Multimedia Đọc Báo in

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phải công khai, minh bạch

16:53, 27/03/2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ ngày 5/5/2024.

Giá bán điện bình quân được lập trên cơ sở chi phí khâu phát điện; mua các dịch vụ truyền tải điện; phân phối, bán lẻ điện; điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực; chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; điều hành, quản lý ngành.

Hàng năm, sau khi kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu và việc phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện. Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với hiện hành thì sẽ được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Còn giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần gần nhất.

Công nhân Truyền tải điện Đắk Lắk kiểm tra, thay thế thiết bị trên đường dây đoạn qua xã Ea Hồ, huyện Krông Năng
Công nhân Công ty Truyền tải điện Đắk Lắk kiểm tra, thay thế thiết bị trên đường dây đoạn qua xã Ea Hồ (huyện Krông Năng). (Ảnh minh họa)

Khi giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên, hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.

Theo quy định của Chính phủ, trước ngày 25 tháng đầu tiên quý II, quý III và quý IV, EVN xác định sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn từ đầu năm, ước sản lượng điện thương phẩm các tháng còn lại trong năm; xác định chi phí phát điện của quý trước liền kề, chi phí phát điện cộng dồn từ đầu năm, chi phí khâu phát điện các tháng còn lại trong năm theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và cập nhật các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện để tính toán lại giá bán điện bình quân.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc