Multimedia Đọc Báo in

Bài học từ một du khách người Úc

09:34, 12/08/2012

Trong một lần về thăm Smile House (ngôi nhà tình thương của thanh niên khuyết tật thành phố Hội An - Quảng Nam), tình cờ tôi được ngồi ăn cơm trưa với một du khách người Úc tên ông là New. Trong một bữa ăn đã xảy ra một chuyện bất ngờ khiến tôi cảm phục và học hỏi được những điều đáng quý từ vị du khách này.

Khi bữa ăn kết thúc, mọi người mời ông New sang bàn bên cạnh uống nước để dọn dẹp bàn ăn thì bất ngờ ông cúi xuống đất, ngay chỗ ông ngồi, nhặt những hạt cơm mình làm rơi vãi trong bữa ăn. Rồi ông cầm chúng trên tay, đem ra nhà bếp, bỏ vào chỗ để thức ăn thừa mà mỗi chiều đều có người đến lấy về cho heo ăn. Ông nhặt cơm rất nhanh, nhanh đến nỗi tất cả mọi người đều bất ngờ không kịp phản ứng gì.

Có lẽ nhiều người Việt Nam chúng ta từ khi biết suy nghĩ, biết nói thì đã được ba mẹ và những người lớn tuổi dạy câu: “Hạt gạo là hạt ngọc trời” và luôn dặn chúng ta phải biết quý trọng, nâng niu, tiết kiệm từng hạt cơm, hạt lúa, hạt gạo. Nhưng rồi, lớn lên, cuộc sống dần dần cuốn chúng ta đi, còn mấy ai nhớ đến lời dạy mà ông bà ta qua bao thế hệ đã truyền lại như vậy. Nhiều người trong chúng ta không giàu có gì nhưng khi vào đời đã tỏ ngay phung phí những thứ lớn hơn chứ đừng nói gì đến một hạt cơm rơi. Và chúng ta trở thành một kẻ hoang phí trong khi biết bao người ngoài kia đang vật lộn từng ngày mà vẫn không đủ ăn, đủ mặc.  Ngay lúc ông New cẩn thận nhặt những hạt cơm rơi lên bỏ vào lòng bàn tay, tự nhiên tôi tự thấy xấu hổ. Người đàn ông Úc ngoài 50 tuổi ấy chợt đánh thức trong tôi những lời dạy của ba mẹ ngày tôi còn nhỏ. Có thể ông khác tiếng nói, khác văn hóa, khác môi trường sống với tôi nhưng điều ông làm - dù rất là nhỏ thôi - đủ để làm tôi cảm phục. Việc nhỏ ấy, ít khi chúng ta làm sau mỗi bữa ăn. Cùng lắm là nhặt cơm rơi trên bàn. Dưới đất thì thường lấy chổi quét gom lại mà thôi. Vậy mà ông đã làm được hơn thế rất nhiều.

Từ hành động của ông New, tôi chợt nhận ra mình cần phải biết nâng niu, gìn giữ những giá trị của cuộc sống này, dù chúng rất nhỏ bé. Tôi chưa nói được lời cảm ơn với vị khách người Úc ấy nhưng từ lúc gặp ông, tôi đã thay đổi rất nhiều. Đôi khi những triết lý, những lời đao to búa lớn không hề có một giá trị nào mà chỉ vài hạt cơm rơi thôi đủ để con người nhìn lại chính mình, sống có ích hơn cho gia đình, bản thân và xã hội.

Thành Giang


Ý kiến bạn đọc