Multimedia Đọc Báo in

Tiến tới chuẩn hóa giáo dục Điều dưỡng ở Việt Nam

10:11, 07/06/2012

Trước yêu cầu cấp thiết hội nhập với ASEAN và quốc tế, mới đây Bộ Y tế đã phê duyệt Chuẩn năng lực cơ bản Điều dưỡng Việt Nam.

Chuẩn này được Hội Điều dưỡng Việt Nam đề xướng và khởi thảo xây dựng từ năm 2008. Hiện nay, mỗi quốc gia có Chuẩn năng lực điều dưỡng của đất nước mình và chuẩn năng lực được sử dụng làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo, làm cơ sở đánh giá sinh viên, đánh giá điều dưỡng; làm cơ sở tuyển dụng và sử dụng nhân lực điều dưỡng và cũng là yêu cầu hội nhập của điều dưỡng ASEAN. Tuy nhiên, áp dụng chuẩn năng lực vào xây dựng chương trình đào tạo và đào tạo điều dưỡng là một thách thức với các cơ sở đào tạo điều dưỡng của Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Vụ trưởng Vụ Khoa học đào tạo cho biết, trước đây trong ngành y vẫn coi điều dưỡng là trợ lý của bác sỹ và được gọi là y tá nhưng trong những năm gần đây, theo xu hướng thế giới và đòi hỏi khách quan về chăm sóc y khoa, điều dưỡng đã trở thành một ngành chăm sóc độc lập và nghề điều dưỡng đã phát triển thành một ngành dịch vụ sức khỏe thiết yếu. Càng ngày, nhu cầu dịch vụ chăm sóc điều dưỡng có chất lượng càng cao và đóng góp to lớn trong chăm sóc sức khỏe, giảm thời gian nằm viện, giảm tử vong và phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Do đó, tài liệu Chuẩn năng lực cơ bản của Điều dưỡng Việt Nam góp phần nâng cao trình độ điều dưỡng Việt Nam, đồng thời thước đo đánh giá chất lượng đào tạo đầu ra về điều dưỡng, thúc đẩy điều dưỡng nước ta sớm hòa nhập với trình độ điều dưỡng trong khu vực và thế giới.

Trong tương lai, điều dưỡng sẽ được đào tạo đạt chuẩn khu vực và chuẩn thế giới.
Trong tương lai, điều dưỡng sẽ được đào tạo đạt chuẩn khu vực và chuẩn thế giới.

Theo ThS Nguyễn Bích Lưu, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Giáo viên điều dưỡng Việt Nam, để có những điều dưỡng đạt chuẩn thì phải có chuẩn cơ sở đào tạo, cơ sở thực hành lâm sàng chuẩn; giáo viên giảng dậy điều dưỡng đạt chuẩn;  chương trình đào tạo đạt chuẩn và sinh viên tốt nghiệp cũng phải đạt các chuẩn đầu ra. Còn GS. Genevieve Gray, Trường ĐH Công nghệ Queensland đưa ra 3 yếu tố then chốt để đạt được chuẩn khu vực và chuẩn thế giới trong đào tạo điều dưỡng đó là khung chương trình giảng dạy điều dưỡng phải tập trung vào năng lực và kết quả đầu ra của người tốt nghiệp. Giảng dạy phải lấy sinh viên làm trọng tâm và trên cơ sở sinh viên chủ động học tập chứ không phải là phương pháp lấy giáo viên để làm trọng tâm và vai trò lãnh đạo trong đào tạo điều dưỡng phải do giáo viên điều dưỡng đảm nhiệm.

GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế) nhấn mạnh, Chuẩn năng lực cơ bản Điều dưỡng Việt Nam là bước đầu cho việc phát triển một Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục y khoa mà khởi đầu là giáo dục điều dưỡng. Vụ Khoa học và Đào tạo sẽ trình Lãnh đạo hai Bộ, Y tế và Giáo dục Đào tạo để xây dựng Chuẩn giáo dục điều dưỡng Việt Nam. Bộ Y tế sẽ thành lập Ban soạn thảo Chuẩn giáo dục điều dưỡng gồm đại diện các Vụ, Cục liên quan của Bộ Y tế, đại diện hội nghề nghiệp, đại diện một số trường đào tạo điều dưỡng và một số bệnh viện, cơ sở thực hành.

Theo thống kê của Bộ Y tế, điều dưỡng chiếm gần 40% nhân lực y tế. Trước đây, điều dưỡng chủ yếu được đào tạo trình độ trung cấp và sơ cấp, sau đó là trình độ cao đẳng. Từ năm 1994, Điều dưỡng Việt Nam bắt đầu đào tạo chính quy ở trình độ đại học (4 năm) tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội và Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, nước ta có 29 trường đại học, 37 trường cao đẳng và trên 40 trường trung học y tế đang đào tạo điều dưỡng. Tuy nhiên, ngành điều dưỡng đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức như thiếu giáo viên,  thiếu chuyên gia đầu ngành về điều dưỡng. Có tới 70% đội ngũ  giáo viên giảng dạy điều dưỡng không được đào tạo chuyên về điều dưỡng. Khoa học điều dưỡng chưa phát triển kịp với những tiến bộ của thế giới, trong khi đây là một ngành khoa học riêng biệt đã phát triển mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới. Người điều dưỡng chưa được đào tạo để thực hiện chức năng chính là chăm sóc người bệnh; nguồn nhân lực mất cân đối về cơ cấu dẫn đến sử dụng chưa phân biệt văn bằng  đào tạo.

K.O (nguồn website Bộ Y tế)
 


Ý kiến bạn đọc