Multimedia Đọc Báo in

Đa dạng phương thức hỗ trợ tiếp cận thị trường việc làm cho người lao động

07:12, 28/11/2023

Với những nỗ lực không ngừng, Phòng Lao động -  Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin tiếp tục thực hiện tốt vai trò "cầu nối" giữa doanh nghiệp (DN) với người lao động trong việc tiếp cận thị trường việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Huyện Cư Kuin xác định công tác giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, xuất khẩu lao động đang được coi là một trong những giải pháp mang tính đột phá; từ đó, tạo việc làm có mức thu nhập cao, góp phần giảm nghèo bền vững, thay đổi tư duy, trình độ sản xuất của người lao động, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Tính đến nay, tổng số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Cư Kuin khoảng 5.310 người (năm 2022: 2.636 người; ước hết tháng 10/2023: 2.674 người).

Người lao động tìm hiểu thông tin đi xuất khẩu lao động trong một phiên giao dịch việc làm ở huyện Cư Kuin.

Qua những buổi tuyên truyền, kết nối các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu lao động có uy tín, chất lượng trên địa bàn huyện, năm 2020, anh Y Pitơ Byă (27 tuổi, trú buôn Ea Kmar, xã Ea Bhốk) đã đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Những năm trước, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, không có đất canh tác, nhà lại đông anh em. Để cải thiện đời sống, gia đình đã vay mượn 160 triệu đồng để anh đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. “Với mức lương trung bình 40 triệu đồng/tháng, sau ba năm làm việc ở nước ngoài, tôi đã trả hết nợ, gia đình cũng thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Công việc ở nước ngoài tuy vất vả nhưng có thu nhập cao, nên khi kết thúc 3 năm hợp đồng ban đầu, tôi tiếp tục xin gia hạn thêm và ở lại Nhật Bản làm việc”, anh Y Pitơ chia sẻ.

Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp huyện Cư Kuin quan tâm, chỉ đạo sát sao, công tác triển khai được thực hiện đồng bộ. Nhờ đó, thời gian gần đây, nhiều thanh thiếu niên con em đồng bào dân tộc thiểu số đã đăng ký học ngoại ngữ để đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng.

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin tuyên truyền, tư vấn, thông tin cho người lao động tìm kiếm việc làm.

Chị H Khuyết Byă (20 tuổi, ở buôn Ea Tlá, xã Dray Bhăng) sẽ xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản trong tháng 12/2023. Chị H Khuyết cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, đã từng đi làm ở TP. Hồ Chí Minh nhưng không có công việc ổn định nên chị quyết định đi lao động nước ngoài để học hỏi, nâng cao thu nhập, giúp gia đình có cuộc sống khấm khá hơn. “Nhận được sự tư vấn của các DN, sự hỗ trợ của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin và tìm hiểu qua những người từng đi lao động tại nước ngoài về, tôi đã chọn đăng ký đi Nhật Bản. Hy vọng qua bên đó, công việc thuận lợi, tôi vừa có tiền trang trải cuộc sống, vừa có thể gửi một ít về quê cho gia đình”, chị H Khuyết bộc bạch.

Để giúp người lao động tìm được việc làm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, như: tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng; trong lễ đón nhận quân nhân hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương; phiên giao dịch việc làm; các buổi họp thôn, buôn… về quyền và lợi ích của việc học nghề, tìm được việc làm ổn định, các gương điển hình sau học nghề tự tạo việc làm và xuất khẩu lao động. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhất là để người dân hiểu rõ ý nghĩa của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để các DN đủ điều kiện pháp lý đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện các hoạt động tư vấn, tuyển dụng tại địa phương. Từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, ban, ngành, đoàn thể huyện, các DN, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk tổ chức được 14 phiên giao dịch việc làm, thu hút trên 1.500 lao động ở địa bàn tham gia.

Tuy nhiên, công tác giới thiệu việc làm của huyện hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn, bởi người lao động trên địa bàn huyện đa phần là lao động phổ thông, tham gia hoạt động kinh tế chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp; tay nghề của người lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp chưa cao, số lượng lao động có tay nghề, chuyên môn ít nên chưa đáp ứng được yêu cầu của những thị trường lao động đòi hỏi chuyên môn tương đối cao như Hàn Quốc, Nhật Bản… Do đó, phần lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là lao động giản đơn, phổ thông chưa có tay nghề.

Bà Đặng Thị Huyền Trang, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là người lao động về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lao động, việc làm. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết giữa cấp xã với các DN, người lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm; quan tâm, tuyển chọn, cung ứng nguồn lao động có chất lượng. Đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thúy Nga - Phạm Thừa


Ý kiến bạn đọc