Multimedia Đọc Báo in

Iran và P5+1: Đàm phán tích cực nhưng không có đột phá

08:27, 20/01/2015
Ngày 18-1, tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ), đại diện của Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) và Đức đã tiến hành vòng đàm phán mới về chương trình hạt nhân của Iran.
 
Vòng đàm phán tại Geneva được tổ chức ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao dưới sự chủ trì của quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) Helga Schmid sau 5 ngày diễn ra các hoạt động ngoại giao tại đây và thủ đô Paris của Pháp, bao gồm các cuộc gặp kéo dài giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.
 
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết, các cuộc thảo luận diễn ra “khá tốt” và đề cập nhiều khía cạnh sâu rộng. Trưởng đoàn đàm phán kiêm Thứ trưởng Ngoại giao Iran Arachi nói: “Chúng tôi đã xem xét tất cả các vấn đề đượcđặt lên bàn thảo luận. Và chúng tôi đã có cuộc đàm phán rất nghiêm túc, thực chất và hữu ích. Chúng tôi quyết định tiếp tục đàm phán vào đầu tháng 2”.
 
Phát biểu với các phóng viên, Trưởng đoàn đàm phán Pháp Nicolas de la Riviere cũng cho biết: “Bầu không khí đàm phán rất tốt nhưng tôi không cho rằng đàm phán đạt được nhiều tiến triển”. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc Vương Mẫn kêu gọi các bên thể hiện ý chí chính trị nếu muốn đạt thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran khi thời hạn không còn nhiều. Theo ông, các bên cần lưu ý đến hai thời điểm mấu chốt, đó là duy trì được quan điểm thực tiễn và mềm dẻo, đồng thời thể hiện được ý chí chính trị. 
Quang cảnh vòng đàm phán tại Thụy Si. (Nguồn: bbc)
Quang cảnh vòng đàm phán tại Thụy Sĩ. (Nguồn: bbc)
Trước vòng đàm phán hôm 18-1, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cảnh báo, thỏa thuận cuối cùng chỉ có thể đạt được nếu các cường quốc ngừng gây sức ép với Iran. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội mới của Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát đang xem xét một dự luật trừng phạt mới chống Iran.
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Quốc hội nước này không nên áp đặt các lệnh trừng phạt mới vì điều đó sẽ phá hỏng đàm phán ngoại giao và làm tăng nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự với Iran. Nếu dự luật được thông qua, một số nhà lập pháp Iran trong tuần qua phát tín hiệu sẽ thúc đẩy các nỗ lực nối lại hoạt động làm giàu urani không giới hạn.
 
Đến nay, sau nhiều vòng đàm phán, hai bên vẫn chưa giải quyết được bất đồng chính xoay quanh yêu cầu phương Tây phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế, còn Iran ngừng chương trình làm giàu urani cấp độ cao. Các bên cũng chưa tìm ra được một công thức chấp nhận được cho lò phản ứng nước nặng Arak.   
 
Sau khi không đạt thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran vào hạn chót ngày 24-11-2014, các bên đã đặt thời hạn chót mới là ngày 1-7-2015. Iran và nhóm P5+1 cũng nhất trí đến cuối tháng 3-2015 sẽ đạt được thỏa thuận khung, sau đó tiến hành thương thảo các điều khoản chi tiết của thỏa thuận trong vòng ba tháng tiếp theo trước hạn chót mới.
 
Như vậy, sau thỏa thuận tạm thời ký vào cuối năm 2013, đã có hai thời hạn chót được đặt ra nhưng đều bị bỏ lỡ. Hạn chót lần thứ 3 được ấn định vào ngày 1-7 có thành công hay không còn phụ thuộc vào ý chí chính trị và thiện chí của tất cả các bên.
 
H.T ( tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc