Multimedia Đọc Báo in

Những chuyến hành trình nhiều ý nghĩa

17:21, 28/04/2012

Vượt qua hơn 1.000 km, từ thủ đô Hà Nội, hơn 200 đại biểu là các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân những người có công ở các tỉnh phía Bắc đã đặt chân đến Buôn Ma Thuột trong hành trình về nguồn, thăm lại chiến trường xưa nhân Kỷ niệm 37 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột.

Dù tuổi đã cao, đường sá xa xôi, vượt lên sự mỏi mệt, những câu chuyện cùng nụ cười vẫn cứ tỏa lan. Được cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời sống - chiến đấu nhiều gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng; cùng trải qua các hoạt động ý nghĩa: viếng đồng đội, thăm lại đồng chí, giao lưu truyền thống với thế hệ trẻ, đóng góp công sức giúp đỡ đồng đội khó khăn… là những ấn tượng, kỷ niệm khó quên trong lòng mỗi người.

Niềm vui gặp gỡ trong mỗi chuyến hành trình..
Niềm vui gặp gỡ trong mỗi chuyến hành trình..

Ông Nguyễn Văn Khuyến, cựu chiến binh và cũng là thành viên trong đoàn, đã từng có thời gian tham gia chiến trường ở Buôn Ma Thuột đã không giấu được cảm xúc bồi hồi khi trở về thăm lại mảnh đất này kể từ sau giải phóng đến nay ông mới có dịp quay lại. Ông rất ngỡ ngàng về sự đổi thay kỳ diệu của thành phố hôm nay. Canh cánh mang trong mình giấy báo tử của đồng đội Nguyễn Tấn Sáng, tranh thủ trong cuộc hành trình này, ông đã đi khắp các Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Buôn Ma Thuột với hy vọng tìm được mộ của người đã khuất… Còn với người cựu chiến binh Vương Xuân Đề, câu chuyện về thời kỳ chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên tuy nhiều gian khổ, hy sinh nhưng lại đầy nghĩa tình với đồng bào Tây Nguyên mà ông kể lại tại buổi giao lưu truyền thống với thế hệ trẻ cũng là những kỷ niệm mà ông nhớ mãi. Trong buổi giao lưu ấy những bài hát do chính các cựu chiến binh cùng nhau ca vang như làm sống lại không khí của thời khói lửa, đạn bom đầy hào hùng, kiên cường, anh dũng thuở nào.

Đó là một trong nhiều chuyến đi ý nghĩa mà Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử Việt Nam đã tổ chức cho các cựu chiến binh trong những năm qua. Còn biết bao câu chuyện, biết bao kỷ niệm, dấu ấn của mỗi cuộc hành trình trên các vùng miền của Tổ quốc đã đọng lại trong mỗi người. Hào khí Việt Nam, lòng tự tôn dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giá trị nhân văn, giá trị truyền thống về đức hy sinh, lòng dũng cảm, sự thông minh sáng tạo của người Việt Nam qua các thời kỳ chiến tranh vệ quốc và xây dựng đất nước… đã được khơi dậy, làm sáng lên qua từng câu chuyện kể giản dị của mỗi nhân chứng lịch sử.

Các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham quan Bảo tàng Dak Lak.
Các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham quan Bảo tàng Dak Lak.

 

Ông Lê Xuân Niêm, Giám đốc Trung tâm, Trưởng ban tổ chức các chuyến hành trình cho biết: Tiền thân là Trung tâm tư vấn nhân đạo và người cao tuổi, Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử ra đời từ tháng 10 năm 1992. Từ đó đến nay, Trung tâm đã tổ chức cho hơn 50 vạn lượt người tham gia các chuyến đi “Về nguồn”; tổ chức được gần 100 cuộc gặp mặt - giao lưu truyền thống với hơn 300.000 lượt người tham dự như: “Nghĩa tình đồng đội”, “Khúc ca người mẹ”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”, “Từ 5-8 đến Điện Biên Phủ trên không”, “Tây Nguyên với Bác Hồ”... Mỗi chương trình đều gắn với ngày lễ kỷ niệm hoặc sự kiện tiêu biểu nhằm tuyên dương, tôn vinh những người có công với  đất nước, với nhân dân. Và một trong những hoạt động được Trung tâm hết sức chú trọng là công tác đền ơn đáp nghĩa. Những năm qua, Trung tâm đã tìm kiếm, khai thác và báo tin được hơn 7.000 phần mộ liệt sĩ, hồi hương hàng trăm liệt sĩ từ phía Nam về quê hương…

Mỗi chuyến hành trình là một cuộc về nguồn, lội ngược dòng lịch sử để về lại với quá khứ, với kỷ niệm, với tình người. Để rồi từ đó những bài học về lịch sử, truyền thống cách mạng, về tình đồng đội, sự nhân văn cao đẹp của những người cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong năm xưa sẽ tiếp tục được nhân lên, tỏa sáng.

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc