Multimedia Đọc Báo in

Ông đồ xứ Nghệ Trường Victory

12:05, 17/02/2017

Bén duyên với sự nghiệp giáo dục đào tạo Đắk Lắk từ năm 2001, nhưng đến năm 2008, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Chiến mới quyết định “rời phố lên rừng” và gắn bó đến nay.

Gần 10 năm cống hiến cho loại hình giáo dục ngoài công lập của tỉnh Đắk Lắk với không ít thăng trầm, sóng gió, nhưng ngẫm lại Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Chiến thấy: “Mình lên cao nguyên là đúng!”.

Câu chuyện về cuộc đời, về nghề nghiệp của Tiến sĩ Nguyễn Chiến khá thú vị. Những năm đầu của thế kỷ 21, khi đang giữ cương vị Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 (Bộ Xây dựng), ông đã có mối liên hệ mật thiết với cao nguyên Đắk Lắk thông qua chương trình liên kết đào tạo hệ vừa làm, vừa học giữa nhà trường với Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) thành phố Buôn Ma Thuột. “Ngày ấy Tiến sĩ Nguyễn Chiến đã có đóng góp lớn trong việc giải quyết khó khăn, thực hiện thành công công tác liên kết đào tạo để cấp bằng chính quy với kết quả mỗi năm có hàng trăm học viên ngành Xây dựng tốt nghiệp ra trường”, bà Trần Thị Thiết, lúc bấy giờ là kế toán của Trung tâm GDTX TP. Buôn Ma Thuột nhớ lại.

Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Chiến trao bằng tốt nghiệp cho học sinh hệ trung cấp.
Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Chiến trao bằng tốt nghiệp cho học sinh hệ trung cấp.

Vài năm sau khi thôi giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng số 2, dù có nhiều lời mời về làm hiệu trưởng một số trường trung cấp ở thủ đô Hà Nội, hay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu… nhưng Tiến sĩ Nguyễn Chiến vẫn quyết định đến với Đắk Lắk. Không phụ sự kỳ vọng của nhà đầu tư, của lãnh đạo tỉnh, của ngành GD-ĐT, dưới sự lãnh đạo, điều hành của thầy giáo Nguyễn Chiến, Trường Trung cấp Tây Nguyên trở thành điểm sáng của hệ trung cấp chuyên nghiệp ở Đắk Lắk. Nhà trường không ngừng mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo qua từng năm học, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho tỉnh. Gần đây, trong bối cảnh các trường trung cấp chuyên nghiệp tuyển sinh chật vật, khó khăn nhưng nhà trường vẫn thu hút được 1.200 học sinh, học viên nhập học. “Sau gần 10 năm gắn bó với Đắk Lắk, tôi có hơn 20.000 học viên tốt nghiệp và tìm được việc làm với thu nhập ổn định, nhiều em bây giờ đã là giám đốc doanh nghiệp, ông chủ cơ sở xây dựng. Với tôi, đó là hạnh phúc, là động lực để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người của Đắk Lắk”, Tiến sĩ Nguyễn Chiến chia sẻ.

“Trong tâm trí của đồng nghiệp, ánh mắt của học trò luôn có hình ảnh một người thầy cần mẫn, đam mê, sáng tạo trong công việc; bình dị trong cuộc sống; nghiêm khắc trong quản lý. Chúng tôi thường trân trọng gọi thầy là “Ông đồ xứ Nghệ” 


 
 Phó Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Victory, Trương Văn Tỵ


Không ít người thân, đồng nghiệp, bạn bè hỏi: “Sao ông ở trên đó lâu vậy?”. Nở nụ cười hào sảng, thầy Chiến nói: “Sự nghiệp giáo dục Đắk Lắk còn cần đến mình; học sinh còn quý mến thì mình vẫn chưa về”. Ít ai biết rằng, Tiến sĩ Nguyễn Chiến là thành viên Ban sáng lập, Ban Quản lý Trường Đại học Buôn Ma Thuột. Và ông đang giữ cương vị Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Victory (Trường Victory). Tuy còn khá mới mẻ, nhưng nhờ uy tín, phẩm hạnh của thầy hiệu trưởng, Trường Victory đang từng bước khẳng định tên tuổi mình trong hệ thống giáo dục phổ thông của tỉnh; được nhiều phụ huynh tin tưởng, gửi gắm con em vào học tập.

Gần 70 tuổi đời, 44 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Chiến vẫn rất say với nghề. Ông đã truyền ngọn lửa đam mê, tinh thần, thái độ làm việc trách nhiệm, hết mình cho các cộng sự, đồng nghiệp, tất cả vì học sinh. “Trước khi quyết định lên Đắk Lắk làm việc, tôi khá lo lắng vì sợ mình không thích nghi với môi trường mới. Nhưng nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, ngành  Giáo dục, đặc biệt là sự tin tưởng của nhà đầu tư, của đồng nghiệp đã tiếp thêm sức mạnh, động lực để tôi có cơ hội tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người”, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Chiến trải lòng. 

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc