Multimedia Đọc Báo in

Linh thiêng Nghĩa trang Liệt sĩ Việt – Lào

16:52, 11/08/2011

Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào được coi là một biểu tượng của tình hữu nghị sâu nặng của hai nước Việt - Lào anh em. Nơi đây còn chứa đựng những điều thiêng liêng mà nhiều người chưa biết đến với bài thơ nổi tiếng trên tấm bia lịch sử làm thay đổi cách gọi về các liệt sĩ vô danh.

Một góc Nghĩa trang Việt - Lào.
Một góc Nghĩa trang Việt - Lào.
Nơi yên nghỉ của hơn 1 vạn anh hùng liệt sĩ
Nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào nằm ở trung tâm huyện Anh Sơn (Nghệ An), có diện tích 6,8ha với 10.367 phần mộ hài cốt của liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam và các chuyên gia. Trong số đó, chỉ có khoảng 3.500 phần mộ có tên tuổi, quê quán rõ ràng, số còn lại người thì chỉ có tên mà không biết họ, thậm chí trên nhiều bia mộ chí chỉ ghi dòng chữ đơn giản “Liệt sĩ chưa biết tên”. Chúng tôi đến nghĩa trang vào một ngày cuối năm trời lạnh căm. Trong nghĩa trang, những cây thông hai bên lối vào vi vút reo, hàng ngàn ngôi mộ thẳng tắp được chăm sóc chu đáo nằm trang nghiêm. Xung quanh nghĩa trang, nhiều đoàn viên thanh niên đang quét dọn, nhổ cỏ và chăm sóc mộ  liệt sĩ, nhiều người đến thắp nhang hoặc tìm mộ người thân, đâu đó nghe tiếng khóc thương linh hồn người đã khuất. Người hạnh phúc nhất có mặt ở nghĩa trang hôm nay có lẽ là vợ chồng ông Võ Nam Hải, quê ở xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, là con của liệt sĩ Võ Phương, hy sinh năm 1962 ở mặt trận Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An). Gần 50 năm nay, ông Hải luôn day dứt vì không biết phần mộ của cha mình nằm ở đâu nên không có điều kiện chăm lo hương khói. Ông lặn lội khắp các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước để tìm hài cốt cha. Ông biết được nghĩa trang hữu nghị này qua một người quen ở gần nghĩa trang, và thật may mắn, ông đã tìm được mộ của cha mình tại đây. Ông muốn cha mình nằm ở nghĩa trang này để gần các đồng đội và hàng năm ông lại lặn lội ra nghĩa trang thắp hương viếng hương hồn cha. Thắp nhang lên mộ cha và các liệt sĩ, Ông Hải xúc động nói: “Tôi rất tự hào về cha tôi đã hi sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, tôi cũng vui mừng vì tìm được mộ cha sau bao năm để có điều kiện hương khói”. Trong khi đó, ở góc trái của nghĩa trang, hai anh em ông Nguyễn Viết Dung và Nguyễn Thị Cúc ở TP. Vinh – Nghệ An đang thắp nhang cho em trai là liệt sĩ Nguyễn Viết Thu (hy sinh trước ngày đất nước giải phóng chỉ 1 tháng tại mặt trận phía Nam). Hài cốt của liệt sĩ Thu đã được quy tập và an táng tại nghĩa trang hơn 15 năm nay, hàng năm vào dịp tết Nguyên đán và Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7, hương hồn của liệt sĩ được sưởi ấm bởi những người thân. Trong lần về thắp hương cho người em lần này, ông Dung, bà Thu cho con đi cùng, bởi 2 đứa chỉ biết về chú, cậu của mình qua lời kể của bố mẹ. Ông Dung tâm sự: “Đưa các cháu đến đây, tôi muốn bọn trẻ hiểu và trân trọng công lao của những liệt sĩ để biết sống tốt hơn”. Tại khu vực mộ các liệt sĩ chưa biết tên, một nhóm đoàn viên, thanh niên xã Phúc Sơn và Thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn) đang chia nhau thắp hương cho từng ngôi mộ. Những liệt sĩ chưa biết tên tuổi, quê quán này, bao nhiêu năm qua tất nhiên là chưa một lần được người thân thăm viếng. Tuy nhiên, ở đây các anh không hề lạnh lẽo vì đã có những người quản trang chăm sóc, hương khói chu đáo và có tấm lòng của những người thuộc thế hệ trẻ hôm nay.
Không ai nén được xúc động khi đọc bài thơ  Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh trên bia đá.
Không ai nén được xúc động khi đọc bài thơ Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh trên bia đá.
“Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh”
Bên cạnh tượng đài nghĩa trang có tấm bia đá khắc một bài thơ nổi tiếng đã “trả lại tên cho các liệt sĩ vô danh” của người cựu chiến binh đồng thời là nhà thơ – nhà báo Văn Hiền, Trưởng đại diện Tạp chí Người làm báo tại Nghệ An. Từng là một phóng viên chiến trường, hơn 40 năm có mặt ở khắp các mặt trận, và đã đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước để tìm mộ cha mình, anh Văn Hiền đã thấu hiểu sự hy sinh, thương đau, mất mát của đồng đội, đồng chí của mình. Mỗi khi có dịp viếng thăm nghĩa trang liệt sĩ, nhìn hàng vạn tấm bia mộ khắc dòng chữ “Liệt sĩ vô danh”, lòng anh nhói đau, thương cảm. Ai cũng biết, các anh sinh ra đều có tên, tuổi, quê quán, với hồn quê gốc rạ, các anh ngã xuống, tên tuổi vẫn còn khắc ghi trong tâm trí của người thân. Tại sao lại gọi các anh là “Liệt sĩ vô danh”? Năm 1993, trong chuyến công tác ở Nghĩa trang Liệt sĩ Việt – Lào, nhìn những ngôi mộ của những “Liệt sĩ vô danh” nghi ngút khói hương, bằng tất cả sự thành kính, Văn Hiền làm nên bài thơ với những vần thơ tha thiết, cảm động:

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh

“Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh Anh tròn ngày tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái
Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Hạt lúa củ khoai nuôi Anh khôn lớn
Tháng tám nước trong, tháng năm nắng trải
Bàn chân săn chắc dáng trai.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Ngày lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai vấn vít hàng quân

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc
Tên làng, tên đất theo Anh.
Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên, không tuổi
Trắng hàng bia
                     những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình
               nỗi đau xanh cùng năm tháng.”

Bài thơ được đăng trên nhiều báo, tạp chí và đã lay động trái tim hàng vạn độc giả, đặc biệt là các thân nhân liệt sĩ và những người lính một thời. Từ sức lan toả sâu rộng của bài thơ, tháng 7-1996, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đổi tên gọi liệt sĩ vô danh thành liệt sĩ chưa tìm thấy tên tuổi, quê quán, hài cốt. Sau đó không lâu đã có hơn 400.000 ngôi mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang trong cả nước đã được đổi lại tên gọi. Đó là một thay đổi lịch sử, các Anh được tổ quốc ghi nhận và biết ơn, không có ai là “Liệt sĩ Vô danh”. Tháng 10-2010, bài thơ đã được lãnh đạo tỉnh Nghệ An chỉ đạo khắc trên phiến đá Granít cao gần 2m dựng trang trọng bên cạnh tượng đài nằm trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ Việt – Lào. Từ khi bài thơ được khắc lên bia đá tại nghĩa trang,  những thân nhân liệt sĩ mỗi lần đến đây đọc bài thơ đều rất xúc động. Riêng với tác giả Văn Hiền, đó là một nén nhang của lòng tri ân đối với hơn 10 ngàn anh hùng liệt sĩ đã hoá thân vào đất mẹ.

Minh Thông

Ý kiến bạn đọc