Multimedia Đọc Báo in

Những bức ảnh tư liệu quý về voi ở Thăng Long - Hà Nội

08:34, 23/07/2023

Trong quá khứ xa xưa, Thăng Long - Hà Nội là nơi tiếp nhận, sử dụng và bảo quản nhiều động vật, cây trồng quý báu của đất nước chuyển về, trong đó có voi. 

Voi được mang đến kinh thành Thăng Long từ nhiều nguồn khác nhau: Tặng phẩm của các thổ tù cho triều đình, mua của nước Lào láng giềng, triều cống của Quốc vương Champa và chiến lợi phẩm thu được từ các cuộc chiến tranh. Voi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng là nguồn chính để cung cấp cho triều đình phong kiến, đặc biệt là thời Tây Sơn và nhà Nguyễn.

Theo sử biên niên, vào năm 1751 thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, vua Nước, vua Lửa (Thủy Xá, Hỏa Xá) của người J’rai được ưu ái trong quan hệ với triều đình. Cứ 5 năm một lần, nhà vua sai người đến nước Thủy Xá, Hỏa Xá cho quà (áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo sắt và chén đũa bằng sứ). Vua hai nước ấy sắm sửa phẩm vật địa phương (kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực) để hiến tặng. Từ kinh thành Huế, voi được phân bổ, biên chế cho các tỉnh thành khác trong nước.

Trong “Hội điễn sự lệ” của nội các triều Nguyễn có ghi rõ số voi được biên chế hằng năm cho Bắc thành (Thăng Long). Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), các cơ, đội ở Bắc thành, về ngạch voi có 110 thớt. Thời Nguyễn, tên tỉnh thành thường được lấy để đặt cho tên tượng binh, theo đó, Hà Nội có những biền binh mang tên Hà tượng. Lúc ấy Hà tượng có đến 3 đội với 122 nhân viên chăm sóc, luyện tập voi.

Voi và đền Quán Thánh soi mình bóng nước Hồ Tây. Ảnh tư liệu sưu tầm của nhà sửi học Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, một người trong phái đoàn doanh nhân Pháp ở vùng Brest sang Việt Nam để quan hệ hợp tác, làm ăn đã trao tặng cho Tạp chí “Xưa và Nay” 200 bức ảnh thuộc bộ sưu tập của Armand Rousseau, người từng đảm đương chức vụ Toàn quyền Đông Dương vào cuối thế kỷ 19. Trong số đó có hai bức ảnh được chú thích: "Hanoi le 14 Juillet les éléphants victorieux" (tạm dịch là "Hà Nội ngày 14/7, những con voi chiến thắng") và "Hanoi execution de Tai depart " (tạm dịch: “Một vụ hành quyết ở Hà Nội”). Trong hai bức ảnh đều có sự “hiện diện” của voi. Một bức chụp toàn cảnh, hai con voi đứng xen giữa đám đông dân chúng như đang trẩy hội. Bức khác chụp trung cảnh chuyển tải nhiều nội dung, chi tiết, nổi bật là hai con voi đực có cặp ngà sắc nhọn, phía dưới chân voi là hai tử tù bị bỏ vào rọ để voi giày đạp cho đến chết. Như lời chú thích, có thể thấy đây là một cuộc hành quyết bằng hình thức rất “cổ điển”- cho “voi giày”- tưởng chừng như không còn ở xứ ta, lại được thực thi trong một lễ hội lớn. Bức ảnh là những bằng chứng lên án sự tàn ác của chế độ thực dân và thuộc địa, gợi lại ký ức đau thương.

Ba con voi từ Lào được đưa đến Hà Nội tham gia Hội chợ Đấu xảo năm 1902. Ảnh: J. Antonio

Một bức ảnh voi khác khá thú vị, quý hiếm do nhà sử học Dương Trung Quốc sưu tầm. Đó là bức ảnh về con voi thuộc sở hữu của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Trọng Phu. Nó được nuôi chủ yếu để “làm cảnh”, tạo uy thế của vị quan đứng đầu. Trong ảnh có thể thấy rõ một con voi đứng bên cạnh đền Quán Thánh. Con voi, ngôi đền và hàng cây cổ thụ soi bóng nước hồ Tây tạo nên một cảnh sắc nên thơ.

Vào đầu thế kỷ 20, voi gần như vắng bóng ở Hà Nội, thậm chí ở Thảo cầm viên hay rạp xiếc. Bằng chứng là trong Hội chợ Đấu xảo được tổ chức tại Hà Nội  từ tháng 11/1902 đến tháng 2/1903, Toàn quyền Đông Dương phải huy động 3 con voi cái từ bên Lào về tham gia. Nhà nhiếp ảnh J. Antonio đã đưa ghi chép lại các khoảnh khắc về sự hiện diện của những con voi ở “Xứ sở triệu voi” tại sự kiện quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn ở Đông Dương. Qua ảnh có thể thấy sự hứng thú của viên chức thực dân, quan lại bản xứ và dân chúng Hà thành khi tận mắt nhìn thấy loài vật to lớn này.

Qua nhiều giai đoạn lịch sử dưới thời phong kiến, voi là loài vật không thể thiếu ở Thăng Long - Hà Nội. Nó được ghi chép cẩn thận trong nhiều nguồn thư tịch cổ, là chủ đề hấp dẫn trong tranh bác học và tranh dân gian. Voi cũng là linh vật tạo nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ điêu khắc sáng tạo nên những bức tượng, phù điêu ở đình, đền, chùa, lăng miếu... Tuy nhiên, trong tư liệu di sản ảnh, so với các chủ đề khác như phố cổ, sinh hoạt, đời sống, nghề truyền thống, trang phục... được đưa vào ống kính khá phổ biến thì hình ảnh về voi ở nơi đây lại rất hiếm.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc