Multimedia Đọc Báo in

Hình tượng con hổ trong thẩm mỹ cung đình Huế

17:06, 31/01/2022

Hổ là một trong 12 con giáp theo quan niệm phương Đông. Có nhà nghiên cứu từng nhận định đây là con vật đại diện rất phù hợp cho văn hóa du mục trọng động, trọng sức mạnh. Trong thẩm mỹ cung đình Huế, hình ảnh con hổ đã đi vào nhiều loại hình nghệ thuật...

Hình ảnh con hổ gắn với các di tích, di vật

Hổ xuất hiện như một biểu trưng có tính ước lệ cao, hình ảnh con hổ gắn với các di tích, cổ vật được biểu thị cụ thể hơn. Trong các di tích cố đô, có hai di tích liên quan đến biểu tượng con hổ, đó là điện Hòn Chén và Hổ Quyền.

Điện Hòn Chén (Huệ Nam điện) là một công trình vốn gắn với tín ngưỡng xuất xứ từ dân gian. Bên cạnh 10 công trình lớn nhỏ khác nhau, ở đây có động thờ Ông Hổ gắn với dinh Ngũ Hành. Con hổ ở động thờ Ông Hổ tại điện Hòn Chén màu vàng được đắp nổi vôi vữa theo dạng phù điêu, là một trong năm vị: hổ vàng, hổ đen, hổ trắng, hổ đỏ, hổ xanh ứng với 5 phương vị: trung tâm; phương bắc; phương tây; phương nam và phương đông. Cả năm vật biểu này tượng trưng cho năm vị thần tướng ngự trị năm phương trời. Con hổ ở động Ông Hổ thuộc về phương vị trung tâm. 

Một kiến trúc khác gắn chặt với hình ảnh con hổ là Hổ Quyền, đấu trường duy nhất ở Đông Nam Á thời bấy giờ. Di tích này được xây dựng để làm nơi tổ chức các trận đấu giữa voi và hổ từ năm 1830 dưới triều Minh Mạng. Mục đích của việc thi đấu này trên tất cả sự giải trí thuần túy là huấn luyện cho voi. Dưới thời Nguyễn, voi được “biên chế” trong quân đội, trở thành những chiến binh trong chiến đấu. Triều đình đã cho lập nên Hổ Quyền để rèn luyện, chuẩn bị tinh thần cho voi khi có việc cần huy động đến.

Bên cạnh đó, con hổ cũng từng xuất hiện trên chiếc cờ bạch hổ trong đoàn ngự đạo của Tế Giao. Chiếc cờ vẽ chòm sao bạch hổ, nối kết thành một con hổ trắng, tượng cho phương vị tây, ứng với mùa thu, nằm trong 4 nhóm sao thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ thuộc nhị thập bát tú (28 ngôi sao). Trong lễ Tế Giao, ngoài cờ bạch hổ, còn có lá cờ hổ vĩ trong đoàn ngự đạo. Hiện nay lá cờ này nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quân sự Pháp. Hình thức lá cờ hoàn toàn tương đồng với lá cờ hổ mà Henry Oger ghi nhận trong sách “Kỹ nghệ người An Nam” vào năm 1910.

Con hổ khắc trên Cao đỉnh (Cửu đỉnh) đặt ở Thế Miếu, Hoàng Thành, Huế.

Một hình ảnh rất đặc sắc khác là con hổ được đúc nổi trên Cao đỉnh, nằm trong bộ Cửu đỉnh (Thế Miếu, Đại Nội). Con hổ được đặc tả theo lối tả thực, có sự phối hợp đường nét, hình khối, đầy sức sống. Hổ được miêu tả với thân hình vạm vỡ, chắc, khỏe trên thế ngồi vững chãi của hai chân trước. Riêng phần đuôi, chứa đựng một nội dung tổng hợp giữa cái tĩnh và động có tính khái quát cao: tĩnh tại nhưng lại mang một sức mạnh tiềm tàng khi chuẩn bị quật đuôi xuống đất để phóng đi. Toàn bộ con hổ được miêu tả đặt trong bối cảnh, núi non, mây trời, cổ thụ đã tạo nên một hình ảnh có sức gợi nhiều hơn tả, nó biểu thị một ước lệ hóa về sự kiêu hãnh, dũng mãnh của con vật của chốn sơn lâm này.

Điệu múa Long Hổ hội

Nằm trong hệ thống các điệu múa cung đình Huế, Long hổ hội là điệu múa có hình thức múa đôi như múa Song phụng, với hai vũ công nam: một người mang lốt hổ, một người mang lốt rồng. Điệu múa đặc tả về cuộc tranh hùng giữa rồng và hổ. Long hổ hội là một điệu múa cung đình duy nhất mang nhiều yếu tố tạp kỹ và ứng dụng các thế võ dân tộc. Có thể tóm lược nội dung như sau: rồng vén mây bay ra, uốn lượn trong bầu trời rộng lớn để xuống trần gian. Hổ xuất hiện với những động tác vờn mồi, lăn đá, nằm trên bãi cỏ rồi nấp vào hang. Rồng bay qua phát hiện hổ trong hang bèn hạ xuống. Rồng và hổ thi tài với nhau bằng động tác múa kết hợp với xiếc như bê đỡ, nhào lộn... Với nội dung khái quát về sức mạnh của các biểu tượng vật linh, các hình tượng rồng và hổ đều thể hiện những động tác kết hợp với võ thuật cổ truyền đã tạo nên sự sinh động với những đặc trưng riêng. 

Con hổ trong điệu múa “Long hổ hội”.

Năm 2002, điệu múa này được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế phục dựng thành công và đã tổ chức diễn xướng một số lần.

Nguyễn Phước Hải Trung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.