Multimedia Đọc Báo in

Xả súng kinh hoàng tại Paris, 12 người thiệt mạng

15:28, 09/01/2015
Ngày 7-1, tại Paris (Pháp) đã xảy ra một vụ xả súng vào văn phòng của tuần báo Charlie Hebdo. Vụ việc này đã làm 12 người thiệt mạng và 9 người bị thương, trong đó có 4 người bị thương nặng.
 
Nhân chứng Benoit Bringer cho biết ông đã chứng kiến vụ việc từ một tòa nhà gần đó ở trong tâm thủ đô Paris. Ông Bringer nói: "Khoảng 1 giờ 30 phút trước, hai người trùm đầu cầm (súng máy) Kalashnikov đã đi vào tòa nhà này... Vài phút sau đó, chúng tôi nghe thấy nhiều tiếng súng". Theo AFP, sát thủ gây ra vụ xả súng đã hét lên rằng "Chúng ta trả thù cho nhà tiên tri". Trong một đoạn video nghiệp dư được quay từ nóc nhà gần đó, người ta có thể nghe thấy tiếng của kẻ xả súng với câu "Allahu Akbar" (Thượng đế tối cao) xen lẫn những tiếng súng. 
Hình ảnh hai tay súng khủng bố trích từ video an ninh.
Hình ảnh hai tay súng khủng bố trích từ video an ninh.
Tuần báo trào phúng Charlie Hebdo nổi tiếng hồi tháng 2-2006 khi đăng lại hình biếm họa Nhà tiên tri Mohammed vốn xuất hiện trên nhật báo Jyllands-Posten của Đan Mạch, gây nên sự phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo. Văn phòng của họ từng bị đánh bom vào tháng 11-2011 khi đăng hình biếm họa Nhà tiên tri Mohammed ngay dưới măngséc "Charia Hebdo". Tuy bị đưa ra tòa theo luật chống phân biệt chủng tộc, tạp chí này tiếp tục đăng tải các hình biếm họa gây tranh cãi về Nhà tiên tri của người Hồi giáo. Tổng Biên tập Stephane Charbonnier từng nhiều lần nhận được lời đe dọa lấy mạng và phải sống dưới sự bảo vệ của cảnh sát.
 
Vụ tấn công trên đã làm 12 người thiệt mạng, trong đó có một số nhà vẽ tranh biếm họa nổi tiếng ở Pháp. Cụ thể, Tổng Biên tập tờ báo trên là Stephanne Charbonnier, còn có tên gọi là Charb, và các họa sĩ Cabu, Tignous cùng Wolinski đã thiệt mạng trong vụ tấn công này.
 
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gọi vụ xả súng trên là vụ tấn công khủng bố. Ngày 7-1, ông cũng đồng thời triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp tại điện Elysee sau vụ xả súng này. Cơ quan chức năng Pháp cũng đã nâng cấp báo động ở thủ đô Paris lên mức cao nhất sau vụ tấn công. Văn phòng Thủ tướng Pháp trong một thông cáo thì cho biết, Pháp sẽ đặt các địa điểm công cộng như: các cơ quan báo chí, các cửa hàng mua sắm, các địa điểm và các phương tiện giao thông công cộng trong tình trạng được tăng cường bảo vệ. 
 
Lãnh đạo Đức, Nga, Anh, thế giới Arab, EU... đều lên án mạnh mẽ vụ khủng bố và thể hiện sự đoàn kết với người Pháp trong giờ khắc khó khăn. Một phát ngôn viên của Vatican tuyên bố: “Đây là hành động kép – vừa tấn công con người vừa tấn công tự do báo chí”. Vatican gọi vụ nổ súng là đáng ghê tởm. Liên đoàn Arab cũng lên án vụ tấn công tại Paris. Tổng thống Mỹ lên tiếng bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ “đưa những kẻ khủng bố ra công lý”. Ông nói ông cực lực lên án hành vi nổ súng kinh hoàng này. Nhà Trắng cũng lên án vụ tấn công bằng những “ngôn từ mạnh nhất có thể”. Thông cáo của phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng thống Nga Putin có đoạn: “Moscow kiên quyết lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức”. Ông Putin “bày tỏ sự chia buồn sâu sắc với thân nhân của những người thiệt mạng cũng như với nhân dân Paris và toàn thể người Pháp”.
 
Thủ tướng Đức Angela Merkel coi vụ tấn công là đáng khinh miệt và tuyên bố nước Đức sát cánh bên nước Pháp. Bà cũng khẳng định cuộc tấn công không chỉ nhằm vào công dân Pháp mà còn tự do báo chí. Thủ tướng Anh đăng đoạn tweet: “Những kẻ sát nhân tại Paris thật đáng ghê tởm. Chúng ta sát cánh với người Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ tự do báo chí”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói: “Tôi bị sốc cao độ về vụ tấn công tàn bạo vô nhân tính vào các văn phòng của tạp chí Charlie Hebdo. Đây là một hành động không thể dung thứ, một hành động man rợ thách thức tất cả nhân loại nói chung và người châu Âu nói riêng”. Tân Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thì nói trên mạng xã hội: “Tôi hoàn toàn đoàn kết với đồng minh Pháp của chúng ta sau vụ tấn công vào tự do báo chí. Tâm trí tôi dành cho các nạn nhân và gia đình họ”. Bộ Nội vụ Italy đã triệu tập cuộc họp các chuyên gia để phân tích mối nguy từ các chiến binh sau vụ tấn công nói trên. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng lên án vụ tấn công khủng bố trên và coi đây là hành động “đáng bị chỉ trích và hèn hạ”, nhấn mạnh New Delhi sẽ đoàn kết với người dân Pháp. Còn Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras trong một tuyên bố nêu rõ: "Đại diện cho người dân Hy Lạp, tôi xin bày tỏ chia buồn sâu sắc và chỉ trích mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố tại Paris cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Người dân Hy Lạp luôn đồng hành cùng gia đình các nạn nhân vô tội". 
Hai kẻ khủng bố đối đầu với cảnh sát (Nguồn: AFP)
Hai kẻ khủng bố đối đầu với cảnh sát (Nguồn: AFP)
Đương kim Tổng Biên tập của tờ Charlie Hebdo Gerard Biard phát biểu: “Tôi không hiểu vì sao người ta lại có thể dùng vũ khí hạng nặng tấn công một tòa báo. Một tờ báo không phải là vũ khí chiến tranh”. Phóng viên Con Coughlin của tờ Telegraph (Anh) nhận định vụ tấn công chết người tại Paris là vụ khủng bố tệ hại nhất ở nước Pháp trong 50 năm qua, và nó đã được lên kế hoạch và thực thi rất tốt đến mức những kẻ khủng bố đào tẩu dễ dàng. Nhà báo này cho biết dường như bọn khủng bố chủ đích tấn công vào lúc ban biên tập chủ chốt của tờ tạp chí họp giao ban tuần. Với nước Pháp, đây là vụ tấn công tồi tệ nhất nhằm vào báo chí kể từ năm 1945 và làm xã hội bàng hoàng bởi tự do báo chí là một trong những nền tảng của nền cộng hòa này.
 
Trên toàn nước Pháp, lời kêu gọi xuống đường phản đối chủ nghĩa cực đoan ngay lập tức được hưởng ứng mạnh mẽ. Bàng hoàng trước vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn Charlie Hebdo, giới chức chính trị Pháp kêu gọi xuống đường ngay chiều 7-1 để bảo vệ các giá trị của nền cộng hòa. Tuyên bố được phát đi từ Bí thư toàn quốc của đảng Xã hội, Jean-Christophe  Cambadelis. Ngay sau khi nổ ra vụ tấn công, ông Cambadelis kêu gọi “tổ chức ngay lập tức một cuộc tập hợp của tất cả những người cộng hòa ngay khi có thể”. Lời kêu gọi này đang lan truyền mạnh mẽ trong giới chức chính trị Pháp cũng như trên các mạng xã hội.
 
Tất cả các đảng phái chính trị tại Pháp đều lên án gay gắt vụ tấn công tàn bạo này. Chủ tịch Quốc hội Pháp, Claude Bartolone gọi đây là “một sự ghê tởm”. Thủ lĩnh đảng Mặt trận quốc gia, vốn nổi tiếng vì tư tưởng bài ngoại, Marine Le Pen ngay lập tức quy kết các phần tử hồi giáo cực đoan là thủ phạm của vụ tấn công và cho rằng “lẽ ra điều này đã phải nhìn thấy từ trước”.
 
Trên toàn nước Pháp, lời kêu gọi xuống đường ngay lập tức được hưởng ứng mạnh mẽ. Tại hơn 100 địa phương trên khắp nước Pháp, bắt đầu từ 18 giờ ngày 7-1 (giờ địa phương), các cuộc xuống đường đã diễn ra để biểu thị tình đoàn kết với tòa soạn báo Charlie Hebdo và phản đối bạo lực từ các nhóm cực đoan với sự tham dự của hàng trăm nghìn người.
 
Tại Paris, báo động đã được nâng lên mức cao nhất trong kế hoạch an ninh Vigipirate. Hơn 3.000 cảnh sát Pháp thuộc tất cả các lực lượng đã được huy động để truy đuổi 2 kẻ tấn công. Toàn bộ khu vực quanh tòa soạn Charlie Hebdo ở quận 11 Paris và khu vực nơi 2 kẻ này bỏ lại chiếc xe ở thành phố Pantin, ngoại ô Paris, đã được phong tỏa. Các tòa soạn báo ở khắp Paris thắt chặt an ninh, người dân được kêu gọi tránh tiếp cận các khu vực đang bị phong tỏa. 
Chuyển nạn nhân vụ xả súng khỏi hiện trường. (Nguồn: Getty)
Chuyển nạn nhân vụ xả súng khỏi hiện trường. (Nguồn: Getty)
Quan chức an ninh hàng đầu của Pháp xác nhận có 3 tay súng tham gia vụ tấn công kinh hoàng này. Theo nguồn tin báo chí, 2 trong số 3 kẻ khủng bố là anh em trai, tuổi khoảng 32 và 34 tuổi, người gốc Paris, sống ở quận 10, sát trụ sở tòa soạn Charlie Hebdo ở quận 11. Cherif Kouachi cùng anh trai là Said Kouachi bị liệt vào những phần tử thánh chiến vũ trang hết sức nguy hiểm. Tên thứ ba nhiều khả năng trẻ hơn, chỉ khoảng 18 tuổi, là học sinh lớp 12 tại một trường cấp 3 ở Reims.
 
Cảnh sát Pháp ngày 8-1 đã bắt giữ 7 người có liên quan đến 3 nghi phạm vụ tấn công tại tòa soạn tạp chí Charlie Habdo. Theo BBC, những người này đều là thân nhân của những kẻ tình nghi và bị bắt giữ tại các thành phố Reims và Charleville-Mezieres và thủ đô Paris. Trong khi đó, theo tờ Telegraph, sau khi bị bắt giữ, tên Hamyd Mourad, 18 tuổi, trẻ nhất trong số 3 kẻ bị tình nghi, đã khai là đang ở trường khi vụ tấn công xảy ra. Hiện tên này vẫn bị giam giữ vì bị tình nghi là kẻ lái xe cho hai tên Said và Cherif Kouachi chạy trốn. 
 
H.T ( tổng hợp)
 
 
 
 

Ý kiến bạn đọc