Multimedia Đọc Báo in

Cuộc chiến Syria vẫn là vòng luẩn quẩn của bế tắc

09:52, 15/03/2017

Ngày 14-3, vòng đàm phán thứ ba về giải quyết khủng hoảng Syria đã khai mạc tại thủ đô Astana của Kazakhstan, với rất nhiều cuộc tham vấn song phương và đa phương sẽ được diễn ra.

Tại cuộc đàm phán, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cử đại diện ở cấp thứ trưởng ngoại giao, đại diện cho Nga là Alexander Lavrentiev - Đặc phái viên của Tổng thống. Vụ trưởng Vụ Trung Đông và Bắc Phi Bộ Ngoại giao Nga Sergey Vershinin và Phó chỉ huy Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Stanislav Gadzhimagomadov cũng góp mặt tại hòa đàm.

Đại sứ Mỹ tại Astana George Krol và đại diện của Washington không nêu chức danh cùng đoàn đại diện của L​iên hiệp quốc do ông Milos Strugar dẫn đầu cũng đã có mặt tại cuộc đàm phán.

Khói bốc lên sau một đợt không kích ở Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói bốc lên sau một đợt không kích ở Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện các bên đang chờ đoàn đại biểu của nhóm vũ trang đối lập Syria “Mặt trận phía Đông”.

Ngay trước thềm hòa đàm, phe đối lập Syria đã từ chối tham dự và đưa ra các yêu cầu trì hoãn ngày họp, kết thúc thảo luận cơ chế ngừng bắn.

Về phần mình, Hội đồng Bảo an L​iên hiệp quốc kêu gọi các bên tiếp tục đàm phán và không đưa ra điều kiện tiên quyết với nhau.

Theo thông báo, tại Astana các bên sẽ xem xét vấn đề thành lập nhóm làm việc để trao đổi tù binh và gỡ mìn tại các địa điểm nhân đạo, trong đó có các vị trí đặt dưới sự bảo vệ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa L​iên hiệp quốc.

Bộ ngoại giao Nga ngày 13-3 đã phủ quyết một dự thảo Nghị quyết nhân đạo của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Damascus hôm 11-3 làm hơn 70 người thiệt mạng, 120 người bị thương. Trong khi đó, một số nhóm đối lập chính  tại Syria vừa tuyên bố chính thức tẩy chay các cuộc đàm phán ở Astana. Những diễn biến bất lợi này đang đẩy vấn đề Syria rơi vào những bế tắc mới.

Theo Hãng tin Tass của Nga, tại cuộc họp ngày 13-3, Bộ Ngoại giao Nga nhận định, trong suốt tiến trình thảo luận về các vấn đề của Syria, Nga và các nước phương Tây đã không tìm thấy “một mẫu số chung” do sự khác biệt ngày càng lớn trong cách giải quyết.

Mới đây nhất, liên quan đến một dự thảo của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Damascus hôm 11-3 làm 74 người thiệt mạng và 120 người bị thương, nhiều nước phương Tây đang cố gắng buộc tội chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức bị coi là khủng bố. Chính vì thế, Nga buộc phải sử dụng quyền phủ quyết của mình để loại bỏ dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Tuy vậy, Bộ ngoại giao Nga vẫn khẳng định quyết tâm tiếp tục tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho người dân Syria mặc dù còn tồn tại những khác biệt lớn trong cách thức giải quyết với phương Tây.

Cùng với Nga, chính phủ Syria hôm 13-3 đã lên tiếng kêu gọi các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đoàn kết, vận dụng nội lực của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại khủng bố. Bởi khủng bố không bao giờ muốn hòa giải. Chính vì thế, việc loại bỏ chủ nghĩa khủng bố là cách duy nhất để làm giảm bớt sự đau khổ của người dân.

Tuyên bố của Bộ Ngoai giao Syria một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc hòa đàm ở Syria với sự tham gia của đại diện chính phủ Syria và các phe phái đối lập ở Astana, đặc biệt là vai trò của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ coi đó là giải pháp khả thi nhất hiện nay nhằm hướng tới cải cách hiến pháp, một cuộc bầu cử dân chủ cũng như các nỗ lực chung chống khủng bố tại Syria.

Tuy vậy, triển vọng hòa bình cho Syria một lần nữa bị phủ bóng đen sau khi đại diện các phe cánh đối lập Syria vừa tuyên bố không tham dự vòng đàm phán mới giữa Chính phủ Syria tại Astanavới lý do, những cam kết liên quan tới việc chấm dứt các hành động thù địch ở Syria đang không được tôn trọng đầy đủ.

Phát biểu trước thềm vòng đàm phán ở Astana, đại sứ  Anh Mathew Rycroft, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tháng 3 nhấn mạnh:

“Tiến trình hòa đàm Syria ở Astana do Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ được xem là một trong cách hiệu quả nhất hiện nay để tiến tới một tiến trình chính trị phù hợp. Tôi vẫn nhắc lại là, điều cần thiết và quan trọng nhất  vẫn là việc phải bảo đảm duy trì một lệnh ngừng bắn tại Syria. Chúng tôi kêu gọi các nước liên quan sử dụng ảnh hưởng của mình yêu cầu các bên xung đột tôn trọng cam kết hòa bình, không cản trở  nỗ lực của Liên hiệp quốc và của cả cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt sự khổ đau cho người dân Syria”.

Theo báo cáo mới công bố của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), cuộc chiến kéo dài 6 năm qua tại Syria đã khiến hơn 320.000 người thiệt mạng, đồng thời lưu ý rằng thỏa thuận ngừng bắn mong manh do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ gần đây đã giúp giảm số lượng thương vong tại quốc gia Trung Đông này.

Theo báo cáo của SOHR, tổ chức này đã ghi nhận 321.358 người thiệt mạng kể từ khi xung đột nổ ra tại Syria vào tháng 3-2011, với làn sóng biểu tình rộng khắp chống lại Tổng thống Bashar al-Assad. Giám đốc SOHR Rami Abdel Rahman nói rằng số người thiệt mạng ở Syria không dừng lại nhưng đã ít hơn trong 3 tháng kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc Syria do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra dàn xếp có hiệu lực.

Bom đạn là cảnh tượng không còn xa lạ với người dân Syria (Ảnh: ctvnews)
Bom đạn là cảnh tượng không còn xa lạ với người dân Syria (Ảnh: ctvnews)

Trong tổng số người thiệt mạng theo ghi nhận của SOHR, có hơn 96.000 dân thường, trong đó có hơn 17.400 trẻ em và gần 11.000 phụ nữ. Hơn 60.900 binh sĩ thuộc các lực lượng chính phủ, 45.000 tay súng của các lực lượng dân quân và hơn 8.000 binh sĩ nước ngoài ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad đã thiệt mạng trong khi bên phía lực lượng đối lập là gần 55.000 tay súng, cũng như nhiều chiến binh thánh chiến, hầu hết là các phần tử thuộc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Fateh al-Sham, một chi nhánh cũ của Al-Qaeda. 

Còn theo báo cáo do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố ngày 13-3, hơn 650 trẻ em đã thiệt mạng tại Syria năm 2016, năm đẫm máu nhất đối với thế hệ trẻ nước này. Theo UNICEF, số trẻ em bị sát hại, thương tật hoặc bị tuyển vào các nhóm vũ trang tại Syria đã tăng lên mức kỷ lục trong năm ngoái. Ít nhất 652 trẻ đã thiệt mạng, tăng 20% so với năm 2015. Trong số đó, 255 trẻ đã bị sát hại trong hoặc gần các trường học. Ít nhất 850 trẻ bị tuyển vào các nhóm vũ trang, cao gấp đôi con số của năm 2015.

Cũng theo báo cáo của UNICEF, khoảng 1,7 triệu trẻ buộc phải thôi học. Trung bình cứ ba trường thì có một trường tại Syria không thể sử dụng do các cơ sở giáo dục này bị các nhóm vũ trang chiếm đóng. Hiện khoảng 2,3 triệu trẻ em Syria đang tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Jordan, Ai Cập và Iraq, trong khi 280.000 trẻ vẫn mắc kẹt tại Syria với tình trạng thiếu lương thực hoặc thuốc men.

Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)

 


Ý kiến bạn đọc