Multimedia Đọc Báo in

Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng Dak Lak: Còn đó những nỗi lo

10:36, 09/03/2012

Nhiều công trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, thủy điện, khu dân cư mới… trên địa bàn Dak Lak đã lấy đi không ít diện tích rừng tự nhiên ở đây. Hiện tại, rừng tự nhiên của tỉnh chỉ còn lại chưa tới 568.000 ha (năm 2000 còn gần 700.000ha). Tuy nhiên, số diện tích rừng còn lại ít ỏi này hiện cũng đang tiếp tục đối mặt trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng…

Những áp lực đè nặng lên rừng

Điều đáng chú ý là diện tích rừng tự nhiên của Dak Lak còn lại hầu hết đã có chủ. Ngoài hai vườn quốc gia (Yok Đôn, Cư Yang Sin), hai khu bảo tồn (Nam Ka, Ea Sô) và bốn Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn (Buôn Đôn, Krông Năng, Lak, Hòn Vọng Phu-Ea H’leo) và 15 Công ty lâm nghiệp được giao quản lý, bảo vệ hơn 2/3 diện tích rừng nói trên, số còn lại khoảng 85.000 ha được các huyện, xã tiến hành giao cho các hộ dân và cộng đồng thôn buôn nhận quản lý bảo vệ theo chủ trương, chính sách của Nhà nước, trong đó chủ yếu là theo Quyết định 178 và 304 của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2011 kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn phát hiện và xử lý gần 400 vụ vi phạm lâm luật, với hàng trăm khối gỗ và phương tiện vận chuyển lâm sản bị tịch thu.

Sẽ không có gì để nói, nếu như không có những áp lực đè nặng lên rừng, khiến các chủ rừng phải “mất ăn, mất ngủ” trước nhiệm vụ đặt ra. Mỗi chủ rừng, loại rừng đều có “nỗi khổ” khác nhau. Đối với các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thì vấn nạn “chảy máu” tài nguyên rừng được xem là “nóng” nhất. Trong những cánh rừng Yok Đôn, Cư Yang Sin, Ea Sô… chưa bao giờ được yên tĩnh vì tình trạng khai thác gỗ lậu và săn bắn động vật hoang dã có lúc âm ỉ, có lúc dữ dội, khiến tài nguyên đa dạng sinh học ở đây suy giảm nghiêm trọng. Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm Dak Lak, số vụ vi phạm lâm luật trong những năm gần đây tăng lên đang báo động theo cấp độ năm sau cao hơn năm trước. Riêng trong năm 2011, số vụ vi phạm lên tới 1.783 vụ, trong đó diện tích rừng bị chặt phá gần 600 ha. Lý giải về “vấn nạn” này, tại nhiều cuộc họp bàn về biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng Dak Lak, nhiều ý kiến cho rằng: nhu cầu kiếm sống hằng ngày của người dân địa phương, nhất là cư dân sống ở các vùng đệm liền kề với những khu rừng trên là rất lớn và hết sức bức xúc. Phần lớn họ không có nghề nghiệp ổn định, đất đai sản xuất ít, quen sống dựa vào rừng… nên việc bất chấp pháp luật, vào rừng để lấy gỗ, săn bắt thú rừng kiếm sống là thực trạng khó có thể kiểm soát, ngăn chặn. Ông Trương Văn Trưởng- Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn phản ánh: gần phạm vi vườn hiện có hàng chục nghìn hộ dân của 6 xã vùng đệm: Ea Huar, Ea Wer, Krông Ana (huyện Buôn Đôn), Cư M’lan, Cư KBang (Ea Súp) và Nam Dong (Cư Jút- Dak Nông) chuyên sống bằng nghề “ăn rừng” thì chúng tôi khó kiểm soát nổi! Tương tự, các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên khác trên địa bàn Dak Lak cũng vậy - những cụm dân cư sống gần rừng luôn là mối đe dọa thường trực. Ông Trưởng cho rằng: để giảm áp lực này, không có gì bền vững hơn là tìm cách ổn định cuộc sống cho các khu dân cư trên bằng những giải pháp thiết thực, đồng bộ và hiệu quả hơn. Tương tự, ông Tống Ngọc Chung- Giám đốc Vườn quốc gia Cư Yang Sin cũng bày tỏ: hằng năm, đơn vị đã vận động hơn 3.200 hộ dân sống gần vùng lõi của vườn cam kết không vi phạm lâm luật, nhưng cũng chẳng cải thiện được tình hình. Do địa hình của rừng Cư Yang Sin cao và hiểm trở nên tình trạng khai thác gỗ lậu ở đây không căng thẳng, phức tạp như Yok Đôn, nhưng lại nổi cộm vấn đề săn bắt động vật rừng. Từ đầu năm đến nay, kiểm lâm của vườn này đã tuần tra và tháo gỡ trên 3.200 dây bẫy chim, thú các loại. Điều đó cho thấy gánh nặng đặt lên rừng và các chủ rừng ở đây bắt nguồn từ việc mưu sinh của người dân trong vùng thật sự là nỗi lo không dứt.

