Multimedia Đọc Báo in

Liên kết để đi “đường dài”

07:12, 28/11/2023

Diện tích các loại cây ăn trái của Đắk Lắk đang tăng mạnh, nhưng để phát triển bền vững cần xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản địa phương…

Tăng diện tích

Diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đang có xu thế tăng mạnh, nhất là sầu riêng, chuối, nhãn… Theo thống kê của ngành NN-PTNT, 10 năm trở lại đây, tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh tăng gấp gần 7 lần, từ 7.870 ha (năm 2012) lên 51.938 ha (năm 2022).

Từ chỗ chỉ có vài loại cây ăn trái, giờ đây hầu hết trái cây cả nước có thì tỉnh Đắk Lắk đều có thể trồng được. Đặc biệt, trong vòng 10 năm (2012 - 2022), diện tích sầu riêng tăng nhanh, từ 1.448 ha lên 22.458 ha (tăng 15,5 lần), đưa Đắk Lắk trở thành tỉnh đứng thứ 2 cả nước về trồng sầu riêng; kế đến là cây nhãn từ 219 ha lên 2.610 ha, cây bơ cũng tăng từ 97 ha (năm 2014) lên 7.202 ha (năm 2022), gấp hơn 74 lần.

Sầu riêng đang là cây trồng mang về giá trị kinh tế cao cho nông dân Đắk Lắk.

Tại huyện Krông Pắc, những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện có xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi từ diện tích sản xuất cà phê già cỗi, kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả để tăng thu nhập, trong đó cây sầu riêng được trồng nhiều nhất, với diện tích hiện có hơn 7.100 ha. Bình quân mỗi năm, địa phương này phát triển thêm 1.000 ha cây trồng này.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đánh giá, các loại cây ăn trái đã mở rộng diện tích trồng ra nhiều địa phương trong tỉnh, với chất lượng ngày càng được nâng cao. Trái cây đang có nhiều lợi thế để xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Tỉnh cũng đã hình thành những vùng trồng chuyên canh, ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất. Tuy nhiên, thị trường trái cây đặt ra yêu cầu khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp kiểm dịch, yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt hơn... Trong bối cảnh đó, việc đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, tổ chức sản xuất, thu hoạch, bảo quản và liên kết thương mại trong chuỗi cung ứng cho trái cây địa phương là việc làm cần thiết để gia tăng tính cạnh tranh cho nông sản.

Cần liên kết để phát triển bền vững

Diện tích cây ăn trái đang tăng mạnh, điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trong khi đó, trái cây tươi với đặc thù mang tính mùa vụ, thời gian bảo quản ngắn nên rủi ro lớn.

Trong các loại trái cây của Đắk Lắk, bơ từng được ví là “trái cây vua” giúp nhiều nông dân làm giàu với giá có thời điểm lên đến 100.000 đồng/kg nhưng hiện giờ giá bơ rớt thê thảm, khiến nhiều người trồng phải chặt bỏ. Từ chỗ gần 9.500 ha năm 2021, hiện nay còn 7.202 ha bơ. Và rủi ro này cũng rất có thể xảy ra với cây sầu riêng nếu không có chiến lược liên kết phát triển lâu dài và bài bản.

Cán bộ Phòng NN-PTNT và Hội Nông dân huyện M'Drắk thăm vườn nhãn tại xã Ea Pil, huyện M'Drắk. Ảnh: Thuận Nguyễn

Tại huyện Cư M’gar, chính quyền, doanh nghiệp (DN) và nông dân đang nỗ lực cải tiến, nâng cao chất lượng trái cây và tìm hướng liên kết để có đầu ra ổn định. Với diện tích sầu riêng tăng cao, huyện Cư M’gar đã có 13 DN liên kết sản xuất, tư vấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã, tổ hợp tác. Đây là những tổ chức nền tảng để tập hợp nông dân ở địa phương. Huyện cũng đã đăng ký, được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu “Sầu riêng Cư M’gar”, xây dựng hoàn thiện 37 mã vùng trồng sầu riêng với diện tích trên 830 ha.

 
Bên cạnh việc xây dựng vùng trồng phù hợp thì tỉnh Đắk Lắk đã và đang chú trọng đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người sản xuất. Tùy từng loại nông sản, ngành nông nghiệp địa phương đã có những định hướng phù hợp trong việc định hướng sản xuất, thị trường tiêu thụ, tập huấn khoa học kỹ thuật… cho nông dân".
 
Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Vũ Đức Côn

Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề liên kết tiêu thụ nông sản giữa DN, nông dân chưa thật sự bền chặt. Trong khi đó, thị trường luôn có những biến động khó lường, “mắt xích” tiêu thụ trái cây giữa nông dân và DN có lúc chưa thật sự thấu hiểu và chia sẻ lợi ích một cách hài hòa dẫn đến mối liên kết bị rạn nứt.

Từ tỉnh Tiền Giang lên huyện Krông Pắc mở vựa thu mua, đóng gói xuất khẩu nông sản, bà Nguyễn Hồng Trâm Tuyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Trái cây Thủy cho biết, mấy năm nay, nguồn cung trái cây tại địa phương dồi dào nên DN không áp lực trong việc tìm kiếm nguồn cung và một phần do xây dựng được mối liên kết với nông dân. Nhưng khi giá sầu riêng tăng cao thì xuất hiện tình trạng nông dân “bẻ kèo” với DN, dẫn đến mối liên kết dễ dàng bị “bẻ gãy”.

Bàn về vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp, ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định, việc nông dân mạnh dạn chuyển đổi đưa cây ăn trái vào thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả là hướng đi đúng. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả trong sản xuất, chỉ chú trọng chất lượng vẫn chưa đủ, cần phải có những giải pháp đẩy mạnh hình thành các chuỗi liên kết từ xây dựng mã vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân thấy rõ lợi ích, thay đổi cách làm và trở thành “mắt xích” quan trọng trong chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông nghiệp. Đây là yếu tố căn cơ để làm kinh tế nông nghiệp, tạo ra giá trị xứng tầm cho trái cây Đắk Lắk.

 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc