Multimedia Đọc Báo in

Chờ xem chất lượng các tấm huy chương

13:11, 26/04/2023

Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 32 là nằm trong top 3, giành từ 90 - 120 Huy chương Vàng. Những chỉ tiêu trên không khó đạt, vấn đề là liệu qua SEA Games 32, chất lượng các tấm huy chương cũng như tư duy của ngành thể thao nước nhà có được cải thiện?

SEA Games 32 khởi tranh tại Campuchia từ ngày 5 đến 17/5 sắp tới. Đã có ý kiến cho rằng Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần này sẽ khó khăn cho đoàn TTVN hơn khi chủ nhà Campuchia đã đưa vào những môn “không phổ biến”. Hơn thế, họ đưa ra điều kiện chỉ nước chủ nhà đăng ký 100% nội dung, còn các nước khác chỉ được đăng ký 70%. Đây là điều chưa hề có trong tiền lệ một kỳ SEA Games nào cả.  Chính vì vậy, đoàn TTVN đặt ra chỉ tiêu phấn đấu trong top 3 bảng xếp hạng toàn đoàn tại SEA Games 32 là hợp lý.

Tuy nhiên, đã đến lúc lãnh đạo ngành thể thao phải chứng minh được, từ SEA Games 32, tư duy, chiến lược phát triển TTVN đã ở một tầm cao mới. Cụ thể, TTVN cần phấn đấu những môn Olympic, nhất là những môn truyền thống như điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, bắn súng, cử tạ, bóng bàn, bóng chuyền, đua thuyền, bóng đá… Nếu như các vận động viên Việt Nam đều chiến thắng ở những môn đó, trình độ đạt đến tầm châu lục, chắc chắn nền thể thao nước ta đã có được sức mạnh và một bộ mặt hoàn toàn khác.

Trong chừng 20 năm qua, nhất là sau SEA Games 22 năm 2003 giành vị trí thứ nhất toàn đoàn, đã có ý kiến đề nghị TTVN trên cơ sở của SEA Games phải tập trung phát triển những môn thể thao trong chương trình Olympic. Muốn làm được như thế thì không nên phụ thuộc vào chỉ tiêu phải nhất, nhì ở SEA Games. Bởi, SEA Games luôn có mặt trái, có những môn, những nội dung chỉ tổ chức ở một kỳ Đại hội, các kỳ sau không có, do đó nó phân tán lực lượng của chúng ta. TTVN phải kiên trì về chủ trương, được đầu tư nhất quán, đúng hướng. Chúng ta phải chấp nhận có thể ít Huy chương Vàng ở SEA Games để sớm cải thiện thành tích ở ASIAD, Olympic. Nếu như chúng ta không lệ thuộc vào chuyện đứng nhất, nhì, ba mà quyết liệt mục tiêu chiến thắng ở các môn thể thao Olympic, chắc chắn sẽ tạo một bước đột phá cho tương lai.

Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 là nằm trong top 3, giành từ 90 - 120 Huy chương Vàng.

Muốn có được sự lột xác đó, rất nhiều vấn đề cần phải được giải quyết như là tổ chức bộ máy của ngành; xã hội hóa thể thao thành tích cao; hiện đại hóa các phương tiện tập luyện và chăm sóc vận động viên; vấn đề y học thể thao, chăm sóc, chữa trị chấn thương cho vận động viên; chống sử dụng thuốc kích thích trong thể thao… Trong chiến lược phát triển cần xác định lại mục tiêu của TTVN là đặt vào đâu, chỗ nào? Đó là câu chuyện tồn tại suốt 15 - 20 năm qua. Phải xác định lại mục tiêu là tập trung phát triển, nâng cao trình độ cho các môn thể thao trong chương trình Olympic. Tất nhiên, không phải tất cả 28 - 30 môn Olympic đều được đầu tư tối đa; thay vào đó, sẽ phải lựa chọn một số môn thế mạnh để đầu tư trọng điểm. Rất nhiều vận động viên của TTVN có tài, được phát hiện sớm nhưng không thể phát triển rực rỡ. Lý do cơ bản, nguồn kinh phí hạn hẹp đã không cho phép các vận động viên được tập huấn, thi đấu, cọ xát thường xuyên ở môi trường thể thao đỉnh cao. Không chỉ thể thao, thực tế đã chứng minh bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào có được sự góp sức đầu tư của nguồn lực xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đều mang lại kết quả xứng tầm. Thể thao cũng vậy, nhất thiết phải xã hội hóa sâu rộng theo đúng xu thế quốc tế hiện nay.

SEA Games 31 năm 2022 trên sân nhà, đoàn TTVN xếp thứ nhất với 205 Huy chương Vàng. Vậy mà ở Olympic Tokyo ngay sau đó, đoàn TTVN ra về “tay trắng”. Bài học đó không nên lặp lại tại ASIAD 19 Trung Quốc diễn ra vào tháng 9, với mục tiêu chỉ từ 3 - 5 Huy chương Vàng nhưng rất khó chinh phục. Cũng cần lưu ý, thành tích của bóng đá soi chiếu rất rõ thực trạng phát triển của nền thể thao. Bóng đá nam và nữ đang gặp rất nhiều thách thức tại SEA Games 32 này, khi không chỉ Thái Lan mới là đối thủ duy nhất.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc