Multimedia Đọc Báo in

Rác thải nông thôn: Đôi điều cần suy nghĩ !

08:07, 09/08/2010

Khi đời sống của người dân ở khu vực nông thôn đang ngày càng đi lên, thì vệ sinh môi trường lại có biểu hiện đi xuống rõ rệt. Mặc dù, đã có nhiều ứng dụng, tuyên truyền, tập huấn người dân tham gia bảo vệ môi trường (BVMT), nhưng một bộ phận không nhỏ cán bộ, người dân ở nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích và trách nhiệm trong việc BVMT.

Ý thức kém...
Có thể nói, những hệ lụy do môi trường bị suy thoái đã, đang và sẽ biểu hiện hằng ngày, qua mức độ gia tăng các loại dịch bệnh nguy hiểm trên người và vật nuôi; gia tăng các loại bệnh cấp và mãn tính có nguyên nhân từ môi trường bị ô nhiễm; thiên tai ngày càng hoành hành dữ dội và khắc nghiệt... Xuất phát từ việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mà không ít cá nhân, tổ chức “quên” đi yếu tố vệ sinh môi trường. Những đống rác vẫn hiện hữu trên các trục đường quốc lộ 14, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường liên thôn đến nhiều điểm ở khu du lịch, đồng ruộng, chợ, ao hồ... cũng trở thành nơi “thu gom” rác thải.  Đoạn đường Km 24, quốc lộ 14 (bắt đầu địa phận thị xã Buôn Hồ) những đống rác thải từ giấy vụn, ni-lông, chất thải bay tung tóe dọc hai bên đường không những làm ô nhiễm môi trường mà còn gây phản cảm với người đi đường. “Đây là đoạn đường cách khá xa khu dân cư, nên thời gian qua nó trở thành điểm “tập kết” rác từ các hộ gia đình sống quanh khu vực. Họ thường chạy xe đến đây rồi vứt rác vào những giờ vắng người qua lại, mặc dù ở đây đã có biển báo cấm đổ rác”, anh Lê Văn Minh, một người dân sống gần khu vực này cho biết.  Hay dọc tỉnh lộ 8 cũng có một đoạn đường vào thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) luôn trong tình trạng “ngập” rác, bởi đây cũng là đoạn đường ở cách xa khu dân cư. Còn có không ít các bãi rác tự phát như rác thải trên đèo Ea Na (huyện Krông Ana), rác thải trên tuyến đường liên xã ở Ea Hồ, Phú Lộc, Tam Giang (huyện Krông Năng)…

Không chỉ tập trung ở những đoạn vắng nhà, vấn nạn rác thải sinh hoạt đang gây bức xúc ở một khu vực tập trung dân cư như chợ huyện Ea Súp, chợ Ea Bar (huyện Buôn Đôn)… gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân sống quanh khu vực. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp tạo ra những bãi rác này không ai khác chính là những người kinh doanh buôn bán, những hộ dân sống ở nơi này, trong khi chưa có biện pháp nào để xử lý rác thải. Cứ thế, hằng ngày, rác thải được tập trung thành từng đống. Trời mưa, rác theo nước trôi tràn vào chợ, còn trời nắng, mùi hôi từ rác bốc lên nồng nặc, mặc dù đã có nhiều ý kiến phản ánh tình trạng này, nhưng chuyện “đâu lại vào đó”. Một bãi rác làm người đi đường và người dân không khỏi đặt dấu hỏi là bãi rác trước UBND xã Ea Hồ (huyện Krông Năng), bên cạnh là những hộ kinh doanh hàng hóa. Tại sao chính quyền địa phương xã lại có thể để xảy ra tình trạng này khi nó ở ngay trước mắt mình, nếu vấn đề này ở các khu vực xa hơn liệu có được quan tâm, giải quyết?

Bãi rác nằm trước UBND xã Ea Hồ (huyện Krông Năng)
Bãi rác nằm trước UBND xã Ea Hồ (huyện Krông Năng)

Cần giải pháp quyết liệt và đồng bộ
Hiện nay, việc xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, trong đó ở khu vực nông thôn vẫn còn nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường, gây lo ngại cho người dân. Năm 2008, UBND tỉnh  đã công bố quy hoạch quản lý rác thải rắn đô thị, khu công nghiệp, các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn giai đoạn 5 năm (2008-2013), đối với đô thị, thành phố Buôn Ma Thuột phải thu gom, xử lý từ 75 đến 80% lượng rác thải rắn sinh hoạt, các đô thị loại IV, V tỷ lệ này là 60 đến 70% và đến năm 2020, tỷ lệ này tăng lên 90 đến 95%. Đối với các khu, cụm công nghiệp việc phân loại chất thải rắn thực hiện ngay tại nguồn, áp dụng các công nghệ thích hợp để thu gom, xử lý đạt từ 90 đến 95%, đối với chất thải rắn y tế nguy hại sử dụng lò đốt tập trung để xử lý 100%. Cũng theo quy hoạch đến năm 2020, mỗi huyện đều phải có bãi chứa, xử lý rác với diện tích từ 5 đến 10 ha và bãi xử lý rác của TP. Buôn Ma Thuột có diện tích 42 ha tại xã Cư Êbur.
 “Ở đô thị, tỷ lệ thu gom rác thải hiện chỉ đạt 80%, ở khu vực nông thôn thì chủ yếu các hộ gia đình thu gom rồi tự xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tự ý thức vẫn còn quá ít so với số hộ dân thiếu ý thức khi thu gom rác trong nhà mình để rồi đổ ra đường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức, chưa có hình phạt nghiêm khắc đối với những vi phạm về rác thải môi trường”, ông Hoàng Văn San, Giám đốc Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường cho biết. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong nhân dân về BVMT như không đổ rác, phế liệu bừa bãi, không xả rác và phân loại rác tại nguồn. Ngoài ra cần đầu tư đồng bộ nguồn nhân lực và kinh phí để sớm hoàn thiện các bãi xử lý rác thải.

Thời gian qua, Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Krông Ana mặc dù đã tích cực kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhưng tình trạng rác thải trên đèo Ea Na vẫn tái diễn, do người dân thiếu ý thức BVMT. Có thể nói, vấn nạn rác thải nông thôn đã và đang diễn ra trên hầu khắp các huyện trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Để giải quyết ô nhiễm môi trường, chính quyền huyện Krông Ana đang triển khai xây dựng dự án bãi rác trên địa bàn xã Ea Na với diện tích 2 ha, sau khi hoàn thành có thể mở rộng khu vực thu gom rác cho người dân nông thôn. Bởi hiện tại, bãi xử lý chất thải ở buôn Chăm (thị trấn Buôn Trấp) với trữ lượng 12 tấn/ngày chỉ có thể thu gom rác ở khu vực trung tâm huyện và chợ Đồng Tâm, chợ Dray Sáp, chợ Ea Na.”, Võ Đại Huế, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện cho biết.

Rác thải nông thôn đã và đang trở nên bức thiết, bởi việc thu gom còn là một bài toán nan giải, do đó nên cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cơ quan chức năng và ý thức của cộng đồng.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc