bát mì bên ngoài Văn phòng Tổng thống
Giữa bê bối chính trị và phán quyết luận tội lơ lửng trên đầu, ngày 3-2 vừa qua, bà Park Geun hye đón sinh nhật lần thứ 65 đơn giản, bình dị trong cô đơn bằng cách ăn một bát mì bên ngoài Văn phòng Tổng thống.

Ngày 25-2-2013, bà Park Geun-hye chính thức trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Thừa hưởng tính cách của người cha, trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, bà Park Geun-hye nổi tiếng là người “tôn trọng kỷ luật và rất đáng tin cậy”, nhất là trong vụ việc hồi năm 2009, khi bà nhất quyết duy trì kế hoạch di dời một số văn phòng quan trọng của Chính phủ từ Seoul về Sejong vốn vấp phải rất nhiều sự chỉ trích. Tuy nhiên, danh tiếng đó của bà Park Geun-hye nhanh chóng bị “phủ bóng” bởi phong cách lãnh đạo bị chỉ trích là “máy móc” của bà.

“Người dân Hàn Quốc mong muốn bà Park Geun-hye kế thừa được những tinh hoa trong phong cách lãnh đạo của người cha trong khi hạn chế tối đa những sai lầm ông Park Chung-hee từng mắc phải. Tuy nhiên, bà ấy đã không đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân về một nữ Tổng thống đầu tiên của đất nước. Bà Park Geun-hye không nắm bắt được sự thay đổi về thời cuộc và không đủ linh hoạt để hiểu được suy nghĩ của người dân”, ông Jun Kye-wan nhận định.

Giai đoạn nắm quyền Tổng thống của bà Park Geun-hye cũng rất sóng gió khi bà liên tục phải trải qua rất nhiều vụ bê bối ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của bà như vụ chìm phà Sewol hồi năm 2014 khi bà bị cáo buộc  “mất tích” trong vòng 7 giờ liền sau khi tai nạn diễn ra. Ngoài ra, bà Park Geun-hye cũng bị chỉ trích vì việc đã quá thụ động trước những “hành vi khiêu khích” từ phía Triều Tiên và không làm gì để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên được thể hiện rõ rệt nhất qua 2 vụ thử tên lửa liên tiếp gần đây.

Việc bà Park Geun-hye bị phế truất khiến nhiều đề xuất chính trị quan trọng của bà “bị đóng băng”. Những sáng kiến được cho là rất táo bạo của bà bao gồm kế hoạch “hồi sinh” nền kinh tế, cải cách tài chính, giáo dục và lao động và xây dựng lại niềm tin với Triều Tiên cũng như tạo nền tảng cho việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác trong khu vực Đông Bắc Á.

Có lẽ con người thì không thể hoàn mỹ và càng khó khăn hơn khi họ là phụ nữ và sống một mình. Lý giải cho những sai lầm của mình trước công chúng, bà Park Guen Hye cho rằng "sự cô đơn" đã khiến bà lụy thuộc ngày càng nhiều hơn vào tình bạn cũng như sự dẫn dắt của người bạn gái Choi Soon Sil.

 Không thể phủ nhận những thành tựu bà Park Guen Hye mang đến cho phụ nữ châu Á nói riêng, cho nữ quyền nói chung. Đó là một bài học lớn về sự cầu tiến và phấn đấu không ngừng. Nhưng, có lẽ rào cản lớn nhất chính là bản thân mình, bà đã không thể vượt qua sự cô đơn.

Bà Park Guen Hye là tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bị bãi nhiệm.

Theo các chuyên gia, nhiệm vụ của người kế nhiệm bà Park Geun-hye là phải tìm cách hàn gắn quốc gia vốn đang bị chia rẽ sâu sắc trong nhiều tháng qua liên quan đến vụ bê bối chính trị của bà Park Geun-hye để sẵn sàng đối phó với những thách thức nghiêm trọng về an ninh và kinh tế trước mắt.

“Hàn Quốc đang cần những chính trị gia có tầm nhìn xa, trông rộng, những người biết cách đoàn kết người dân thay vì khiến họ “chĩa mũi dùi” vào nhau”, ông Lee Chung-hee- Giáo sư Chính trị tại Đại học Hanbuk nhận định.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 

 


Ý kiến bạn đọc