Multimedia Đọc Báo in

Tròn vai việc trường, việc nhà

08:31, 02/04/2024

Hiện Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh có 67 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc với 5.318 đoàn viên.

Từ đặc thù của ngành giáo dục, phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” được các CĐCS hưởng ứng, triển khai thực hiện, lồng ghép với các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…

CĐCS Trường THPT Trần Quốc Toản (huyện Ea Kar) có tỷ lệ nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) chiếm gần 60%. Cô Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Công đoàn nhà trường cho biết, phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” được CĐCS trường cụ thể hóa thành những hoạt động thực tế phù hợp, đặc biệt là những hoạt động gắn với các ngày lễ, kỷ niệm trong năm như: Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Quốc tế Phụ nữ (8/3), Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6)… CĐCS trường lập nhóm Zalo nữ riêng, không chỉ giúp triển khai nhanh chóng các thông tin hoạt động, phong trào thi đua, mà còn là nơi trao đổi tâm tư, nguyện vọng, sẻ chia những vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt, công tác thi đua khen thưởng được CĐCS trường coi là một trong những giải pháp trọng tâm, tạo động lực phấn đấu, xây dựng cá nhân điển hình trong các lĩnh vực.

Cô Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Trần Quốc Toản (huyện Ea Kar), giáo viên môn Lịch sử và các học sinh đạt huy chương trong Kỳ thi Olympic truyền thống 10-3 tỉnh Đắk Lắk năm 2024.

Nhờ đó, hằng năm, 100% nữ đoàn viên đăng ký thi đua và đạt danh hiệu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, không có giáo viên vi phạm chính sách dân số của nhà nước. Năm học 2020 - 2021, Công đoàn trường được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Vừa qua, CĐCS trường được Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh tặng Giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong hai năm thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH, Chỉ thị 03/CT-TLĐ, gắn với phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn 2021 - 2023.

 

Phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” ngày càng được lan tỏa, có chiều sâu, phát huy được phẩm chất tốt đẹp và tiềm năng to lớn của nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, xây dựng trường học, gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

 

Bà Nguyễn Thị Hải Hường, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk

Thực tế cho thấy, qua thời gian triển khai phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, đội ngũ nữ CBNGNLĐ trên địa bàn tỉnh đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nữ công đoàn viên là những người đi đầu trong các hoạt động như: nghiên cứu khoa học, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, ôn thi học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp, thể dục thể thao, xây dựng gia đình văn hóa… Ngoài công tác chuyên môn, nữ CBNGNLĐ cũng đã làm tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Đến nay, trong đội ngũ nữ CBNGNLĐ có 4 tiến sĩ, 301 thạc sĩ. Trung bình mỗi năm, ngành Giáo dục tỉnh có 3.345 nữ CBNGNLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, chiếm gần 99% số lượng đăng ký. Hằng năm, 96% gia đình trong toàn ngành đạt “Gia đình văn hóa”.

Cô Phan Thị Lệ (thứ tư từ phải sang) cùng các giáo viên nhận Giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH, Chỉ thị 03/CT-TLĐ, gắn với phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn 2021 - 2023 của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh.

Điển hình như cô Phan Thị Lệ, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh có nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, danh hiệu “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, gia đình đạt “Gia đình văn hóa”. Song song với công việc chuyên môn, cô cũng luôn cố gắng dành thời gian sắp xếp chu toàn công việc nhà cửa, con cái.

Cô Lệ chia sẻ, do đặc thù của công tác giáo dục học sinh khuyết tật, giáo viên cũng vất vả hơn; bởi thế CĐCS Trung tâm luôn hướng tới việc kết nối các đoàn viên đoàn kết, phấn đấu thực hiện tốt công việc chuyên môn chung của nhà trường, đồng thời quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên trong cuộc sống hằng ngày, từ đó hỗ trợ các giáo viên một cách tốt nhất.

Đơn cử như việc sắp xếp công tác chuyên môn hài hòa, phù hợp, tạo điều kiện giúp đỡ đoàn viên, đặc biệt đoàn viên nữ trong những thời điểm khó khăn (như đau ốm, sinh con).

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc