Multimedia Đọc Báo in

Sau 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn

07:26, 15/05/2013

Trong 3 năm (2010- 2012) thực hiện Đề án 1956 đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn tỉnh đã có trên 6.500 lao động được học nghề, trong số đó trên 75% có thu nhập cao hơn khi chưa học nghề. Hiệu quả của công tác dạy nghề đã có ảnh hưởng, tác động tích cực đến việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân…

Trên 75% người lao động có thu nhập cao hơn sau khi học nghề

Hiệu quả dạy nghề đã thể hiện rõ rệt khi phần lớn người lao động sau khi học tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động được nâng lên, tiết kiệm từ 5 đến 20% chi phí sản xuất, thu nhập tăng từ 10 đến  30% so với trước. Một bộ phận lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ… có việc làm ngay tại địa phương. Không ít người lao động đã thành lập được doanh nghiệp, tổ hợp tác, giải quyết việc làm cho bản thân và những lao động khác.

Cô gái khuyết tật H’Tiêm Ayun ở buôn Kwang (xã Ea Knuêk, huyện Krông Pak) đã  tự nuôi sống bản thân mình và giúp đỡ gia đình từ khi học nghề đan mây tre vào đầu năm 2011. Trước đây, với đôi chân tật nguyền, đi lại khó khăn H’ Tiêm chỉ quanh quẩn trong nhà và thêm gánh nặng cho gia đình vốn đã đông con, nghèo khó, 7 người mà chỉ sống nhờ vào số tiền ít ỏi của mẹ đi làm thuê. Sau 3 tháng học nghề đan mây tre miễn phí, mỗi tháng H’ Tiêm đã kiếm được hơn 2 triệu đồng bằng cách nhận hàng về đan…

Anh Y Mai ở buôn Cư Canh, xã Ea Sin (xã vùng 3 của huyện Krông Buk) thì phấn khởi vì sau khi được học nghề chăn nuôi thú y gia đình anh đã thoát nghèo vươn lên ổn định kinh tế. Với lợi thế sẵn có ở địa phương, trồng nhiều rau màu nên nhà Y Mai và bà con trong thôn mở rộng quy mô chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật và thú y vào nuôi heo nên heo phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Chỉ mới 2 lứa heo mà gia đình Y Mai đã tăng thêm thu nhập, mua sắm được một số đồ dùng thiết yếu có giá trị trong gia đình...

Cũng như H’ Tiêm và Y Mai, trong 3 năm qua toàn tỉnh đã có 6.569 lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số… được đào tạo nghề miễn phí. Trong đó có trên 75% số người đã học nghề có việc làm và có thu nhập cao hơn. Một trong những thành công lớn của Đề án là hình thành được các mô hình dạy nghề có hiệu quả và triển khai nhân rộng như: dạy nghề nông nghiệp (vùng chuyên canh, chuyên con); áp dụng phổ biến dạy nghề tại chỗ đối với người trung tuổi để tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, hiệu quả cao hơn; dạy nghề tiểu thủ công nghiệp tại làng nghề, gắn với tổ chức việc làm, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm như dệt thổ cẩm, mây tre đan kỹ nghệ…; dạy nghề phi nông nghiệp nhưng phù hợp với nhu cầu thực tế địa phương, dễ tìm việc làm như: xây dựng dân dụng, sửa chữa xe máy…

Một số mô hình nổi bật, điển hình như mây tre đan kỹ nghệ ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) và các xã Tân Tiến, Ea Kênh (Krông Pak). Sau khi kết thúc khóa học, các học viên đều được Chủ nhiệm HTX mây tre đan - dệt thổ cẩm cung cấp nguyên liệu, đặt hàng đan, thu mua sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 500 gia đình, trong đó có nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ nghề này. Hay như mô hình trồng và khai thác nấm ở Trung tâm dạy nghề  huyện Krông Ana. Hình thức triển khai đơn giản, dễ áp dụng cho các đối tượng tham gia học nghề, nguyên liệu sẵn có tại địa phương, kinh phí đầu tư không lớn, dễ chăm sóc, quản lý tại hộ gia đình. Mức thu nhập bình quân của người trồng nấm đạt từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, mô hình này đang được nhân rộng ở các địa phương khác trong tỉnh, đồng thời là địa chỉ để một số bà con nông dân tỉnh bạn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm…

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn K’nia (xã Tân Tiến, Krông Pak) thoát nghèo nhờ nghề đan mây tre xuất khẩu.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn K’nia (xã Tân Tiến, Krông Pak) thoát nghèo nhờ nghề đan mây tre xuất khẩu.

Để Đề án 1956 ngày càng phát huy hiệu quả

Đánh giá về việc thực hiện Đề án 1956 trong 3 năm qua, theo Sở LĐTB&XH công tác dạy nghề cho lao động nông thôn của tỉnh thời gian qua về cơ bản là đúng hướng và có kết quả bước đầu. Số người thoát nghèo, có thu nhập khá tăng, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu (thu nhập trăm triệu đồng/năm). Cũng từ đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; tạo cơ sở nâng số lượng và chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn trong những năm tới. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số tồn tại như: công tác tuyên truyền chưa sâu, chưa thường xuyên; một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm thỏa đáng đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Việc vay vốn để phát triển sản xuất sau khi học nghề còn chưa mấy thuận lợi…

Năm 2013, tỉnh đặt ra mục tiêu hỗ trợ dạy nghề cho 1.798 lao động nông thôn và trên 75% có việc làm sau đào tạo; 900 lượt cán bộ, công chức xã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ… Để thực hiện tốt mục tiêu này cũng có nghĩa đề án ngày càng phát huy hiệu quả, thiết nghĩ, tỉnh cần có những chính sách thu hút tuyển chọn giáo viên dạy nghề, tổ chức sắp xếp lại các cơ sở dạy nghề ở cấp huyện, hỗ trợ học viên thuộc diện hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng đặc biệt khó khăn học nghề; tổ chức khảo sát những ngành nghề phù hợp với tập quán, trình độ của đồng bào trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời có những chính sách phù hợp khi tuyển sinh gắn với đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho những lao động ở nhóm ngành nghề phi nông nghiệp; Triển khai, nhân rộng các mô hình đào tạo thí điểm có hiệu quả, gắn với các vùng chuyên canh, các doanh nghiệp nhằm sản xuất những sản phẩm tại các địa phương trong tỉnh như: chăn nuôi bò, heo, gà; tăng năng suất cà phê, tiêu, lúa; trồng nấm; phát triển nghề thủ công dệt thổ cẩm, mây tre đan, nghề xây dựng…                  

 Minh Quân

 


Ý kiến bạn đọc