Multimedia Đọc Báo in

Phấn đấu Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đạt thứ hạng trên mức trung vị trong năm 2021 và 2022

16:46, 17/09/2021

Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2021 và 2022, ngày 17-9 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 8925/KH-UBND về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2021 và 2022.

Theo đó, mục tiêu nhằm tiếp tục cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh năm 2020, phấn đấu đưa Chỉ số PCI năm 2021 và năm 2022 của tỉnh đạt thứ hạng trên mức trung vị cả nước, xếp thứ hạng từ 28/63 trở lên; không có chỉ số thành phần có điểm số dưới 6. Tập trung cải thiện mạnh điểm và thứ hạng các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp (xếp hạng từ 38/63 trở xuống), gồm: Chi phí gia nhập thị trường; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động; Đào tạo lao động.

Đồng thời tiếp tục cải thiện tăng điểm và thứ hạng các chỉ số thành phần, phấn đấu có thứ hạng cao hơn, gồm: Tiếp cận đất đai; Cạnh tranh bình đẳng; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, tạo sự chuyển biến tích cực và mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích và thanh toán không dùng tiền mặt; tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính, trong đó tập trung tăng tỷ lệ mức độ hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư.

Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND huyện Krông Năng. (Ảnh minh họa)
Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND huyện Krông Năng. (Ảnh minh họa)

Về nhiệm vụ và giải pháp, kế hoạch nêu rõ: Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch nâng cao Chỉ số PCI của đơn vị trên cơ sở các Chỉ số PCI đã được đánh giá xếp loại năm 2020, bám sát các chỉ số thành phần được phân công để đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, chi tiết, theo sát thực tế lĩnh vực của ngành, cấp mình phụ trách. Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo và quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo “mục tiêu kép”; thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hồi phục sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Chủ động cập nhật, nghiên cứu các cơ chế, chính sách của Trung ương để vận dụng triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh; đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách mới thực hiện các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định, vận dụng vào điều kiện thực tế của tỉnh và từng cơ quan, đơn vị.

Đổi mới, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp. Nâng cao nhận thức và hành động của công chức, viên chức, người lao động trong từng cơ quan, đơn vị về thực hiện chủ trương Chính quyền kiến tạo, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ, giao tiếp với người dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức trên tinh thần “hỗ trợ - thân thiện - nhiệt tình - đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư”.

Đẩy mạnh thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử tại tỉnh, hướng tới Chính quyền số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước; phối hợp chặt chẽ với Thanh tra tỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, tránh trùng lặp, chồng chéo; giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt các đơn thư có liên quan đến doanh nghiệp…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.