Multimedia Đọc Báo in

Trầm cảm sau sinh: Cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời

18:17, 10/06/2017

Sụt cân nhanh chóng, nói năng hoang tưởng, luôn trong trạng thái thất thần và đặc biệt không kiểm soát được suy nghĩ, hành động của mình là những triệu chứng của bệnh trầm cảm sau sinh.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh trầm cảm sau sinh rất khó điều trị, thậm chí người bệnh sẽ có những biểu hiện loạn thần, có hành vi gây hại cho sức khỏe bản thân hoặc những người xung quanh.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé, Trưởng Khoa nữ điều trị nữ cấp và bán cấp, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 10 trường hợp bị trầm cảm, trong đó, có 5 trường hợp trầm cảm sau sinh. Đa phần các trường hợp này đều sinh con đầu lòng và có tuổi đời rất trẻ (từ 16 đến 20 tuổi). Bệnh này khá phổ biến ở các sản phụ, biểu hiện của bệnh là sau sinh xuất hiện tình trạng buồn chán, lo lắng, mệt mỏi và mất ngủ kéo dài, dễ dẫn đến suy nhược cơ thể, lâu dần khiến người bệnh bị trầm cảm.

Đơn cử như trường hợp của chị H’Yali (17 tuổi, ở buôn Gier, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) phải vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh để điều trị chứng bệnh trầm cảm sau sinh sau khi đứa con đầu lòng chào đời chưa được bao lâu. Theo người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện điều trị, chị H’Yali Niê thường có những triệu chứng nói nhảm, khóc cười vô cớ, có lúc lại sợ hãi người khác bắt con mình đi, cân nặng thì giảm sút nhanh chóng (từ 56 kg sau sinh giảm xuống còn 45 kg chỉ sau 1 tháng). Tương tự, gần một tháng sau khi sinh con đầu lòng, chị Đặng Thị Huệ (23 tuổi, ở thôn 5, xã Ea Siên, TX. Buôn Hồ) , trở nên ngại giao tiếp với mọi người, tính khí thất thường, hay cáu gắt, dễ giận hờn, thậm chí còn có ý định tự tử. Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, chị Huệ được chẩn đoán mắc trầm cảm sau sinh, nguyên nhân là do người bệnh hay lo âu và có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc.

Điều trị cho bệnh nhân bị trầm cảm tại Bệnh viện  Tâm thần tỉnh.
Điều trị cho bệnh nhân bị trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm sau sinh, tuy nhiên những nguyên nhân thường thấy nhất là sau sinh, các bà mẹ phải trải qua sự biến đổi đột ngột về cơ thể, như: thay đổi nội tiết tố, suy giảm nồng độ hooc-môn, áp lực sinh con theo giới tính, hoặc những sản phụ lần đầu làm mẹ khó tránh khỏi cảm giác lo lắng, cảm thấy khó khăn trong chăm sóc con, thay đổi thói quen sống một cách đột ngột, hay thức khuya, dậy sớm, ngủ không đủ giấc… Ngoài ra, nếu sản phụ sống trong một gia đình có nhiều mâu thuẫn, thiếu sự quan tâm, chia sẻ của những người thân hoặc người chồng trong việc chăm sóc con cái cũng có thể làm gia tăng cảm giác chán nản và dễ có lối suy nghĩ tiêu cực.

Bệnh trầm cảm sau sinh có nhiều mức độ mắc bệnh, ở thể nhẹ, sản phụ hay cáu kỉnh, lo lắng, dễ thay đổi cảm xúc một cách thoáng qua. Ở mức độ nặng hơn, sản phụ có biểu hiện mất sinh lực, mệt mỏi kéo dài, mất ngủ, chán ăn, giảm cân hoặc tăng cân quá mức, gây khó khăn trong việc chăm sóc bé, thậm chí bị rối loạn tâm thần, khi đó người bị trầm cảm không kiểm soát được suy nghĩ, hành động của mình, không hề nhận ra mình đang bị trầm cảm nên họ thực hiện các hành vi một cách vô thức, không biết mình đang làm những gì, làm điều đó có đúng hay không. Chính vì vậy, nhiều trường hợp bị trầm cảm ở thể nặng có những hành vi gây hại cho chính bản thân, gia đình hoặc có thể giết hại chính đứa con của mình.

Để phòng tránh bệnh trầm cảm sau sinh, trước và trong khi mang thai, thai phụ cần trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ sơ sinh cũng như chăm sóc sau sinh để làm mẹ một cách chủ động, không bỡ ngỡ sau khi sinh con. Sau sinh, sản phụ cần giữ tâm trạng thoải mái, ổn định, nên suy nghĩ tích cực, lạc quan, không nghiêm trọng và bi kịch hóa vấn đề, đặc biệt tránh những tác động mạnh về tâm lý, phải có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, hoạt động hợp lý. 

Trầm cảm sau sinh là căn bệnh rất nguy hiểm, nhưng theo bác sĩ Bé thì hiện nay rất ít người biết đến căn bệnh này, thậm chí một số người còn cho rằng bệnh nhân bị “ma nhập” nên thường mời thầy về cúng đuổi tà ma, hoặc cũng có nhiều trường hợp tự sắc các loại thuốc nam uống, đến khi bệnh quá nặng mới đưa đến bệnh viện điều trị khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn, việc điều trị càng khó khăn. Nhiều trường hợp lại không kiên trì trong việc điều trị, đến bệnh viện được một, hai tuần thấy bệnh không khả quan thì tự ý đưa bệnh nhân về nhà trong khi thời gian phát huy tác dụng thuốc điều trị bệnh trầm cảm là từ ba tuần trở lên.

Bác sĩ Bé khuyến cáo, nếu thấy sản phụ sau sinh có biểu hiện buồn rầu, chán nản nên đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để có chẩn đoán, điều trị kịp thời, đồng thời điều trị bệnh trầm cảm cần phải kiên trì, bệnh nhân phải được tuân thủ phác đồ điều trị của các y, bác sĩ một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, gia đình, người thân, đặc biệt là người chồng cần gần gũi, quan tâm, chăm sóc, chia sẻ và thấu hiểu người bệnh, luôn tạo ra bầu không khí vui vẻ, chan hòa để người bệnh không cảm thấy cô đơn, buồn tủi. 

 

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc