Multimedia Đọc Báo in

Khi phái đẹp là văn nghệ sĩ

06:42, 23/10/2022

Nghề sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) vốn dĩ đã rất nhọc nhằn, gian khó, đối với nữ, lại khó khăn bội phần.

Tuy nhiên, với niềm đam mê và những trải nghiệm trong cuộc sống, nữ văn nghệ sĩ Đắk Lắk đã không ngừng sáng tạo để tạo ra những tác phẩm tràn ngập tình yêu thương, có tầm vóc tại nhiều sân chơi trong và ngoài tỉnh.

Ở Hội VHNT tỉnh, số lượng văn nghệ sĩ nữ chỉ có 52 hội viên/tổng số 228 hội viên. Thế nhưng, khi nhìn vào những thành công mà các nữ văn nghệ sĩ gặt hái được mới thấy sức sáng tạo và niềm khát khao cống hiến nghệ thuật cháy bỏng của họ.

Đam mê văn chương từ nhỏ, năm 2019, nhà thơ Trần Nguyệt Ánh được kết nạp vào Hội VHNT Đắk Lắk, chính nơi đây đã nuôi dưỡng ước mơ và giúp chị thể hiện năng khiếu với văn chương. Bằng niềm đam mê, sự bền bỉ với công việc sáng tạo nghệ thuật, chỉ trong 3 năm, nhà thơ Trần Nguyệt Ánh đã xuất bản 3 tập thơ: “Gọi về miền nhớ” (2019), “Miền gió say” (2021) và gần đây nhất là tập thơ “Vọng núi”. Vừa bận bịu với công việc của một giáo viên, vừa chăm sóc con cái nhưng chị vẫn hăng say tham gia các công tác xã hội và đam mê sáng tác. Nhà thơ Nguyệt Ánh bộc bạch: “Những lúc mệt mỏi, tôi lại tìm đến thơ, đó là khoảnh khắc để cân bằng cảm xúc và thấy thư thái tâm hồn để quên đi những muộn phiền cuộc sống thường nhật. Trong từng câu thơ của tôi, bạn đọc dễ dàng nhận ra yếu tố nội tâm chất chồng trên từng con chữ. Những suy tư ấy, có lúc tưởng chừng như đang xô đẩy, nhưng không làm tan đi cái chất mạnh mẽ trong người đàn bà “luôn chân, luôn tay” đi tìm công việc để làm”.

Buổi ra mắt sách của Nhà thơ Trần Nguyệt Ánh. 

Hơn 20 năm cầm bút, nhà văn Bích Thiêm đã để lại dấu ấn trong lòng độc giả qua những trang văn giàu cảm xúc, mang đậm hơi thở cá nhân và vùng đất Tây Nguyên như: “Khi mẹ vắng nhà”, “Dấu lặng của rừng”, “Hoa của đại ngàn”… Theo nhà văn Bích Thiêm, trong quan niệm của xã hội cũ, những người làm nghệ thuật rất bị xem thường. Chưa kể với phụ nữ, khi hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thường không nhận được sự đồng cảm từ những người thân trong gia đình. Người phụ nữ theo con đường nghệ thuật phải thật sự “tỉnh táo”, để có thể cùng lúc đảm nhiệm được vai trò người mẹ, người vợ mà vẫn “cháy” hết mình được với văn chương.

Ở Chi hội Nhiếp ảnh chỉ có hai nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) nữ, trong đó phải kể đến NSNA Trần Thị Mùi. Thời gian qua, tên chị luôn xuất hiện trong các giải thưởng nhiếp ảnh uy tín trong và ngoài tỉnh. Để có được những tác phẩm nhiếp ảnh đặc sắc và chất lượng, với những tay máy nam đã rất cực khổ thì với nữ giới lại càng khó khăn hơn. Chị Mùi tâm sự: “Càng đi sâu vào nghề càng thấm thía rằng, để có nghệ thuật đỉnh cao phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt". Yêu nghề thì theo nghề, chứ để sống bằng nghề nhiếp ảnh thì thật sự rất khó”.

Với các họa sĩ nữ như Hoàng Thị Duyên, Bùi Thị Nam, Trần Thu Vân, Trần Thị Đào... thì làm nghệ thuật cũng là một áp lực lớn. Vui đấy, nhưng cũng đầy gian nan, thử thách. Người làm nghệ thuật phải dành toàn tâm, toàn ý vào tác phẩm của mình mới cho ra đời được những sản phẩm tốt. Đối với người phụ nữ, quỹ thời gian rất ít, nên để có thể "toàn tâm toàn ý" với nghệ thuật càng khó khăn hơn.

Nữ văn nghệ sĩ Hội VHNT Đắk Lắk trong Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2022).

Có lẽ, vì là phụ nữ nên các nữ văn nghệ sĩ Đắk Lắk dễ thấu hiểu và đồng cảm với những hoàn cảnh xung quanh mình, đã tạo ra rất nhiều tác phẩm đặc sắc về đề tài người phụ nữ với nét duyên thầm dịu dàng, đằm thắm nhưng đầy nội lực. Có thể kể đến như: truyện ngắn “Phía nào sương thôi rơi” của nhà văn Niê Thanh Mai; tranh “Cuộc gọi nhỡ” của họa sĩ Nguyễn Thu Vân, “Thiếu nữ” của hoạ sĩ Trần Thị Đào, “Chiều về trên bản” của họa sĩ Bùi Thị Nam; ảnh "Hạnh phúc” của NSNA Trần Thị Mùi, "Người già H'mông" của NSNA Kim Nga...

Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk chia sẻ, cuộc sống sẽ mất đi sự thi vị nếu không có những người phụ nữ làm nghệ thuật. Với môi trường có nhiều điều kiện phát triển VHNT thuận lợi như ở Đắk Lắk thì phụ nữ cần nỗ lực nhiều hơn để phát huy những năng khiếu của bản thân, góp thêm cho đời những bông hoa nghệ thuật tươi thắm, giàu tính nhân văn, tác động tích cực đến xã hội.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc