Multimedia Đọc Báo in

Nan giải việc thực hiện tiêu chí môi trường ở Cư Êlang

13:52, 20/05/2015

Môi trường là một trong những tiêu chí được đánh giá là khó thực hiện nhất trong 19 tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Ở xã Cư Êlang (huyện Ea Kar) cũng vậy, mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực thực hiện, nhưng để đạt được tiêu chí này vẫn là một vấn đề  nan giải.

Thực hiện tiêu chí môi trường trong phong trào xây dựng nông thôn mới, thì chỉ tiêu đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, không có cơ sở sản xuất kinh doanh (chăn nuôi, chế biến thực phẩm, sản xuất nghề tiểu thủ công nghệ, buôn bán phế liệu) gây ô nhiễm là một trong những nội dung được đánh giá dễ thực hiện. Tuy nhiên, khi đến xã Cư Êlang, thực tế cho thấy đây là vấn đề không hề đơn giản bởi những con đường đất đỏ bụi mù vào mùa khô và thường lầy lội mỗi khi mùa mưa đến đã khiến nhiều người ái ngại mỗi khi đi lại; hàng rào, cổng ngõ và sân vườn của các hộ gia đình hầu như không được cải tạo, chỉnh trang mà vẫn còn cảnh gia súc, gia cầm thả rông, rác thải, cỏ mọc um tùm... Hay đối với chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh, toàn xã chưa có hộ dân nào được sử dụng nguồn nước sạch, chỉ mới có 6/10 thôn, buôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Điều đáng nói, đây là nguồn nước giếng đào, khoan và nước mưa nên vấn đề hợp vệ sinh hay không vẫn chưa được cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Hơn thế nữa, với tình trạng khô hạn, nước ngầm ngày càng cạn kiệt như hiện nay thì có nguồn nước để sử dụng là niềm vui của họ chứ chưa nói đến nguồn nước sạch theo tiêu chuẩn. Bà Nguyễn Thị Minh (người dân buôn Ea Rớt) chia sẻ: “Từ nhiều năm nay cả gia đình tôi phải sử dụng nguồn nước giếng đào để phục vụ ăn uống và sinh hoạt. Mặc dù biết là không hợp vệ sinh nhưng vẫn phải dùng vì chẳng có nguồn nước nào khác nữa”.
Đường làng, ngõ xóm ở xã Cư Êlang luôn  trong cảnh bụi mù vào mùa khô.
Đường làng, ngõ xóm ở xã Cư Êlang luôn trong cảnh bụi mù vào mùa khô.

Với đặc thù là địa phương thuần nông, các cơ sở sản xuất – chăn nuôi phát triển tự phát theo hộ gia đình nên việc bảo đảm vệ sinh môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Được biết, toàn xã hiện có 4.000 con gia cầm, 2.500 con heo, khoảng 200 con trâu, bò… nhưng chỉ có một trang trại chăn nuôi tập trung, còn lại là chăn nuôi nhỏ lẻ. Đơn cử như ở buôn Ea Rớt, hầu hết các hộ dân đều chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông trên các cánh đồng, khu vực nương rẫy; chuồng trại thì làm sơ sài với một vài cây gỗ nhỏ dựng ngay cạnh vách tường nhà ở nên thường xuyên gây mùi hôi thối, mất vệ sinh. Anh Y Dúi Byă, buôn trưởng cho biết: “Hầu hết các gia đình trong buôn đều chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ với số lượng ít, thường thả rông để tìm kiếm thức ăn ngoài tự nhiên. Điều này đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Tuy vậy, khi chính quyền vào cuộc vận động, nhắc nhở thì họ lại không quan tâm thực hiện”. Ngoài ra, việc xử lý chất thải vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi địa phương chưa có điểm tập kết, xử lý và người dân cũng không mặn mà với dịch vụ thu gom rác thải nên hầu hết các hộ gia đình đều tự chôn lấp hoặc đốt trong vườn nhà. Theo tính toán, để xây dựng bãi rác bảo đảm vệ sinh môi trường cần nguồn kinh phí đáng kể trong khi đó chính quyền không có vốn đầu tư, việc huy động nguồn lực xã hội hóa thu gom và xây dựng điểm xử lý rác thải hợp quy chuẩn cũng không đơn giản khi phần lớn đời sống người dân xã Cư Êlang còn khó khăn. Một trở ngại lớn nữa đó là do tập quán chăn nuôi gia súc thả rông, thói quen sinh hoạt, ăn ở chưa hợp vệ sinh của người dân như: chuồng trại chăn nuôi liền kề với nhà ở, không có hoặc có nhà tiêu nhưng không đúng quy cách và đảm bảo vệ sinh... khiến việc thực hiện tiêu chí môi trường càng trở nên khó khăn.

Ô nhiễm môi trường từ chế biến nông sản vào vụ mùa thu hoạch ở xã Cư Êlang.
Ô nhiễm môi trường từ chế biến nông sản vào vụ mùa thu hoạch ở xã Cư Êlang.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu quy hoạch nghĩa trang cũng gặp không ít thách thức vì gần 90% dân số ở xã Cư Êlang là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nhiều năm nay, phong tục, tập quán mai táng, chôn cất người quá cố của người dân thường không theo quy hoạch, khu vực nhất định mà theo quan niệm, tín ngưỡng riêng của mỗi gia đình. Anh Lê Thành Nguyên, cán bộ địa chính, môi trường xã Cư Êlang cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã đang tồn tại nhiều nghĩa trang nhỏ lẻ ở các thôn, buôn. Chính quan niệm trước khi chôn cất người chết phải xem hướng, chọn đất đã gây trở ngại rất lớn cho việc di dời các bia mộ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới”. Trong khi đó, theo quy định, các nghĩa trang ở xã nông thôn mới phải bảo đảm đúng diện tích, các phân khu chức năng, phân lô, khoảng cách, kích thước, kiểu dáng xây dựng bia mộ...

Người dân thôn 1 (xã Cư Êlang) sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm để phục vụ sinh hoạt
Người dân thôn 1 (xã Cư Êlang) sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm để phục vụ sinh hoạt.

Là một xã nghèo vùng sâu của huyện Ea Kar (hộ nghèo chiếm tỷ lệ hơn 45% ), đời sống của người dân xã Cư Êlang còn nhiều khó khăn, do đó để tiêu chí môi trường sớm về đích rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ đồng bộ của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể và đặc biệt là sự chung tay góp sức, ý thức bảo vệ môi trường chung của nhân dân nhằm tạo diện mạo mới cho bộ mặt vùng nông thôn và trên hết là cải thiện chất lượng cuộc sống của mỗi người.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc