Multimedia Đọc Báo in

Buôn Tring giữ “nếp xưa” trong cuộc sống hiện đại

09:10, 31/08/2011

Kinh tế phát triển, cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, đời sống tinh thần được nâng cao, thế nhưng người dân buôn Tring (thị xã Buôn Hồ) hiện nay vẫn lưu giữ nhiều nét đẹp truyền thống của dân tộc Êđê. Đó là điệu hát ayray, những ngôi nhà dài, cồng chiêng, dệt thổ cẩm, cúng bến nước, ghế Kpan, trống da trâu… đã và đang trở thành món ăn tinh thần được người dân nêu cao ý thức gìn giữ, phát huy và lưu truyền…

Về buôn Tring hôm nay ai cũng cảm nhận được một sức sống mới với nhiều đổi thay từ đời sống kinh tế đến tinh thần của người dân. Những ngôi nhà xây khang trang bên cạnh những căn nhà dài truyền thống; các con đường trong buôn được nhựa hóa thông thoáng, sạch sẽ khiến ai cũng vui mừng. Buôn Tring có hai dòng họ Mlô và Niê. Già Ama Bích kể, buôn Tring hình thành cách đây gần 100 năm. Trước khi đặt chân đến vùng đất này, người dân trong buôn phải di chuyển nhiều nơi ở, từ phía chân đồi Công ty Cà phê Buôn Hồ, do tranh chấp đồng cỏ chăn nuôi gia súc với các buôn khác nên dân làng kéo nhau đến một vùng đất khác ở xã Ea B’lang. Đến đây, do thường xuyên gặp tai họa thiên nhiên như sét đánh, mất mùa… nên đến cuối thế kỷ XIX, mọi người đến định cư tại vùng đất thuộc xã Ea B’lang (nay thuộc phường An Lạc) cho đến ngày hôm nay. Lúc đó, gia đình ông Ama Djách có thế lực, giàu có và tài giỏi nhất trong buôn nên được dân làng tín nhiệm bầu làm khoa buôn (trưởng buôn), pô lăn (chủ đất) và khoa pin ea (chủ bến nước). Ông là người đã đứng ra sáp nhập 5 buôn nhỏ gần kề nhau thành buôn Tring bây giờ.

Già Ama Bích, người đã phiên âm hàng chục bài sử thi Êđê.
Già Ama Bích, người đã phiên âm hàng chục bài sử thi Êđê.
Ngày nay ở buôn Tring, nhiều nhà đã có cuộc sống ấm no, đầy đủ tiện nghi, nhưng không vì thế mà họ quên đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Dù đã có nước giếng (đào hoặc khoan), thậm chí nước máy, nhưng tục cúng bến nước vẫn được coi trọng như một nghi lễ thiêng liêng trong cộng đồng. Vào ngày tổ chức lễ cúng bến nước, mọi người trong buôn ai cũng vui mừng, phấn khởi; họ tập trung làm vệ sinh đường làng, khu vực bến nước và xung quanh nhà mình. Cũng vì thế mà tình làng nghĩa xóm luôn được thắt chặt và ý thức gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc luôn được thế hệ trẻ đề cao, lưu giữ. Già Ama D’rông, chủ bến nước (thế hệ thứ 5) chia sẻ: “Lễ cúng bến nước tổ chức vào mùa xuân hằng năm, dân làng thường tập trung lại làm thịt heo để cúng, cầu sức khỏe, mùa màng bội thu, thời tiết thuận lợi…”. Ngoài việc duy trì lễ cúng bến nước, buôn Tring còn là địa phương gìn giữ được nghề truyền thống của dân tộc. Trong đó, nghề dệt thổ cẩm đang truyền dạy sâu rộng trong mọi thế hệ của buôn làng. Năm 2003, buôn Tring được chọn để mở lớp đào tạo truyền dạy nghề dệt thổ cẩm theo chủ trương bảo tồn văn hóa truyền thống của Nhà nước. Bà H’Lil M’lô là người đứng ra truyền dạy nghề cho các học viên. Từ đó đến nay, nhiều người dân trong buôn kể cả nam lẫn nữ đều có thể dệt thổ cẩm một cách thành thạo. Hiện nay, Hợp tác xã dệt thổ cẩm của buôn có khoảng 40 người thạo nghề đang cùng bà H’Lil M’lô duy trì, phát triển nghề dệt. Không chỉ có thế, nghề mây tre đan cũng được người dân buôn Tring duy trì từ bao đời nay. Mỗi khi rảnh rỗi, họ lại ngồi đan những chiếc gùi và vật dụng sinh hoạt hằng ngày phục vụ trong gia đình, đây cũng là một cách để người dân giữ gìn nghề truyền thống của thế hệ cha ông.

Để khôi phục và giữ gìn văn hóa cồng chiêng, các nghệ nhân của buôn vẫn duy trì đội chiêng già gồm 12 người biểu diễn trong những dịp giao lưu với các đoàn khách đến thăm và mỗi dịp lễ, tết của buôn, làng. Ngoài ra, các nghệ nhân đã mở 2 lớp dạy đánh chiêng tre và chiêng đồng cho thanh thiếu niên. Vào buổi tối cuối tuần, Nhà sinh hoạt cộng đồng buôn lại rộn ràng tiếng chiêng, tiếng cười nói của con trẻ. Bên cạnh phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, một nét đẹp trong đời sống sinh hoạt gây ấn tượng đối với mọi người khi đến buôn Tring đó là những căn phòng tắm, phòng vệ sinh công cộng phục vụ người đi đường mỗi khi họ có nhu cầu tế nhị. Điều đặc biệt ở đây là mặc dù những hộ dân đã bỏ ra 4-5 triệu đồng để xây dựng các công trình này, nhưng họ không hề thu tiền lệ phí của những người sử dụng. Từ đây có thể nói, người dân buôn Tring luôn có tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng rất cao.

Giờ đây, buôn Tring là địa phương rất “giàu có”, đó không chỉ là giàu về kinh tế mà giàu cả tinh thần, bởi trong buôn có nhạc công Ama Jíp tài hoa, chơi được tất cả các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình; một Ama Bích, ngoài việc đánh chiêng, dệt thổ cẩm, hát ayray... còn có thể phiên âm được hàng chục bài sử thi Êđê; một Amí H’Lil dệt thổ cẩm thành thạo và sắc sảo… Mỗi lần giao lưu với các đoàn khách du lịch, tham quan, các nghệ nhân văn hóa nghệ thuật truyền thống của buôn đã trình diễn hát, múa, uống rượu cần, đánh cồng chiêng... Từ những món ăn tinh thần ấy, bản sắc văn hóa của buôn càng được tô đậm và thể hiện ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc của người dân nơi đây.

Thúy Hồng

Ý kiến bạn đọc