Multimedia Đọc Báo in

Sơn Tùng - Nhà văn của những trang viết về Bác Hồ

12:50, 25/08/2013

Tôi đã từng đọc một cách thích thú tác phẩm "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng (xuất bản năm 1982) từ khoảng hai mươi năm về trước.

Phải nói lúc đó, nhờ tác phẩm này mà tôi như tiếp thêm ngọn lửa, say mê hơn trong việc đọc văn, viết báo và sáng tác văn học. Sau này, nhiều tác phẩm viết về đề tài Bác Hồ của ông cũng được đông đảo bạn đọc đón nhận như: Bông sen vàng (1990), Ánh sáng tâm đăng Hồ Chí Minh (2004), Bác ở nơi đây (2005)… Có thể nói, các tác phẩm viết về Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng đã có sức lay động mạnh mẽ, góp phần khẳng định tư tưởng, tầm vóc của Người trong lòng dân tộc và bạn bè khắp năm châu bốn biển.

  Ảnh bìa tác phẩm
Ảnh bìa tác phẩm "Búp sen xanh".

Chính từ sự kính yêu vô hạn đối với Bác, nhà văn Sơn Tùng đã từng lặn lội khắp nơi, từ miền xuôi đến miền ngược, thậm chí đến tận những buôn làng và hải đảo xa xôi để có những trang tư liệu hết sức quý hiếm. Điều ấy thật quan trọng đối với một người cầm bút, đặc biệt lại là một người cầm bút viết về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc và từ đó ta càng thấy quý giá hơn mỗi khi đọc những trang văn đầy xúc cảm của nhà văn Sơn Tùng về Bác. Tác giả Búp sen xanh có khả năng bao quát rộng lớn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, nhờ đó nhà văn đã dựng nên hình tượng nghệ thuật Hồ Chí Minh thành công hiếm thấy xuyên suốt từ thời ấu thơ đến khi trưởng thành và rồi trở thành lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, một nhà văn hóa lớn của nhân loại…

Được viết bằng một tài năng văn chương thực sự, với khối lượng tư liệu luôn mới mẻ, sinh động, khả năng truyền ngọn lửa yêu thương và kính trọng đối với Bác Hồ, những trang viết của nhà văn Sơn Tùng giúp người đọc càng hiểu sâu sắc hơn chân dung Hồ Chí Minh: bình thường mà vĩ đại, cao cả mà gần gũi, đặc biệt là một tấm lòng yêu nước thiết tha, lòng nhân ái bao la với tất cả mọi người. Cả cuộc đời Bác hiến dâng cho cách mạng, cho núi sông này, không một chút riêng tư, hối tiếc. Trong giai đoạn cả nước ta tiếp tục ra sức “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hiện nay, những trang văn của nhà văn Sơn Tùng viết về Bác càng khơi gợi thêm cho thế hệ trẻ lòng yêu nước thiết tha, niềm kính yêu vô cùng với Bác.

Nhà văn Sơn Tùng sinh năm 1928 tại làng quê nghèo Hoa Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An). Ông tham gia cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp khi còn rất trẻ. Hòa bình lập lại trên miền Bắc, năm 1955, nhà văn Sơn Tùng đã là đại biểu được bầu tham dự Đại hội Thanh niên sinh viên thế giới tại Ba Lan. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà văn bị thương rất nặng ở não phải chuyển ra miền Bắc điều trị từ năm 1971. Suốt một thời gian dài bị vết thương hành hạ, nhà văn Sơn Tùng vẫn không ngừng vươn lên để viết và cống hiến bằng những trang văn thấm đẫm tình người, tình đời…

Với những đóng góp của nhà văn Sơn Tùng đối với đất nước, nhất là những trang văn viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách chân thành, xúc động, góp một tiếng nói riêng trong hành trình xây dựng hình tượng nghệ thuật Bác Hồ, nhà văn đã nhận được phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng: Anh hùng Lao động vào năm 2011. Đó là một phần thưởng xứng đáng cho một con người trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đồng thời là một trong những nhà văn viết về Bác Hồ hay nhất của nền văn học hiện đại Việt Nam.

Mỹ Nga


Ý kiến bạn đọc