Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội cúng lúa mới: Nét đẹp văn hóa của người Thái ở Ea Kuêh

06:42, 23/10/2022

Hằng năm, cứ vào trung tuần tháng 9 âm lịch, khi việc thu hoạch mùa màng gần như đã hoàn tất, cũng là lúc người Thái ở xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) lại náo nức tổ chức Lễ hội cúng lúa mới.

Lễ hội cúng lúa mới hay còn gọi là Tết cơm mới (theo tiếng Thái là "kín khầu mơ"), là lễ hội truyền thống quan trọng nhất của dân tộc Thái và được bà con mang theo từ mảnh đất quê hương Tương Dương (phía Tây tỉnh Nghệ An) trong hành trình di cư lập nghiệp lên quê hương mới Ea Kuêh.

Nghi thức lễ cúng lúa mới được thực hiện bài bản và trang trọng.

Tâm điểm của Lễ hội lúa mới chính là phần lễ để cảm tạ đất trời, thần linh đã phù hộ cho bà con có một mùa màng tốt tươi. Thực hiện nghi thức lễ, người Thái dựng một cây nêu ở trung tâm của lễ hội, phía dưới cây nêu là một căn chòi nhỏ, nơi bày biện các sản vật của người dân làm ra. Năm nay, mùa màng thuận lợi, người dân buôn Thái cúng một con bò, rượu, cơm lam, cá nướng…

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Y Wem H’Wing cho biết, Cư M’gar có 24 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa riêng rất đặc sắc. Lễ hội cúng lúa mới của người Thái với nét đẹp văn hóa riêng được cộng đồng nơi đây tổ chức hằng năm góp phần làm cho văn hóa của địa phương thêm đa dạng, đặc sắc...

Trước khi bắt đầu buổi lễ là những tiết mục văn nghệ giao lưu mang đậm bản sắc của các dân tộc anh em như Êđê, Xê Đăng… Chị H’Đim Niê, người dân tộc Êđê ở buôn Ayun, xã Ea Kuêh chia sẻ: “Hôm nay, đội văn nghệ của buôn Ayun được giao lưu với buôn Thái đã tạo cơ hội cho mọi người được học hỏi, hiểu biết thêm về văn hóa của các dân tộc khác”.

Khi lễ vật đã được chuẩn bị đầy đủ, thầy cúng bắt đầu nghi thức lễ bằng những lời cảm tạ trời đất, trình lễ vật mời tổ tiên, ông bà và thần thổ về dự lễ hội. Tiếp đến, thầy cúng cẩn cáo công việc làm ăn và khấu cầu thần linh tiếp tục phù hộ người dân một năm tiếp theo thuận lợi, được mùa, buôn làng yên vui, đoàn kết, nhà nhà hạnh phúc. Kết thúc bài cúng, thầy cúng tiến hành gieo quẻ âm dương và cắm ống rượu cần mời các bậc trưởng lão, khách quý rồi lần lượt đến người dân cùng khai hội mừng lúa mới.

Sau nghi thức cúng, mọi người nô nức vào hội với các tiết mục như múa sạp, biểu diễn cồng chiêng… và không thể thiếu đó là múa xòe. Người Thái có câu dân ca: “Không xòe không vui/ Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe trai gái không thành đôi”, do đó múa xòe là một trong những nét văn hóa đặc sắc vẫn được người Thái ở xã Ea Kuêh gìn giữ. Bên cạnh điệu múa xòe, ngày hội còn diễn ra với nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân tham gia như trò chọi đá, đánh nẻ… Các chàng trai thì lại háo hức trổ tài thiện nghệ của mình với trò bắn nỏ. Chị Lô Thị Huệ ở buôn Thái, xã Ea Kuêh hào hứng: “Sau một năm lao động miệt mài, hôm nay mọi người ai cũng rất vui để tham gia các trò chơi dân gian này”.

Thiếu nữ Thái rạng rỡ trong điệu múa xòe.

Nét đẹp văn hóa của người Thái còn thể hiện qua trò chơi ném còn. Các nam thanh, nữ tú cầm còn ném lên vòng tròn được treo trên cao bằng một cây tre dài. Ném còn tượng trưng cho ý nghĩa hòa hợp âm dương, mang đến sự may mắn trong cuộc sống. Đây cũng là dịp để nam thanh, nữ tú người Thái có dịp giao duyên với nhau.

Gia Bảo


Ý kiến bạn đọc