Multimedia Đọc Báo in

Hai nguyện ước không thành của Vua Quang Trung

06:30, 02/02/2022

Thế kỷ 18 trong lịch sử Việt Nam được xem là “thế kỷ nông dân khởi nghĩa” mà đỉnh cao là phong trào nông dân Tây Sơn đã lật đổ các tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi, vương triều Tây Sơn được thành lập (năm 1778).

Trong ba anh em nhà Tây Sơn, chỉ có vương Nguyễn Huệ tồn tại vững chắc nhất, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của xã hội Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ 18. Nguyễn Huệ sinh năm 1753 ở thôn Tây Sơn, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn (nay thuộc làng Kiên Mĩ, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Cuộc đời chinh chiến của ông từ năm 18 tuổi oai hùng lẫm liệt đánh nam, dẹp bắc suốt 20 năm, lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung năm 36 tuổi, trị quốc 3 năm.

Cầu hôn công chúa nhà Thanh và ý định đòi lại vùng đất Lưỡng Quảng

Sau khi Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh (Tết Kỷ Dậu 1789), vua nhà Thanh thời bấy giờ là Càn Long đã ra lệnh động binh chín tỉnh, trù tính xâm lược báo thù, nhưng e ngại sức mạnh của nhà Tây Sơn. Còn vua Quang Trung đặt danh dự quốc gia lên hàng đầu, mục tiêu ngoại giao là kiên quyết đấu tranh với nhà Thanh để đòi hủy bỏ lệ “cống người vàng” do “thiên triều” áp đặt (bắt đầu từ thế kỷ 15), đồng thời buộc nhà Thanh bãi bỏ chiến tranh và phong vương cho Quang Trung.

Đền thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết (TP. Vinh, Nghệ An). Ảnh: Khánh Hoan

Sắc phong ngày 22 tháng 6 năm Kỷ Dậu viết bằng hai thứ chữ Mãn - Hán đóng Ngự bảo (dấu của nhà vua Càn Long) đồng ý phong vương. Để tỏ lòng biết ơn, Quang Trung đề nghị Ngô Thì Nhậm thay mặt vua viết tâm thư “Bang giao hảo thoại” và tổ chức chuyến đi sứ sang Yên Kinh triều cận. Đó là một chuyến bang giao chưa từng có trong lịch sử nước ta mà theo lời Phan Huy Ích, một thành viên trong phái đoàn kể lại, thì “từ trước đến giờ, người mình đi sứ Trung Quốc chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang như thế”. Nắm bắt tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của nhà Thanh (gây chiến báo thù thì sợ thua, chấp nhận giảng hòa thì sợ nhục), với tư tưởng “chiến hòa quyền ở tay mình, mà hòa mục thực ai cũng muốn”, vua Quang Trung giao cho Ngô Thì Nhậm chủ động tiến công ngoại giao trên tư thế của người chiến thắng. Với những lập luận sắc bén và đanh thép, lời lẽ khéo léo, hợp tình, hợp lý, Ngô Thì Nhậm đã góp phần đáng kể vào thắng lợi của triều đại Tây Sơn và đứng vào hàng ngũ những nhà ngoại giao lỗi lạc trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Sách Hoàng Lê nhất thống chí có chép: “Vua Quang Trung sau khi quyết định đánh Trung Quốc, bèn sai bầy tôi là Chiêu Viễn Vũ Văn Dũng sang nhà Thanh dâng biểu cầu hôn”. Câu chuyện vua Quang Trung có ý định cưới công chúa con vua Càn Long được thể hiện qua “Bang giao hảo thoại” do Ngô Thì Nhậm chắp bút, được ghi chép cẩn thận: ”Ngước thấy: Thanh triều gây nền từ núi Băng Thạch, dựng nghiệp vua, con cháu ức muôn đời phồn thịnh. Từ trước đến nay, chế độ nhà trời, công chúa gả xuống, tất phải lấy người tôn quý mới chọn đẹp duyên, không có lệ rộng ra đến các bề tôi ở ngoài...”. Việc vua Quang Trung muốn lấy con gái của Càn Long là có kế hoạch rõ ràng và đằng sau của ý định hỏi cưới này ẩn chứa một tham vọng lớn: đòi lại vùng đất Lưỡng Quảng (Quảng Tây, Quảng Đông). Sắc chỉ viết ngày 15 tháng 4 năm 1792 vua Càn Long gửi Chiêu Viễn Vũ Văn Dũng sang nhà Thanh dâng biểu cầu hôn có chép: “Chuẩn y lời cầu hôn của Quang Trung, sai Bộ Lễ sửa soạn nghi thức cho việc cưới gả, định ngày cho công chúa sang nước Nam. Còn việc xin lại hai tỉnh, vua Càn Long đồng ý, nhưng chỉ Quảng Tây làm đất đóng đô, coi như của hồi môn cho con gái”.

