Multimedia Đọc Báo in

Nhiều ngân hàng hai lần giảm lãi suất huy động trong một tháng

12:14, 22/08/2023

Ngày 22/8, theo ghi nhận của phóng viên, biểu lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã có sự thay đổi. Một số ngân hàng thậm chí đã thay đổi biểu lãi suất huy động lần thứ hai từ đầu tháng 8 đến nay.

Theo Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất huy động được áp dụng từ ngày 21/8 với các kỳ hạn như sau: Các kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng, lãi suất huy động 4,75%/năm; các kỳ hạn 6 tháng đến 36 tháng lãi suất huy động 6,3%/năm.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) công bố biểu lãi suất mới lần thứ hai trong tháng với nhiều sự thay đổi. Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động của ngân hàng này giảm từ 6,6%/năm xuống còn 6,4%/năm; các kỳ hạn từ 7 tháng đến 12 tháng, giảm từ 6,8%/năm xuống còn 6,6%/năm; kỳ hạn 13 tháng, giảm từ 7,1%/năm xuống còn 6,8%/năm; các kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng đồng loạt giảm 0,3 điểm phần trăm.

Ngoài HDBank, các ngân hàng khác như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động lần thứ hai kể từ đầu tháng 8.

Cụ thể, lãi suất huy động tại SHB với kỳ hạn 3 tháng là 4,45%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 6,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng và trên 12 tháng là 6,6%/năm. Nhìn chung với biểu lãi suất mới công bố, SHB đã giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất các kỳ hạn từ 6 – 11 tháng và giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng thuộc huyện Lắk. (Ảnh minh họa)
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng trên địa bàn huyện Lắk. (Ảnh minh họa)

Theo biểu lãi suất mới công bố, TPBank giảm lãi suất huy động 0,2 điểm phần trăm lãi suất kỳ hạn 6 – 12 tháng.  Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lần lượt còn 6% và 6,2%/năm (đối với tiết kiệm online), 5,6%/năm và 6%/năm (đối với tiết kiệm thường).

Tại Đắk Lắk, tổng nguồn vốn huy động đến 31/7 đạt 73.200 tỷ đồng; tăng 5.602 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm là 50.200 tỷ đồng, tăng 4.549 tỷ đồng so với đầu năm.

Trước đó, ngày 15/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Những động thái giảm lãi suất huy động mạnh thời gian gần đây có thể xem như một tín hiệu tích cực để các ngân hàng thương mại có thể điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thời gian tới.

Đinh Hằng


Ý kiến bạn đọc