Multimedia Đọc Báo in

Đề phòng bệnh nhồi máu cơ tim cấp

06:13, 18/12/2022

Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở mọi độ tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạch vành. Điều quan trọng là người bệnh cần nhận ra các dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim sớm để đi khám và xử trí đúng cách nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.

Ông Phan Nức (67 tuổi, ở xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) có biểu hiện mất ngủ 3 ngày liên tục, kèm cảm giác mệt, khó thở, đau thắt ngực. Ông được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám. Sau khi thực hiện điện tâm đồ, các bác sĩ chẩn đoán ông Nức bị nhồi máu cơ tim cấp và theo dõi điều trị chuyên khoa bằng phương thức uống thuốc chống đông máu.

Trường hợp khác là ông Nguyễn Niệm (ở xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) nhập viện trong tình trạng tay chân bị tê liệt, người tím tái, khó thở và đau ngực. Kết quả chụp mạch vành cho thấy mạch máu bị tắc nghẽn; huyết áp lên cao 270 mmHg. Bà Lê Thị Liễn, vợ ông Niệm cho biết ông bị tăng huyết áp từ nhiều năm nay và uống thuốc đều đặn; tuy nhiên, thời gian gần đây, thấy huyết áp ổn định nên ông tự ngưng thuốc. May mắn được can thiệp và điều trị kịp thời, đến nay sức khỏe của ông Niệm đã ổn định.

Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đình Thi

Bình quân mỗi ngày khoa Cấp cứu và can thiệp tim mạch (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) tiếp nhận và cấp cứu cho gần 40 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Đa số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực, tay chân tê yếu, huyết áp tăng. Theo các bác sĩ chuyên khoa, điều trị tim mạch, nhồi máu cơ tim là một cấp cứu khẩn trong y khoa, là tình trạng tắc nghẽn đột ngột động mạch nuôi tim gây thiếu máu nuôi tim, tổn thương tế bào cơ tim gây suy tim, rối loạn nhịp tim, đột tử... Đây là bệnh lý rất nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong lên tới 50%. Qua thống kê, đánh giá của các chuyên gia, người mắc bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa do lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, nhiều người chưa nhận biết các dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim dẫn đến việc bỏ lỡ “thời gian vàng” trong điều trị, tăng nguy cơ gây ra biến chứng nghiêm trọng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Lê Thành Tâm (khoa Cấp cứu và can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm. Bệnh lý này thường gặp ở các đối tượng trung niên, nam giới, có thói quen hút thuốc lá, hay tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, gần đây, tuổi trung bình của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang dần trẻ hóa; đã có không ít các trường hợp mắc bệnh khi tuổi đời chưa đến 30. Triệu chứng điển hình nhất của nhồi máu cơ tim là đau nặng ngực: đau giữa ngực, sau xương ức hoặc hơi lệch trái, cảm giác nặng, bị bóp nghẹt, siết chặt, đè, có khi lan ra tay trái, lên cằm, xuống bụng vùng trên rốn. Thời gian đau ngực thường trong khoảng 20 - 30 phút hoặc dài hơn. Người bệnh có thể kèm vã mồ hôi, khó thở và bất tỉnh. Cũng có người bệnh không đau ngực mà đau bụng vùng trên rốn, đau sau lưng. Các dấu hiệu và triệu chứng của nhồi máu cơ tim có thể thay đổi tùy theo tuổi, giới tính, vùng mạch máu bị tổn thương và những bệnh lý khác đi kèm.

Các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim bao gồm: hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, tiền sử gia đình có người bị bệnh tim mạch. Một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim như giới tính nam, người cao tuổi, thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động… Người bị nhồi máu cơ tim cần được tái lưu thông mạch máu nuôi tim càng sớm càng tốt nhằm hạn chế tế bào cơ tim bị tổn thương và hoại tử. Thời gian vàng là 48 giờ đầu tiên, nhất là 12 giờ đầu. Ngay khi có dấu hiệu nêu trên, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Để phòng ngừa sự phát triển bệnh động mạch vành hoặc làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, ngoài việc lưu ý sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản như kiên trì tập thể dục hằng ngày, áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bỏ hút thuốc lá, việc kiểm soát các bệnh có liên quan cũng góp phần quan trọng trong quá trình điều trị như huyết áp, đường huyết. Người chưa bị nhồi máu cơ tim nhưng có yếu tố nguy cơ nên chủ động tầm soát, thăm khám chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán, phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.