Tuy nhiên, nỗi lo thường trực nói trên không đáng sợ bằng “tư duy” đánh đổi rừng để lấy những lợi ích khác! Chẳng hạn như xây dựng thủy điện là mối lo ngại không thể không quan tâm. Bởi suy cho cùng, người dân vào rừng cấm để đốn hạ hàng trăm cây gỗ, săn bắt hàng nghìn con chim, thú… đã là điều đau xót; nhưng theo thời gian những cá thể lâm sinh này có thể tái sinh, hồi phục được. Còn với thủy điện, một khi “nhảy” vào rừng thì coi như hết… cứu vãn! Ông Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn cũng như Cư Yang Sin đều tỏ ra đau đáu về điều này. Với Vườn quốc gia Cư Yang Sin, công trình thủy điện 15 MW ở đây đã làm xong và vận hành từ 5- 6 năm nay. Theo đó, hơn 110 ha rừng nguyên sinh trong vùng lõi của vườn, dọc con sông Krông Kma (huyện Krông Bông) tuyệt đẹp đã vĩnh viễn bị xóa sổ. Còn tại Vườn quốc gia Yok Đôn, cho đến bây giờ nỗi lo “chồng” lên nỗi lo cũng vì một số công trình thủy điện (có công suất rất nhỏ) đang được quy hoạch, xây dựng tại đây. Ông Trương Văn Trưởng cảnh báo rằng, một khi phải chấp nhận đánh đổi thì “bức tường bảo vệ” rừng quốc gia Yok Đôn sẽ bị xé toang.

Tìm lối ra cho các công ty lâm nghiệp

Còn với các chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn thì sao? “Nỗi khổ” đeo đuổi họ là không tự chủ được phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh trên diện tích rừng được giao (khoảng gần 60.000 ha cho 15 công ty) do không có vốn, dẫn đến nợ nần. Hiện tại, cán bộ- công nhân viên chức một số Công ty Lâm nghiệp: Cư M’lan, Rừng Xanh, Ya Lốp, Ya Mơ (huyện Ea Súp) hiện đang “làm công không lương” trong nhiều tháng qua, khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng không được chú tâm, dẫn đến diện tích rừng được giao “làm chủ” bị tàn phá dữ dội. Ông Nguyễn Văn Xuân- Phó giám đốc Sở NN-PTNT đánh giá: tình trạng khai thác gỗ trái phép, săn bắt động vật hoang dã, xâm lấn đất rừng ở đây hết sức phức tạp. Đến nay đã có hơn 2.200 ha rừng của các công ty lâm nghiệp bị gọt trụi để lấn chiếm trái phép. Điều đó đặt ra vấn đề cấp bách là phải tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị lâm nghiệp này để hạn chế tình trạng mất rừng đã xảy ra. Ông Xuân cho hay: UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với khối kinh tế lâm nghiệp quan trọng này. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm trên, đến nay vẫn chưa tìm được giải pháp khả thi. Để giữ được rừng và phát huy hiệu quả kinh tế từ vốn tài nguyên rừng trong các công ty lâm nghiệp này, không còn cách nào hơn là cho họ quyền tự chủ mạnh mẽ hơn. Trong đó giải pháp liên doanh, liên kết đầu tư với các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao năng lực về vốn, phương án sản xuất, kinh doanh trên từng đơn vị diện tích rừng được giao là hướng đi có tính khả thi và bền vững hơn cả. Bởi khi đó, rừng vẫn thuộc quyền sở hữu Nhà nước (là các công ty lâm nghiệp), lợi ích mang lại từ rừng sẽ được hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống của các cộng đồng cư dân tại chỗ; thay vì cho các doanh nghiệp thuê rừng với thời hạn 50 năm, hoặc lâu hơn dưới nhiều hình thức, dự án kinh tế sẽ vẫn dẫn đến tiềm ẩn lắm rủi ro khó lường…

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Đại lễ Phật đản
Đại lễ Phật Đản năm 2024 - Phật lịch 2568 tại tỉnh Đắk Lắk diễn ra trong không khí trang nghiêm. Tất cả các cơ sở thờ tự Phật giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được trang hoàng rực rỡ cờ hoa, phẩm lễ..., với mong muốn đón một đại lễ thật ý nghĩa, trang trọng.