Multimedia Đọc Báo in

Thế giới lại gồng mình trước thiên tai

23:24, 08/08/2010
Thiên tai tiếp tục khiến nhiều nơi trên thế giới phải gánh chịu những hậu quả nặng nề mà chưa hề có dấu hiệu dừng lại.
Một vụ lở đất kinh hoàng vừa xảy ra sáng 8-8 tại thị xã Chu Khúc, Khu tự trị Tây Tạng Cam Nam ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc khiến ít nhất 96 người chết, 76 người bị thương và 2.000 người mất tích. Lở đất khiến toàn bộ một ngôi làng bị vùi hoàn trong đống bùn đất, những dòng sông sâu đầy bùn đặc và đá. Những nỗ lực cứu trợ tại tỉnh Cam Túc, nơi hơn 20.000 người đã được sơ tán gặp khó khăn. Gần 3.000 binh sĩ và khoảng 100 nhân viên y tế đã được huy động vào việc tìm kiếm và cứu trợ các nạn nhân của vụ lở đất tại khu vực có đông người Tạng sinh sống. Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi lực lượng cứu trợ cố gắng hết sức để tìm kiếm và cứu sống những người bị nạn. Ít nhất 50.000 người bị ảnh hưởng hậu quả trận lở đất do mưa lớn gây ra. Cho đến nay, lực lượng cứu trợ vẫn chưa thể sử dụng máy hạng nặng trong cuộc tìm kiếm người mất tích do bùn đặc quánh và những mảnh đổ nát. Thay vào đó, người ta chỉ dùng xẻng và tay trần để tìm bới những nạn nhân được cho là còn sống sót.
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân trong trận lở đất ở Chu Khúc.
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân trong trận lở đất ở Chu Khúc.
Trong năm nay, những trận lụt tồi tệ nhất trong thập kỷ qua ở Trung Quốc đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.100 người, hơn 600 người vẫn mất tích, gây thiệt hại hàng chục tỷ USD ở khắp 28 tỉnh và khu vực của nước này.
Núi lửa Karangetang trên đảo Siau thuộc quần đảo Sulawesi của Indonesia đã hoạt động trở lại hôm thứ 6 khiến 4 thành viên của một gia đình thiệt mạng và 5 người khác phải nhập viện, một người trong tình trạng nguy kịch. Mọi chuyện xảy ra rất nhanh, thậm chí người dân không có đủ thời gian để sơ tán. Karangetang phun trào sau khi những cơn mưa lớn làm đất từ miệng núi trôi xuống khiến nham thạch và tro bụi nóng tới 600 độ C tràn ra. Nham thạch và tro bụi đã chảy xuống sườn phía tây của đỉnh Karangetang, phá hủy ít nhất 9 ngôi nhà, một nhà thờ, một trường học. Một con đường và một cây cầu cũng bị hư hỏng nặng, khiến hơn 2.000 người sống tại một khu vực hẻo lánh bị cô lập hoàn toàn. Các nhà chức trách đang cố gắng sơ tán người dân sống tại ít nhất một ngôi làng gần đó.
Ngọn núi Karangetang, nơi núi lửa đang hoạt động trở lại
Ngọn núi Karangetang, nơi núi lửa đang hoạt động trở lại
Tình hình lũ lụt ở Pakistan ngày càng nghiêm trọng khi các trận mưa lớn tiếp tục đổ xuống nhiều khu vực ở quốc gia Nam Á này và nhiều khả năng sẽ kéo dài trong vài ngày tới. Các quan chức Pakistan cho biết lũ lụt đã ảnh hưởng tới 15 triệu người, trong khi khoảng 1.500 người đã thiệt mạng, chủ yếu ở khu vực Tây Bắc nước này. Lũ lụt kéo dài trong hai tuần qua làm hỏng nhiều tuyến đường, cuốn trôi nhiều cây cầu và làm gián đoạn nhiều hệ thống thông tin liên lạc, đồng thời cản trở các nỗ lực cứu hộ và cứu trợ. Tại tỉnh Punjab, khoảng 12 triệu người đã bị mất nhà cửa, trong khi tại tỉnh Sindh, hơn một triệu người phải đi sơ tán.
