Multimedia Đọc Báo in

Trở về xứ Lạng

14:37, 08/12/2012

Thuở tạm biệt đám bạn nhỏ da nâu tóc xoăn của trường học sinh dân tộc miền Nam sơ tán ở huyện Tràng Định (Lạng Sơn), về làm học trò lớp diễn viên trẻ của Đoàn Ca múa Tây Nguyên (theo ý nguyện của cha), tôi mới vừa vào tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. Những đêm đầu tiên trong đời xa gia đình quen thuộc, không chỉ thương ba vất vả với bao nhiêu công việc trên vùng sơ tán, nhớ hai đứa em gái thơ dại mỗi ngày dắt dìu nhau vượt 3km bờ ruộng, đường rừng sống trâu khấp khểnh, đi học mẫu giáo và lớp 1 sơ tán trong rừng, mà còn nhớ  những ngày đội văn nghệ theo phục vụ các nhóm khai thác gỗ làm nhà giữa rừng xa… Lạng Sơn, nơi đùm bọc, chở che những đứa con Tây Nguyên trốn tránh bom đạn Mỹ, bỗng gần và thân thương như thể quê hương.

CLB Hát Then phường Đông Kinh, TP. Lạng Sơn
CLB Hát then phường Đông Kinh, TP. Lạng Sơn.

Tôi còn trở lại Lạng Sơn vài ba lần nữa, khi thì cùng Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam họp tại cơ sở, khi cùng bạn bè Hội Văn học - Nghệ thuật Dak Lak du ký. Mỗi một lần lại thấy thị xã rồi thành phố vùng biên ải thay dần những tấm áo mới, mỗi năm một lộng lẫy hơn. Năm nay trở về xứ Lạng trong chuyến đi của Hội Văn học - Nghệ thuật Dak Lak, lại có biết bao điều mới mẻ xô nghiêng vào tâm trí.

1- Hầu như cả đoàn đều chưa đến Mẫu Sơn, do vậy ai cũng đồng lòng nhất trí phải một lần tắm lá thuốc người Dao cho biết. Thế nên tuy trời đã ngả sang chiều và sương giăng mờ các toà biệt thự vắng, chúng tôi nhón chân qua những hành lang hẹp và xăm xắp nước, lần theo những bờ tường rìn rịn ẩm sương muối, mỗi vị chiếm một phòng, vẫy vùng trong chiếc thùng gỗ với mùi lá thuốc hăng hắc mà hưởng sự sảng khoái sau chuyến đi hơn 1.000 km mệt nhoài. Hết giờ tắm (30phút/lượt/120.000 đồng. Nếu muốn có người tắm cùng cứ việc “móc hầu bao” ra 400.000 đồng, thời gian cũng thế). Chủ đã dặn trước lên phòng khách, lão ông người Dao Đặng Tăng Phúc, người bản Nà Mìu, xã Mẫu Sơn, ở đây cùng con cháu hái lá thuốc làm dịch vụ tắm, mời mỗi người một ly rượu thuốc miễn phí. Khi biết có người đã từng ở Tràng Định cách nay hơn 40 năm, cụ vui hẳn lên, nhắc tên ba tôi liên tục. Đời người miền núi ít biến động, lại vốn chân thành, chất phác như thế. Chuyện đã xa lắc, xa lơ mà vẫn nhớ…

2- Thật sửng sốt khi leo 64 bậc đá, rồi len lỏi lên tít trên đỉnh chùa Tiên và Giếng Tiên (được lập từ thời Hồng Đức 1460-1497) bất ngờ bắt gặp thành phố trải rộng ra tít tắp: lồng lộng tầng tầng mái đỏ giữa màu xanh mênh mang của bầu trời và xanh lá cây ngăn ngắt. Chùa Tiên chỉ là một điểm tham quan, chưa được xếp hạng trong 43 di tích lịch sử của TP. Lạng Sơn, mà đã quyến rũ bao lượt du khách. Tiến sĩ Hoàng An, nguyên Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Lạng Sơn, từng kể  một năm có tới gần 200 lễ hội diễn ra nối tiếp nhau. Có lẽ vậy mà người Lạng Sơn rất biết cách làm du lịch chăng? Chưa tới 5 giờ sáng, gần chục ngôi đền trên đường phố gần nơi chúng tôi ở đã mở cửa, quét tước sạch sẽ, dội vài chậu nước trước thềm cho cả thánh thần lẫn người đi đường được mát mẻ. Những nén nhang sớm thoảng thoang trong sương nhàn nhạt như gọi mời du khách ghé lại kính thiêng.

3- Mọi người lên thăm thành Nhà Mạc và ngắm nàng Tô Thị đã được gá lắp lại bằng xi măng. Tôi đã từng đến, nên ngồi dưới chân núi, thật may lại biết được câu chuyện nỗi oan của hai người đàn ông ngày ấy bị cho là phá đổ hòn Vọng Phu Tô Thị để lấy đá nung vôi. Thầy giáo Trương Hoàng Phương bằng những kiến thức chuyên ngành địa lý đất đá đã khẳng định vết trượt gây nên sự sụp đổ của nàng Tô Thị là do thiên nhiên, chứ không phải tại con người. Một trong hai người bị hàm oan ngày ấy, ông Quyết, bây giờ bán hàng lưu niệm dưới chân núi. Nỗi oan thì đã được giải tỏa, nhưng nỗi đau của người cựu chiến binh trải qua những tháng ngày nằm trong lao tù “của mình” thì cứ đeo đẳng mãi.

4- Vì đường quá xấu, lại thăm thú nhiều nơi nên  lịch trình chuyến đi không đúng như dự kiến, do vậy đến Lạng Sơn thì vừa kết thúc Liên hoan hát Then. Khắp đường phố chỉ còn roi rói, phất phơ những tấm pano, băng rôn, cờ phướn sặc sỡ sắc màu chào mừng, quảng bá cho Liên hoan.

 NSƯT Thủy Tiên, nguyên diễn viên đơn ca, rồi sau là Trưởng Đoàn Nghệ thuật Lạng Sơn là người say đắm dân ca. Chị nghỉ hưu, chuyên đi truyền dạy hát Then. Nhưng vừa xong Liên hoan hát Then nên chị nghỉ mấy ngày đi thăm con,  cháu đang học ở Hà Nội. Biết tôi thích nghe hát, chị cho “đệ tử” đến rước đi gặp một CLB Then tối đó có lịch tập. Quả thật đã được một bữa tròn mắt thán phục bạn: 16 phụ nữ, nhiều tuổi nhất là bà Hoàng Thị Ngôn (69 tuổi), ít nhất là chị Hoàng Thị Hiên (40 tuổi)... Người thì suốt ngày quẩn quanh với bếp núc, người nay đã hết tuổi lao động, vậy mà cứ đều đặn tuần hai tối tụ tập cùng nhau luyện tập. Không ai biết nốt nhạc, nhưng người thì cứ đọc sà sã “rề rề son són sòn đố đồ…”, người thì nhìn vào giấy ghi từng tên nốt, tay cứ bấm đàn Tính và không chỉ hát tốp ca, mà còn hòa tấu cả nhạc không lời nữa mới… siêu! Có cô cháu Mai Anh theo bà ngoại đi tập, mới học lớp 1 mà thuộc hết mấy bài hát Then mới, bà nào hát sai cháu nhắc ngay, các bà cứ gọi đùa là nhóm trưởng. Giọng vang lắm, hy vọng lớn lên con theo được nghề. Nhóm vừa tham gia khai mạc và theo suốt mấy ngày Liên hoan Then, nhưng vì hôm sau là Ngày hội Đại Đoàn kết của phường Đông Kinh nên vẫn tụ họp nhau lại, có chuẩn bị thêm một vài tiết mục khác để trình diễn, nhưng hát Then vẫn là nội dung chính.

Thủy Tiên thì biết nhau từ vài chục năm rồi, đã từng vài năm trường nhạc, hát xướng mấy chục mùa nước sông Kỳ Cùng vơi đầy nữa, nên chị ấy hiểu giá trị của Then là điều đương nhiên. Nhưng Chu Văn Minh, 23 tuổi dạy các bà, các chị hát Then mới là điều lạ. Tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành văn hóa quần chúng ở trường tỉnh, mãi đến năm nay mới vừa được nhận vào làm ở Trung tâm Văn hóa tỉnh vài tháng. Nhưng Minh theo cô Thủy Tiên dạy hát Then và đàn Tính thì đã mấy năm rồi. Nhìn chàng trai học âm nhạc bài bản lên dây đàn Tính, chỉnh sửa cần đàn một cách tận tụy, say mê, thật đáng trân trọng. Minh bảo “Cháu ở với bà ngoại từ bé, bà là nghệ nhân hát Then”. Bà ngoại của Minh đã mấy lần được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam mời xuống Hà Nội giới thiệu Then cổ Tày và cả nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian nữa.

Toàn thành phố Lạng Sơn, nhờ sự nỗ lực của Thủy Tiên và cháu Minh, có chừng gần 15 Câu lạc bộ đàn và hát Then như thế. Đa số chị em từ tuổi trung niên trở lên, một số ít các cháu gái trẻ, đang học trường nghệ thuật của tỉnh cũng theo học… Đêm, rảo trên phố phường Lạng Sơn, nghe tiếng đàn tính tang vọng ra từ các Nhà văn hóa tổ dân phố, không phải là điều thú vị sao? Giá những cây đàn tre nứa Tây Nguyên cũng được truyền dạy như thế nhỉ?

5- Không hẹn mà bất ngờ đoàn Hội Văn nghệ Dak Lak gặp đúng ngày giao lưu của “nhóm G7” các Hội Văn nghệ Việt Bắc. Theo sáng kiến của Tiến sĩ Hoàng Páo, Chủ tịch Hội và cũng là Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, mỗi năm một lần, Hội Văn nghệ 6 tỉnh, thêm Phú Thọ - trung du nữa, thành 7, luân phiên tổ chức gặp mặt. Thế nên bỗng dưng được gặp rất nhiều bạn  Văn, bạn Nhạc, bạn Mỹ thuật…

Mỗi năm một chủ đề. Năm nay Lạng Sơn chủ trì, nội dung chính của hội thảo là “Văn học với đề tài lịch sử”. Điều này thật thú vị, vì có thể  học hỏi nhau được nhiều điều. Các tỉnh đồng bằng Chín Rồng cũng đã làm được việc này, chỉ có Tây Nguyên và miền Trung là chưa. Hy vọng Chủ tịch Hội Dak Lak cùng đi cũng sẽ “động tâm”.

Linh Nga Niê Kdăm


Ý kiến bạn đọc