Multimedia Đọc Báo in

Hồi ức của những dân công hỏa tuyến ngày ấy...

09:08, 04/04/2023

Chiến thắng Buôn Ma Thuột được tạo nên không chỉ bởi sự hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết quân dân, trong đó có đóng góp thầm lặng mà vô cùng to lớn của đội ngũ những người làm nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn, thường gọi là lực lượng dân công hỏa tuyến ở địa phương.

48 năm đã trôi qua, nhưng những dân công hỏa tuyến năm xưa ở vùng căn cứ cách mạng Krông Bông vẫn còn giữ vẹn nguyên trong ký ức về những ngày tháng hào hùng ấy…

Năm 1969, bà H’War Niê (năm nay 74 tuổi, dân tộc M’nông, tên thường gọi Aduôn Vi) được Ama Thuôn, Trưởng buôn Đăk Tuôr (xã Cư Pui) lựa chọn vào đoàn dân công hạng A của huyện H9 (nay là Krông Bông), tham gia phục vụ chiến đấu tại các chiến trường trong tỉnh. Từ đó cho đến ngày giải phóng Buôn Ma Thuột, H’War cùng đồng đội khi thì vượt đường 14 đến Ea H’leo, Buôn Hồ, khi lại vượt đường 21 qua Phước An, Krông Năng… gùi không biết bao nhiêu tấn lương thực, thực phẩm và bao nhiêu quả đạn pháo phục vụ bộ đội chiến đấu.

Trước Tết Nguyên đán năm 1975, bà cùng 10 nam, nữ thanh niên khỏe mạnh trong buôn như: H’Trê Mdrang, H’Nét Byă, H’Hiệp Mdrang… và người em ruột của bà là H’Mung Niê được biên chế vào đoàn dân công làm nhiệm vụ tải đạn cho các đơn vị bộ đội tỉnh. Sau 3 ngày theo chân các chiến sĩ giao liên vượt suối sâu, rừng thẳm dưới chân núi Cư Yang Sin, đoàn dân công của bà đã đến đồi Nam Ka (huyện Lắk). Tại đây, đoàn được học tập chính trị, quán triệt nhiệm vụ và sau đó mỗi người được phân công gùi từ 5 - 6 quả đạn pháo như: cối 82 ly, cối 60 ly, B40… đến giao cho bộ đội tỉnh chuẩn bị chiến dịch. Chuyến tải đạn ấy vô cùng vất vả, nguy hiểm.

Có khi đoàn dân công vừa vượt qua đường 14 thuộc địa phận Buôn Hồ chừng vài cây số thì nghe tiếng súng của địch nổ giòn giã phía sau. Để bảo toàn vũ khí và đảm bảo bí mật, đoàn phải chia nhau ẩn nấp trong rừng, chờ khi địch rút lui mới tiếp tục vận chuyển… Khi Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk được giải phóng, bà và các đồng đội vô cùng hạnh phúc và tự hào bởi được góp sức mình trong chiến công ấy.

Bà H’War Niê nhớ lại những ngày đi gùi đạn phục vụ chiến dịch.

Bà H’Wiêng Bkrông (thường gọi Amí Săng, năm nay 71 tuổi) là một trong hai người ở buôn Hngô A (xã Hòa Phong) trực tiếp đi dân công phục vụ chiến dịch Xuân 1975. Bà nhớ lại, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 1975, bà nhận được lệnh đi dân công hỏa tuyến. Dù không ai biết quân ta sắp mở chiến dịch lớn đánh vào Buôn Ma Thuột, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, bà và đồng đội sẵn sàng lên đường… Sau gần 4 ngày hành quân, đoàn dân công H9 cũng đến địa điểm tiếp nhận Trạm giao liên T45, rồi được đưa đến buôn Kô Tam (Buôn Ma Thuột) chuẩn bị làm nhiệm vụ; cứ ba người được phân công vào một nhóm, mỗi người 5 quả đạn pháo 82 ly hay 6 quả đạn cối 60 ly, trên đường vận chuyển có những lúc do gùi nặng bà ngã xuống đất, bị gai rừng đâm rách tay, nhưng vẫn gắng gượng bảo đảm vận chuyển đạn pháo đến nơi an toàn…

Bà Thái Thị Tới (hiện ở thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền) đã hai lần thoát chết khi đi dân công hạng A. Đó là năm 1972, bà cùng 7 người khác được điều động đi nhận lương thực và muối tiếp tế cho bộ đội; trong suốt 25 ngày ròng rã, bà và đồng đội đã vượt qua hàng chục ngọn đồi núi cao đến địa điểm buôn Cần Ché (biên giới Campuchia) nhận hàng gùi về. Vì địa bàn cách trở, xa xôi, mỗi người chỉ gùi được khoảng 30 kg muối hoặc gạo, trên đường về khi lên đến đỉnh núi bà bị ngã ngất xỉu, đồng đội phải chia nhau gùi phần của bà và dùng cáng khiêng bà xuống bờ sông Krông Nô vượt sông trở về. Một lần khác, khi nhận lương thực ở Buôn Hồ (H4) về đến buôn Cú (H4) bị địch phục kích, người đi đầu hy sinh, bà cùng mọi người trong đoàn phải tìm cách thoát thân vào rừng, bảo vệ số lương thực nhận được đưa về an toàn…

Trong suốt 5 năm từ 1970 đến 1975, ông Đỗ Cửu Trưởng từng làm nhiệm vụ bảo vệ đoàn dân công huyện H9 đến các trạm tiền phương (mỗi đợt đi có 100 dân công). Ông kể, việc vận chuyển chỉ bằng sức người, mang vác hoặc gùi trên lưng; để tránh bị địch phát hiện, công việc giao nhận thường diễn ra từ 5 giờ chiều đến rạng sáng ngày hôm sau, khi nhận xong vũ khí, lương thực mọi người dùng lá cây rừng hóa trang, nhờ có các phương án chủ động nên hầu hết các chuyến đi an toàn tuyệt đối.

Tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng sự hy sinh, cống hiến của lực lượng dân công hỏa tuyến là vô cùng to lớn…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.