Trong khi mọi việc đang được chuẩn bị kỹ lưỡng thì vào giờ Tý ngày 24 tháng 7 nhuận năm 1792, Hoàng đế Quang Trung băng hà. Lịch sử vương triều Tây Sơn sang trang mới. Nguyện ước cầu hôn công chúa Mãn Thanh để bang giao hai dân tộc, hai quốc gia và đòi lại vùng đất Lưỡng Quảng một thời thuộc Âu Lạc của Hoàng đế Quang Trung đã không thành hiện thực.

Xây dựng Phượng Hoàng Trung đô

Khi chưa lên ngôi, Quang Trung Nguyễn Huệ đã để ý đến việc tìm đất xây dựng kinh đô ở Nghệ An. Trong chiếu ngày 1 tháng 6 năm Mậu Thân (1788) gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Quang Trung viết: “Chiếu truyền cho La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp được biết: Ngày trước ủy thác cho Phu Tử về Nghệ An xem đất đóng đô cho kịp kỳ này ngự giá ở Bắc về trú. Sao ta về tới đây thấy chưa được việc gì? Nay ta hãy hồi giá về Phú Xuân cho sĩ tốt nghỉ ngơi. Vậy ban chiếu xuống cho Phu Tử nên sớm cùng ông Trấn thủ cẩn thận tính toán và làm việc xem đất đóng đô tại Phù Thạch”. Như vậy, việc giao trách nhiệm chọn đất đóng đô phải diễn ra trước đó. Sở dĩ Quang Trung chọn đất đóng đô ở Nghệ An vì đây là quê hương, gốc gác của ông.

Núi Dũng Quyết, nơi vua Trung chọn xây thành Phượng Hoàng.

Lựa chọn, trao đổi mãi, cuối cùng Nguyễn Thiếp cũng chọn được địa điểm để xây dựng kinh đô. Đó là vùng đất nằm giữa núi Quyết và núi Kỳ Lân, tên địa phương là Rú Mèo, thuộc làng Dũng Quyết, xã Yên Trường, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An (nay thuộc phường Trung Đô, TP. Vinh). Theo Hoàng Lê nhất thống chí thì ở đây triều đình Tây Sơn đã xây dựng một số công trình như đắp thành đất xung quanh, xây dựng lầu Rồng ba tầng, điện Thái Hòa và hai dãy hành lang: “Quang Trung liền sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ đá, gạch ngói để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất xung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng tòa lầu ba tầng cùng hai dãy hành lang, để phòng dùng đến khi có lễ triều hạ”.

Những ngày lâm bệnh nặng, trước khi mất, vua Quang Trung cho triệu viên Trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về kinh và dặn rằng: “Sau khi ta mất, nên trong một tháng táng cho xong. Việc tang làm qua loa mà thôi. Các ngươi nên giúp lập Thái tử sớm dời đô ra Nghệ An để khống chế thiên hạ. Nếu không thế thì quân Gia Định sẽ tới, các ngươi không có chỗ chôn thân” (Đại Nam chính biên liệt truyện).

Sau khi vua Quang Trung mất, việc xây dựng Phượng Hoàng Trung đô bị gác lại, triều đình Quang Toản không hề nhắc đến việc dời đô ra Nghệ An như ý nguyện của tiền nhân. Năm 1801, Phú Xuân thất thủ, triều đình Quang Toản kéo nhau ra Bắc Hà, đóng đô ở Thăng Long. Phượng Hoàng Trung đô chỉ còn là dấu tích buồn ở phía Nam TP. Vinh, Nghệ An.

Võ Hữu Lộc
 


Ý kiến bạn đọc