Multimedia Đọc Báo in

Người giữ “hồn” cho tiếng chiêng vang mãi

05:19, 10/12/2012

Góp phần vào việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, để tiếng cồng, chiêng vang vọng truyền từ đời này sang đời khác, ông Y Dhơn Byă (A Ma Chạ), người dân tộc Êđê ở buôn Băng Cung, xã Ea Trul (huyện Krông Bông) đã và đang tận tình chỉ bảo những kỹ năng đánh cồng, chiêng cho lớp trẻ.

Nghệ nhân Y Dhơn Byă đang truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân Y Dhơn Byă đang truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ.

Suốt cuộc đời gắn bó với buôn làng, được đắm mình trong các lễ hội văn hóa truyền thống, lắng nghe âm vang các bài chiêng cổ nên văn hóa truyền thống, nhất là cồng chiêng đã ăn sâu vào tâm khảm của nghệ nhân Y Dhơn. Mỗi lần buôn làng có lễ đặt tên, lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới... được nghe những nhịp chiêng, lời ca, được xem những điệu múa ông đều mải mê đứng xem. Càng nghe ông càng bị cuốn hút, càng yêu quý cồng chiêng, rồi dần dần tập theo và khi 10 tuổi ông đã biết đánh chiêng.

Sau này, nhìn lớp trẻ ở các buôn làng không còn yêu thích cồng chiêng nữa và ngay cả một số người trung niên cũng chối bỏ cồng chiêng; vì vậy ông luôn trăn trở làm thế nào để khôi phục, gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng. Từ năm 2007, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Bông đã tiến hành mở các lớp đánh chiêng, truyền dạy dân ca, dân vũ cho các em thanh thiếu niên tại nhà văn hóa cộng đồng các buôn. Y Dhơn đã phối hợp thực hiện truyền dạy đánh chiêng, dạy dân ca, dân vũ cho thanh thiếu niên trong buôn. Đến nay trên địa bàn huyện Krông Bông, ông cùng với các nghệ nhân khác đã truyền thụ được 25 lớp đánh chiêng, 5 lớp dân ca, dân vũ  với khoảng 200 em thiếu nhi. Y Dhơn tâm sự: “Dạy cho bọn trẻ biết đánh chiêng thành thạo không phải là điều đơn giản, bởi trước hết phải khơi dậy được niềm say mê đánh chiêng cho các em. Lúc đầu chỉ có vài em theo học đánh chiêng, nhưng sau đó, cùng với sự say mê, thích thú và sự khích lệ của người già trong buôn, các em thiếu nhi tham gia ngày càng đông...”.

Nhiều năm qua, ông Y Dhơn đã tích cực vận động con, cháu dòng họ và bà con trong buôn lưu giữ, bảo tồn cồng chiêng, bởi đó là phần “hồn” của buôn làng, là báu vật của cha ông để lại. Ông lo ngại trước sự du nhập của nhiều dòng văn hóa, những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông có nguy cơ bị mai một. Do vậy ông luôn tích cực hướng dẫn, động viên các em thiếu niên tham gia tập đánh cồng, chiêng và được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Hiện nay Ea Trul là xã có số đội chiêng trẻ nhiều nhất so với các xã đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện; bình quân mỗi buôn có 1 đội chiêng trẻ, hầu hết các đội chiêng này đều biểu diễn rất điêu luyện, điển hình là đội chiêng trẻ buôn Băng Cung đã nhiều lần được tặng Huy chương vàng tại các đợt Liên hoan Cồng chiêng do tỉnh tổ chức.

Thanh Hòa


Ý kiến bạn đọc