Multimedia Đọc Báo in

Mưa lớn kéo dài gây thiệt hại ở nhiều địa phương

09:52, 03/11/2010

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai tỉnh, từ ngày 27-10 đến 2-11, trên địa bàn Dak Lak đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa tại huyện M’Drak đo được trên 600mm, tại thị trấn Ea Knốp (Ea Kar): 146,7mm, Krông Bông: 143mm, Krông Pak: 69,6mm, Lak: 63,5mm… Hiện tại, mực nước các sông, suối trong tỉnh đang có xu thế lên cao, riêng khu vực phía đông của tỉnh mực nước đang lên nhanh đã gây ngập lụt cục bộ và thiệt hại ở một số địa phương.

Tại huyện Krông Bông, tổng diện tích cây trồng các loại bị ngập lụt là 418ha (trong đó lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch 21ha, cây trồng vụ thu đông gồm 383ha ngô, 14ha đậu). Đập Jang Kang hạ đoạn đê bao thi công tràn đã vỡ làm 8 nhà dân bị ngập buộc phải di dời. Ngoài ra, có 3 hộ dân ở thôn 3 xã Jang Kang bị ngập sâu trong nước đã được di dời đến nơi an toàn. Hiện tại, thôn Nơh Prông, xã Hòa Phong bị chia cắt do trôi cầu tạm qua suối. Hệ thống các bến đò qua sông trên địa bàn xã Hòa Phong đang tạm thời ngừng không cho hoạt động để đảm bảo an toàn. Tại xã Hòa Tân: Đường từ thôn 1,2,3 đi thôn 5 không qua lại được. Trên địa bàn xã Cư Đrăm, cầu thôn 2 bị sạt lở 3m ở đầu mố cầu; cầu tạm từ Cư Đhat đi xã Cư San (M’Drak) đã bị nước cuốn trôi.

Trên địa bàn huyện Krông Pak, đoạn Km 38 – 39 Quốc lộ 26 bị ngập sâu trong nước 0,5m; cầu suối Nước Trong xã Vụ Bổn ngập sâu 3m. Người dân trong vùng phải dùng đò và cầu phao tạm để đi lại. Ngoài ra, cầu đi vào xã Ea Yiêng cũng bị ngập sâu 1,5m. Theo thống kê ban đầu, huyện Krông Pak có căn 2 nhà và 2,4ha lúa thu đông bị ngập nước. Tại huyện Ea Kar, xã Ea Lang đã bị chia cắt do đường vào xã bị ngập. Hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể những thiệt hại về cây trồng và tài sản của người dân.
Tại huyện M’Drak, từ ngày 27-10 đến 15 giờ ngày 2-11, trên địa bàn huyện M’Drak đã xảy ra mưa lớn kéo dài tại 13/13 xã, thị trấn toàn huyện. Theo báo cáo của Trạm khí tượng thủy văn, lượng mưa đo được trên 620mm, trong đó 2 ngày 1 và 2 lượng mưa đo được trên 400mm.

Mưa lớn nên nước đầu nguồn đổ về nhanh làm cho các sông, suối, hồ đập nước dâng cao gây ngập lụt trên diện rộng. Theo thống kê của Ban PCLB&GNTT huyện, tuy chưa có thiệt hại về người, nhưng ngày 1-11 huyện đã phải di dời khẩn cấp 15 hộ dân ở cầu buôn Lếch A xã Krông Jin đến nơi an toàn; xã Cư Prao bị nước chia cắt thành ba vùng. Sáng 2-11 các trường mẫu giáo, tiểu học ở xã Cư Prao và vùng thôn 7, thôn 8 và thôn 9 xã Cư Króa buộc phải cho học sinh nghỉ học. Các ngầm giao thông trên địa bàn nước dâng cao trên 1m. Tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng gần 1.500 ha, trong đó có 24,5 ha lúa nước, mía trên 1.300 ha. Hầu hết các công trình thủy lợi, diện tích hoa màu chưa thu hoạch đều bị nhấn chìm trong nước từ 0,5m đến 1m. Một số ngầm tràn như Ea Krung, Ea Kpal xã Krông Jin còn bị ngập từ 1m đến 1,5m nước; các công trình thủy lợi như Ea Poa (xã Ea Trang), Ea Má (xã Cư M’ta), Ea Mró, Ea Ktung (xã Krông Jin), đập dâng buôn Um, buôn Phao xã Cư M’ta… nếu mưa lớn vẫn kéo dài như hiện nay thì sẽ xảy ra sự cố; các thôn 5, 7 (xã Ea Mđoan), thôn 8,9 (xã Ea Mlay), thôn 4, 7 (xã Krông Á), thôn 7,9 (xã Cư Króa) sẽ xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Một số tuyến giao thông đi xã Cư San, Cư Prao và một số thôn, buôn của xã Cư Kóa, Ea Trang, Krông Á bị chia cắt hoàn toàn. Tuyến giao thông đi xã Ea Mđoan đoạn qua đèo Cọp bị sạt lở đất làm ách tắc giao thông nhiều giờ. Ngày 2-11, các xã Ea Mđoan và xã Ea Riêng phải huy động hàng chục lao động ra giải tỏa mặt đường đến 11 giờ cùng ngày mới thông đường, và chỉ có xe đạp và xe máy đi qua được.

Đập tràn Krông Jin trong mưa lũ (Ảnh: Tiến Lâm)
Đập tràn Krông Jin trong mưa lũ (Ảnh: Tiến Lâm)

Ban PCLB&GNTT huyện đã tăng cường cán bộ xuống phối hợp cùng các xã, thị trấn chỉ đạo nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng cho nhân dân và giảm tổn thất về tài sản do mưa lũ gây ra; kiên quyết di dời các hộ dân ở các vùng trũng, vùng dễ bị xảy ra lũ quét và sạt lở đất; cắt cử người trực 24/24 giờ và cắm biển bảo nguy hiểm tại các ngầm giao thông, không cho người và gia súc đi lại khi đang mưa to, nước lớn.

Dự báo trong khoảng 4-5 ngày tới trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa lớn, tập trung chủ yếu ở khu vực phía đông của tỉnh. Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu lãnh đạo các địa phương theo dõi diễn biến thời tiết, chỉ đạo ứng phó kịp thời khi lũ lụt xảy ra, bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Theo đó, các địa phương kịp thời cử cán bộ triển khai phương án phòng chống lũ lụt đến tận thôn buôn, bảo đảm an toàn cho nhân dân, chú ý đề phòng lũ quét và sạt lở đất; kiểm tra các công trình hồ chứa nước trên địa bàn, có phương án phòng chống lũ cho các công trình xung yếu; tổ chức canh gác các ngầm giao thông bị ngập nước không cho người và phương tiện qua lại để bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại địa phương để làm tốt công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn với phương châm “4 tại chỗ”…

 

Việt Cường - Tiến Lâm

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Đại lễ Phật đản
Đại lễ Phật Đản năm 2024 - Phật lịch 2568 tại tỉnh Đắk Lắk diễn ra trong không khí trang nghiêm. Tất cả các cơ sở thờ tự Phật giáo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được trang hoàng rực rỡ cờ hoa, phẩm lễ..., với mong muốn đón một đại lễ thật ý nghĩa, trang trọng.