Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống bệnh ung thư: Dự phòng và phát hiện sớm ung thư vú

14:47, 14/05/2013

Theo tổ chức Y tế thế giới, ung thư vú là một trong những bệnh thường gặp nhất trong các ung thư, như: ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, họng mũi và cổ tử cung. Các hóa chất trong môi trường, phóng xạ, virút, rối loạn miễn dịch hay đột biến di truyền… là những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư. Tuy nhiên, có thể dự phòng bệnh ung thư vú bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý, kiểm tra sức khỏe định kỳ….

Phần lớn bệnh nhân ung thư vú khi nhập viện tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều ở trong giai đoạn muộn như: khối u đã lớn hoặc đã có biểu hiện di căn, di căn xa, do đó các  phương pháp can thiệp điều trị không đạt kết quả như mong muốn. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đăng Giáp, Trưởng khoa Ung bướu, cho biết: Những phụ nữ có tiền sử đã mắc ung thư vú 1 bên, gia đình có mẹ hoặc chị em gái bị ung thư vú, người có kinh nguyệt trước 12 tuổi và lần cuối sau 55 tuổi, không có con hoặc sinh con đầu sau 30 tuổi hoặc đã từng dùng thuốc nội tiết, sử dụng thức ăn nhiều mỡ, uống nhiều rượu, béo phì và ít vận động thể chất… thì có khả năng bị ung thư vú cao hơn người bình thường. Do vậy, ngoài việc tự khám vú, phụ nữ từ 30 tuổi trở lên nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám vú định kỳ ít nhất 1 năm/1 lần, chụp X quang tuyến vú để phát hiện bệnh sớm. Ngoài ra, việc thay đổi thói quen sinh hoạt như: không uống rượu, bia, hút thuốc lá, duy trì tập thể dục đều đặn, kiểm soát cân nặng, sinh con đầu lòng trước 30 tuổi và cho con bú…cũng có thể hạn chế được các nguy cơ mắc ung thư vú.

Để phát hiện sớm ung thư vú, theo tài liệu của Dự án “Tăng cường bằng chứng cho truyền thông phòng, chống ung thư tại Việt Nam” của tổ chức HealthBridge Canada do Atlantic Philanthropies tài trợ, mỗi người có thể tự khám vú cho mình sau khi sạch kinh với các tư thế đứng hoặc tư thế nằm. Ở tư thế đứng cần lưu ý: nên cởi áo và đứng trước gương, xuôi tay và quan sát qua gương để nhận biết thay đổi ở vú như u cục, lõm da, da sần sùi hoặc thay đổi màu sắc; đưa tay ra sau gáy, sau đó quan sát lại; chống tay lên hông làm cử động cơ ngực lên xuống nhằm làm rõ hơn nếu có các thay đổi ở vú. Sau đó, nặn nhẹ đầu vú xem có dịch chảy ra hay không; đưa tay phải ra sau gáy, dùng 4 ngón tay trái đặt sát vào nhau thành một mặt phẳng, ép đều đặn lên các vùng khác nhau của tuyến vú vào thành ngực theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú ra phía ngoài, kiểm tra từng vùng của vú cả về phía hố nách. Và làm tương tự với vú bên trái. Đối với tư thế nằm, nên nằm ngửa thoải mái và đặt một gối mỏng ở lưng bên khám và lặp lại quá trình khám vú như ở tư thế đứng. Sau đó chuyển gối và làm lại các bước để kiểm tra vú còn lại.

 Khi phát hiện có khối u ở ngực nhưng không đau, thay đổi kích thước hoặc hình thù của tuyến vú, núm vú bị rỉ máu, tiết dịch bất thường, da trên vú và núm vú bị dày lên, sần như vỏ cam, đổi màu hoặc bị lõm, nhăn nhúm… thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và chẩn đoán chính xác.

Cũng theo Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đăng Giáp, ung thư vú có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh càng cao, tới 90%.

Yến Ngọc - Hương Xuân


Ý kiến bạn đọc