Multimedia Đọc Báo in

Cuộc tháo chạy khỏi Tây Nguyên

09:19, 04/04/2023

Sau chiến thắng chớp nhoáng tại Buôn Ma Thuột (ngày 10/3/1975), tiếp tục đà tấn công, từ giữa tháng 3/1975, quân Giải phóng Việt Nam liên tục tấn công vào các tỉnh/thành ở hầu khắp các quân khu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 13/3/1975, Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Vùng I đáp máy bay vào Sài Gòn gặp Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tổng thống Thiệu ra lệnh cho tướng Trưởng rút khỏi Quảng Trị và nếu cần, rút khỏi cả Huế nữa để lập điểm kháng cự tại Đà Nẵng vì nơi đó có sân bay rộng, nhiều lương thực và đạn dược, vũ khí… Trưởng đồng ý về nguyên tắc ấy, nhưng lại nói thêm là sẽ làm mọi thứ để bảo vệ Huế.

Ngay sau đó, sáng 14/3, Tổng thống Thiệu vội vàng ra Cam Ranh để mở cuộc họp mật bàn liệu tình hình. Tại cuộc họp này có năm viên tướng chóp bu tham dự gồm: Đại tướng Trần Thiện Khiêm – Thủ tướng, Đại tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Trung tướng Đặng Văn Quang - cố vấn quân sự của Tổng thống, Trung tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh Vùng II chiến thuật (Quân đoàn 2). Trong cuộc họp, những người có mặt đều đi đến quyết định sẽ bỏ thêm Pleiku và Kon Tum.

Cuộc tháo chạy khỏi Tây Nguyên của Quân lực Việt Nam Cộng hòa vào giữa tháng 3/1975.

Các tướng lĩnh bàn định kế hoạch sau khi bỏ Tây Nguyên sẽ gom quân về các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, rồi mở cuộc tái chiếm Buôn Ma Thuột khi có thời cơ. Kể từ đó, chính quyền Sài Gòn liên tục ban bố nhiều công điện khẩn đến nhật lệnh kêu gọi, ra lệnh quân đội Sài Gòn “tử thủ” những phần đất còn lại đang ngày càng bị thu hẹp dần… Trước viễn cảnh đen tối, khi trở lại Pleiku vào buổi tối 14/3, tướng Phú chán nản, triệu tập cuộc họp Bộ Tham mưu của ông ta, và hạ lệnh là phải rút ngay khỏi Tây Nguyên vào ngày hôm sau. Lời loan báo ấy gây ra một sự kinh hoàng não nề. Bởi trước đó, tướng Phú đề nghị Tổng thống tăng viện quân, tổ chức phản công và giữ bằng được Pleiku và Kon Tum. Tướng Phú cho rằng vì đây là bản doanh Sư đoàn Không quân nên Pleiku không thiếu lương thực và đạn dược. Phú nhất định chống cự. Thế mà sáng 14/3, Tổng thống Thiệu lại gọi ông ta tới Cam Ranh rồi ra lệnh cho ông ta phải rút. Phú không chịu thi hành lệnh của ông Thiệu. Tướng Phú bảo Thiệu: “Tổng thống nên tìm một người khác để điều khiển cuộc chạy trốn này”. Theo đề nghị của tướng Phú, Tổng thống Thiệu đã đồng ý cử ngay Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm thực hiện cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên.

Trong cuộc họp Bộ Tham mưu, khi một sĩ quan hỏi có thông báo cho các tỉnh trưởng, lực lượng địa phương quân và dân chúng biết không thì tướng Phú đáp lại: “Theo lệnh của Tổng thống, phải để địa phương quân ở lại, và không được thông báo cho các tỉnh trưởng biết. Cứ để họ ở lại. Hãy để cho họ trở về rừng núi”. Tướng Phú tiếp tục chỉ đạo rằng, cuộc rút lui khỏi Tây Nguyên sẽ diễn ra theo Tỉnh lộ số 7B, là con đường Pleiku - Phú Bổn bỏ hoang từ lâu nên xuống cấp nặng nề, thì đã thấy sự bối rối hiện ra trên từng khuôn mặt. Tướng Cẩm nói rằng: “Chúng tôi không hiểu điều gì đã đưa tới cái quyết định điên rồ này”. Tướng Cẩm lại còn ngơ ngác hơn nữa khi tướng Phú nói phải rút ngay vào ngày hôm sau, và phải rút xong trong vòng ba ngày.

Ngay sau cuộc họp, tướng Phú cùng phần lớn Bộ Tham mưu dùng máy bay rời Tây Nguyên về Nha Trang để lập một bản doanh tiền phương, nhằm lập kế hoạch trở lại Buôn Ma Thuột, và để tướng Cẩm lo việc rút lui, nhưng mọi việc không như mong đợi!

Một binh sĩ Việt Nam Cộng hòa gục đầu chán nản trong cuộc rút chạy khỏi Tây Nguyên.

Theo đúng kế hoạch, lúc rạng sáng 15/3/1975, binh lính ở Pleiku, Kon Tum vội vã tháo chạy, để lại số tài sản, hậu cần đáng giá hàng chục triệu đô la. Hai đoàn người theo Quốc lộ 19 rồi sang đường số 7B, đường này rất xấu bởi lâu ngày bị bỏ hoang, mọi cây cầu đều bị phá. Những xe hạng nặng dẫn đầu đã biến những chỗ lầy lội thành vũng lầy, làm cho các xe đi sau sa lầy, dừng lại và đụng nhau liên tục. Những đơn vị hoặc đi ở bên, hoặc đi trước thì lọt vào những ổ phục kích của lực lượng Quân Giải phóng. Cuộc rút lui càng gây sự rối loạn và phẫn uất trong hàng ngũ binh sĩ.

Quyết định rút lui khỏi địa bàn chiến lược quan trọng Tây Nguyên trong tình thế hoảng loạn, đã gây ra nhiều nỗi kinh hoàng và đưa tới sự nổi loạn trong hàng ngũ binh lính. Ai nấy đều cuống cuồng chuẩn bị ra đi trong sợ hãi. Các binh sĩ, người thì bỏ đơn vị đi tìm thân nhân để yên trí, kẻ buông súng rã ngũ... Kết quả là mạnh ai người nấy lo… Rõ ràng, những đạo quân mất hết nhuệ khí, tinh thần hoảng loạn đó không đủ khả năng để tiếp tục bảo vệ những khu vực còn lại ở duyên hải Nam Trung Bộ, Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long nữa trước sức mạnh tấn công và niềm tin chiến thắng của lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam!

Minh Đăng


Ý kiến bạn đọc