Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao giá trị trái cây qua chế biến

09:08, 10/07/2022

Một trong những giải pháp về đầu ra cho mặt hàng trái cây của Đắk Lắk là đầu tư vào ngành nghề chế biến. Điều này sẽ nâng cao giá trị sản phẩm và phục vụ cho xuất khẩu.

Nhiều tiềm năng để tăng trưởng xuất khẩu

Đắk Lắk có sự ưu đãi về điều kiện đất đai và khí hậu phù hợp cho sản xuất nhiều loại trái cây đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường trong nước và thế giới. Tỉnh hiện có nhiều loại trái cây chủ lực với diện tích lớn. Trong đó, sầu riêng có 12.000 ha, sản lượng trên 100.000 tấn; xoài 950 ha, sản lượng 7.000 tấn; vải 632 ha, sản lượng 2.600 tấn; bơ có trên 8.600 ha cho sản lượng hơn 80.000 tấn bơ quả xanh...

Sản phẩm trái cây chế biến ưu thế ở tính tiện lợi và thời gian bảo quản lâu. Đầu tư vào chế biến là giải pháp hữu hiệu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, giải quyết đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm gắn với mở rộng thị trường cho nông sản nói chung và mặt hàng trái cây nói riêng. Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, phát triển công nghiệp chế biến là giải pháp không chỉ phù hợp với điều kiện thị trường mà còn giúp trái cây của Đắk Lắk tăng giá trị. Những năm gần đây, cùng với việc gia tăng diện tích, sản lượng, chất lượng cũng từng bước được chú trọng nên trái cây của địa phương như sầu riêng, bơ... là những mặt hàng có triển vọng lớn để xuất khẩu nhờ lợi thế và khả năng cạnh tranh cao.

Gia công trái cây xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm.

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, đơn hàng gia công các sản phẩm trái cây chế biến xuất khẩu như sầu riêng, bơ, chanh dây,  mít...  tăng gấp 3 - 4 lần so với thời điểm cuối năm 2021. Riêng đối với trái bơ, sầu riêng đã có đơn hàng đến quý I năm 2023. Tuy nhiên, khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là việc phát triển vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng trái cây đồng đều. Hiện tại, đơn vị vẫn chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu do tình trạng canh tác manh mún, nhỏ lẻ, không theo quy trình, quy chuẩn nên chưa đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.

Tạo cơ chế phát triển ở lĩnh vực chế biến

Nhận thấy cơ hội gia tăng giá trị trái cây, nhất là trong hoạt động xuất khẩu, những năm gần đây, Đắk Lắk đã phát triển ngành công nghiệp chế biến trái cây.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ An Phú (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) đã đầu tư, đưa vào sử dụng trang thiết bị, máy móc hiện đại để bảo quản, chế biến trái cây bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Năm 2021, công ty đã chế biến, bảo quản và xuất khẩu hơn 400 tấn sầu riêng cấp đông đi các thị trường, 400 tấn xoài sấy dẻo, hơn 500 tấn xoài cấp đông, nước cốt chanh dây đạt hơn 1.400 tấn. Trong đó thị trường các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Lào, Nga, Hàn Quốc có sự tăng trưởng tích cực. Ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ An Phú cho hay, từ lợi thế đó, công ty cũng chuyển dần sản phẩm vào tiêu thụ tại thị trường nội địa, từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi đến các nhà phân phối, các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, những trang thương mại điện tử… với mục đích đưa các sản phẩm trái cây sấy trở thành thức ăn bổ dưỡng, tiện lợi, an toàn cho sức khỏe và nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản địa phương.

Chế biến trái cây phục vụ xuất xuẩt tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ An Phú.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với tiềm năng sẵn có nhưng lĩnh vực bảo quản, chế biến trái cây của tỉnh còn yếu và thiếu, chưa khai thác hết được ưu thế ở lĩnh vực này. Cho tới thời điểm này, vẫn còn ít doanh nghiệp, tổ chức triển khai việc sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm nông sản xuất khẩu công nghệ cao như: sấy dẻo, các sản phẩm cấp đông, tách tinh dầu... Bên cạnh đó, Đắk Lắk vẫn chưa có nhiều vùng nguyên liệu chất lượng cao, chưa kiểm soát chất lượng sản phẩm, chưa hình thành vùng nguyên liệu có quy mô lớn và cơ chế đầu tư cho phát triển công nghiệp chế biến.

Tỉnh đang tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao, hình thành những vùng nguyên liệu có quy mô lớn, giá trị gia tăng và bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm ngành hàng. Xúc tiến thương mại ở lĩnh vực này, Sở Công thương đang đẩy mạnh các chương trình kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm trái cây Đắk Lắk nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp, cập nhật thông tin về thị trường xuất khẩu kịp thời, nhanh chóng; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hỗ trợ đưa sản phẩm bán trên các sàn thương mại điện tử... Về phía doanh nghiệp, cần đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường; tích cực tìm kiếm đối tác tiêu thụ lâu dài, liên kết với nông dân thu mua các sản phẩm chất lượng, sản xuất, chế biến theo hướng an toàn thực phẩm, bám sát nhu cầu thị trường để có hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đặc biệt, cần tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng trái cây...

Khi phát triển theo hướng chế biến, rau quả của Việt Nam có thể kiểm soát được giá thành, nâng giá trị hàng hóa gấp 3 - 4 lần so với giá hoa quả tươi. Thêm vào đó, do lối sống bận rộn, người tiêu dùng xem các sản phẩm trái cây và rau củ quả đã qua chế biến như một giải pháp tiết kiệm thời gian, tiện lợi mà vẫn có nguồn dinh dưỡng bổ sung cho cơ thể.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.