Người dân Pakistan đang phải sống chung với lụt lội
Người dân Pakistan đang phải sống chung với lụt lội
Theo đánh giá của Liên hiệp quốc, số người cần cứu trợ khẩn cấp và mức độ hư hại về cơ sở hạ tầng do đợt lũ lụt này gây ra tương đương với mức độ thiệt hại do trận động đất xảy ra năm 2005 ở Kashmir, làm khoảng 73.000 người thiệt mạng. Hiện 30.000 binh sĩ Pakistan đã được huy động để tham gia sửa chữa cầu đường, phân phát lương thực và dựng lều trú tạm cho người dân ở những vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Trong khi đó, tình hình lũ lụt ở Ấn Độ cũng chưa có dấu hiệu cải thiện. Theo số liệu mới nhất, ít nhất 130 người thiệt mạng, hơn 400 người bị thương và khoảng 500 người mất tích trong các đợt lũ và lở đất ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Bùn và nước ở khắp nơi tại Ladakh
Bùn và nước ở khắp nơi tại Ladakh
Hiện các hoạt động cứu trợ đang được xúc tiến khẩn trương và được thực hiện trên diện rộng. Hàng nghìn người ở khu vực Leh, một thị trấn ở Ladakh, đã được sơ tán tới vùng đất cao hơn trong đêm 6-8. Lũ lụt làm hư hại nghiêm trọng bệnh viện chính của thị trấn, buộc nhà chức trách phải sơ tán toàn bộ bệnh nhân tới một bệnh viện quân đội gần đó. Cảnh sát và binh sĩ quân đội đã cứu được hơn 150 người, trong đó có hơn 100 khách du lịch nước ngoài, bị mắc kẹt tại làng Pang.
Kênh truyền hình trung ương Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đưa tin tình trạng mưa lũ tại nước này có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi dự báo những trận mưa như trút nước sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng Tám. Truyền thông Triều Tiên cho biết các trận mưa lớn liên tiếp trong tháng Bảy đã gây thiệt hại nặng nề cho nước này với gần 6.000 ngôi nhà và công trình công cộng bị phá hủy, hơn 15.000ha lúa và hoa màu bị tàn phá.
Tại Nga, người dân Matxcơva bắt đầu đổ xô đến các ga tàu và sân bay để thoát khỏi thành phố, một số nước cũng đóng cửa và sơ tán các cơ quan ngoại giao ở đây vì khói bụi. Tình trạng khói bụi tiếp tục bao trùm thành phố và mức ô nhiễm đã gấp 6 lần giới hạn cho phép. Đây là hậu quả của thời tiết nắng nóng gây ra các vụ cháy rừng, đến nay đã khiến 52 người thiệt mạng, vẫn tiếp tục lan rộng ở miền trung nước Nga. Trong 24 giờ qua, có thêm 290 đám cháy mới. Bên cạnh đó, dự báo thời tiết cho biết đợt nắng nóng trong vòng 100 năm ở Nga sẽ tiếp tục trong những ngày tới. Những địa danh nổi tiếng của Matxcơva như Điện Kremli và nhà thờ St. Basil chìm trong khói. Các tài xế bật đèn pha ngay cả ban ngày.
Người dân bịt kín mặt trên đường phố Matxcơva
Người dân bịt kín mặt trên đường phố Matxcơva
Đức đã đóng cửa tạm thời đại sứ quán và phòng lãnh sự. Áo, Ba Lan và Canada sơ tán một số các nhân viên sứ quán và gia đình. Mỹ, Pháp, Bulgaria và Đức đều cảnh báo công dân nước mình nên cân nhắc việc đến Matxcơva và các khu vực lân cận vào thời điểm này.
G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc