Multimedia Đọc Báo in

10 điểm nhấn thương mại toàn cầu năm 2014

11:08, 14/01/2015

 Tạp chí thực phẩm Gobal Meat của Anh vừa công bố 10 sự kiện quan trọng trong lĩnh vực thương mại toàn cầu năm 2014. Dưới đây là những điểm nhấn quan trọng đã được bình chọn:

1. Nga cấm nhập khẩu thịt từ EU: Điểm nhấn đầu tiên trong lĩnh vực thương mại toàn cầu 2014 là việc Nga ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt từ Liên minh châu Âu với lý do dịch sốt châu Phi trên heo xuất hiện tại Lithunia đầu năm 2014. Tháng 2-2014 các hãng sản xuất thịt lớn ở Nga đã gửi thư ngỏ lên Tổng thống V. Putin đề nghị ban hàng lệnh cấm nhập khẩu bởi nguyên nhân làm cho ngành sản xuất thịt trong nước gặp khó khăn. Theo ông Tonio Borg, Cao ủy dịch tễ động vật EU thì lệnh cấm nói trên của Nga đã tạo ra hậu quả tiêu cực làm cho giá thịt tại thị trường nội địa Nga và châu Âu biến động khó lường.

2. Canada và Hàn Quốc ký FTA: Tháng 3-2014, các hãng xuất khẩu thịt của Canada đón nhận tin vui sau khi Canada và Hàn Quốc ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và thỏa thuận đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Canada của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye từ ngày 20 đến 22-9. Trong khuôn khổ FTA, Canada và Hàn Quốc sẽ gỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với hầu như tất cả các hàng hóa buôn bán giữa hai nước trong vòng một thập niên sau khi FTA này có hiệu lực.  Theo ông Jean- Guy Vinxent, Chủ tịch Hội đồng thịt Canada  thì với hiệp định này ngành công nghiệp sản xuất thịt Canada sẽ tăng mạnh và được hưởng nhiều ưu đãi.

3. Ngành công nghiệp sản xuất thịt bò EU đạt được thỏa thuận quan trọng: Một trong những điếm nhấn quan trọng trong lĩnh vực thương mại toàn cầu 2014 là ngành công nghiệp sản xuất thịt bò của Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận mới, tái xuất khẩu thịt sang Mỹ kể từ năm 1998 khi Mỹ phát hiện thấy dấu hiệu bệnh bò điên. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã chính thức bãi bỏ lệnh cấm này vào tháng 11-2013 và việc xuất khẩu thịt bò của EU sang Mỹ đã có hiệu lực kể từ tháng 3-2014.

4. Nhật- Australia đạt thỏa thuận thương mại: Năm 2014, Nhật Bản và Australia đã đạt được một thỏa thuận thương mại giúp hai nước giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng quan trọng, trong đó Nhật Bản đã đồng ý giảm thuế nhập khẩu đối với thịt bò từ Australia cũng như tăng số lượng được miễn thuế theo hạn ngạch đối với pho mát - sản phẩm từ sữa xuất khẩu lớn nhất của Australia sang Nhật. Ngoài ra, Australia còn giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng điện tử, xe hơi và đồ điện gia dụng của Nhật. Đây là thỏa thuận đạt được của hai quốc gia sau khi Australia ký FTA với Hàn Quốc. Theo thông tin từ phía chính phủ Australia thì Nhật sẽ giảm thuế thịt bò tới 23,5% trong vòng 15 năm, còn thịt bò lạnh đông giảm một nửa từ 38,5% xuống còn19,5%.

5. EU- Mỹ giảm thuế thịt bò: Thương thảo để ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là công tác trọng tâm của các quốc gia trong năm 2014. Năm 2014, Hội đồng sản xuất thịt lợn Quốc gia Mỹ đã tiến hành thương thảo, cho ra đời hiệp định thương mại mới mà không có Nhật Bản tham gia sau khi quốc gia này từ chối giảm thuế và gỡ bỏ các rào cản phi thuế trong thương mại đối với Mỹ. Hiện nay, các cuộc thương thảo vẫn tiếp tục được thực hiện nhằm giảm thuế thịt bò của Mỹ và EU, đặc biệt đối với Liên minh sản xuất thịt bò 5 quốc gia (FNBA), gồm Australia, Canada, Mehico, New Zealand và Mỹ mà không có Nhật Bản.

6. Khởi xướng các Hiệp định thương mại mùa hè: Tháng 6-2014, Mỹ đã ký kết hiệp định thương mại với Hồng Kông, giúp thịt bò của Mỹ tái thâm nhập vào thị trường này kể từ khi có lệnh cấm vào năm 2003. Ngoài ra còn có nhiều hiệp định thương mại khác được ký và có hiệu lực trong mùa hè 2014. Ví dụ, Trung Quốc loại bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò của Brazil, hay Jamaica cho phép nhập khẩu tất cả các loại thịt bò từ Canada, hoặc Anh cũng đạt được nhiều bước tiến mới với Trung Quốc trong việc xuất khẩu thịt bò, thịt cừu sang Trung Quốc sau 30 năm vắng bóng... Tất cả những hiệp định nói trên  giúp ngành công nghiệp sản xuất tiêu thụ thịt của thế giới trong tương lai gần trở nên sôi động hơn.

7. Nga cấm nhập khẩu thịt nhiều "ngư ông" đắc lợi: Năm 2014 Ủy ban châu Âu đã hối thúc việc thành lập một ban xử lý tranh chấp thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để điều tra việc Nga cấm nhập khẩu thịt lợn của EU hồi tháng 7-2014. Động thái này diễn ra trước khi Nga thông báo cấm nhập khẩu thịt từ Mỹ, EU, Canada, Úc và Nauy liên quan đến việc cấm vận Nga dính líu đến các biến động ở Ukraina. Tuy nhiên lệnh cấm này lại làm cho nhiều quốc gia được lợi, tăng lượng hàng xuất khẩu sang Nga, trong đó có Argentina và Brazil.

8. Thị trường thịt Mỹ vẫn ổn định: Trong khi thịt Mỹ bị cấm nhập vào Nga, thì Mỹ lại thông báo cho biết thị trường của họ vẫn ổn định, thậm chí còn mở rộng. 2014 là năm đầu tiên Mỹ xuất khẩu thịt lợn lạnh đông sang Colombia, đây là thị trường tương đối tiềm năng đối với ngành chăn nuôi Mỹ. Theo Liên đoàn xuất khẩu thịt Mỹ (UMEF), nhân sự kiện trên Mỹ đã nới lỏng một số hạn chế đốivới thịt của Mehico và nhập khẩu thêm nhiều thịt bò từ các trang trại chăn nuôi ở miền bắc Argentina.

9. Australia - Trung Quốc ký Hiệp định FTA: Sau gần 10 năm  đàm phán, trung tuần tháng 11-2014, Australia và Trung Quốc đã đạt được đồng thuận về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương trong khuôn khổ chuyến thăm Australia và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo giới phân tích, thỏa thuận này không chỉ mở cửa thị trường Trung Quốc đối với các nhà xuất khẩu nông sản cũng như khối dịch vụ của Australia mà còn góp phần giảm bớt những rào cản đối với giới đầu tư Trung Quốc tại Australia. Theo ước tính, FTA Australia - Trung Quốc sẽ mang lại 18 tỷ AUD (15,8 tỷ USD) cho nền kinh tế nước này trong vài năm tới. Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2013 vượt trên 131 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với cách đây một thập kỷ.

10. Mỹ phản đối quyết định của WTO về quy định dán nhãn mác xuất xứ hàng hóa (COOL): Đầu tháng 12-2014, Mỹ đã quyết định kháng án về quyết định của WTO đối với quy định sửa đổi luật dán nhãn xuất xứ hàng hóa (COOL), đây là tranh chấp kéo dài giữa Mỹ, Canada và Mehico. Tháng 10-2014, ban lãnh đạo của WTO đã ra phán quyết quy định COOL của Mỹ đã vi phạm hiệp định TBT (Hiệp định hàng rào kỹ thuật  trong thương mại), gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường thực phẩm, vật nuôi tại Mỹ. Hàng hóa Mỹ đang đối mặt với các biện pháp trả đũa thương mại từ Canada và Mexico sau khi WTO ra phán quyết nói trên. Lý do quy định nói trên của Mỹ mang tính phân biệt đối xử đối các sản phẩm thịt lợn và thịt bò của Canada và Mexico. Cũng phải nói thêm rằng đây không phải là phán quyết lần đầu mà là lần thứ ba, nhưng Mỹ vẫn “làm ngơ”.

Khắc Hùng (Theo GMC-1/2015)


Ý kiến bạn đọc