Multimedia Đọc Báo in

EU sẽ đồng ý tiếp nhận 20.000 người nhập cư mỗi năm

15:16, 17/05/2015
Ủy ban châu Âu mới đây đã quyết định về việc sẽ thực thi một chính sách phân bổ hạn ngạch (quota) về người nhập cư bất hợp pháp vào Liên minh châu Âu. Đây được xem là một bước tiến lớn của Liên minh nhằm giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng nhập cư ở cửa ngõ phía Nam châu Âu. 
 
Theo chính sách mới, mỗi năm châu Âu sẽ đồng ý tiếp nhận 20.000 người nhập cư vào các quốc gia thành viên của mình. Số người nhập cư này sẽ được chọn dựa trên các tiêu chí của Liên hiệp quốc để bảo đảm đó thực sự là những người cần một bến đỗ mới để tiếp tục sinh sống. Con số 20.000 người này tiếp đến sẽ được phân bổ về từng quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, dựa trên các phân loại về GDP, diện tích, dân số và tỷ lệ thất nghiệp ở mỗi quốc gia. 
Con tàu này chứa tới 369 người châu Phi muốn nhập cư vào châu Âu (ảnh: The Guardian)
Con tàu này chứa tới 369 người châu Phi muốn nhập cư vào châu Âu (ảnh: The Guardian)

Đây được coi là một “chính sách đoàn kết” mà EU thể hiện nhằm chia sẻ gánh nặng với các nước phía Nam đang bị quá sức trong việc tiếp nhận người nhập cư như Italy hay Hy Lạp và cũng bảo đảm rằng mỗi thành viên EU sẽ gánh vác một nhiệm vụ tương xứng với tiềm lực của mình. Một nước lớn, ví dụ như Pháp, sẽ tiếp nhận khoảng 2.375 người nhập cư một năm, trong khi các thành viên nhỏ hơn như Bỉ, Hà Lan hay Luxembourg… sẽ tiếp nhận ít hơn.

Dù vẫn nhận phải một số chỉ trích về cách phân bổ hạn ngạch nhưng những bước đi này cho thấy, đã đến lúc Liên minh châu Âu phải thật sự hành động để chấm dứt những thảm kịch nhập cư đang diễn ra trong thời gian qua tại Địa Trung Hải.
 
Trong một thông tin liên quan, theo hãng tin AGI, ngày 16-5, đã có 617 người nhập cư gốc Bắc Phi được các tàu Hải quân Italy đưa đến cảng Reggio Calabria, miền Nam Italy. Những người này được các lực lượng Hải quân và bảo vệ bờ biển Italy cứu trong đêm 15-5, sau khi phát hiện những con tàu xuất phát từ các cảng ở Libya đang lênh đênh trên biển Địa Trung Hải. 
 
Các nguồn tin Hải quân Italy nói rằng trong số những người này có 191 trẻ em và nhiều người trên tàu đang trong tình trạng kiệt sức sau nhiều ngày trên biển.
 
Trong thời gian qua, dòng người nhập cư trái phép qua đường biển tiếp tục đổ về Italy.  Trước đó, trong ngày 5-5, các lực lượng chức năng đã cứu gần 1.000 người nhập cư trái phép trên đường vượt biển hướng về Italy, nâng tổng số người nhập cư được cứu trong vòng 4 ngày trước đó lên hơn 5.000 người. 
 
Hải quân Italy và các lực lượng cứu hộ của Liên minh châu Âu (EU) đã cứu được 646 người trên 2 chiếc tàu ở ngoài khơi đảo Sicily, Italy. Một tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Iceland trong chiến dịch Triton cũng đã cứu được 328 người, chủ yếu là người Libya, Sudan và Eritrea, và đưa họ đến cảng Messina trên đảo Sicily. Những người này trong tình trạng đói lả, kiệt sức do hết lương thực dự trữ và cho biết họ đã lênh đênh trên biển suốt 12 ngày. Cảnh sát đã bắt giữ hai người gốc Tunisia trên đảo Sicily với cáo buộc tham gia tổ chức đưa người di cư vượt biển sang Italy.  
Những người di cư sau khi được hải quân Italy cứu và đưa về cảng Sicily. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Những người di cư sau khi được hải quân Italy cứu và đưa về cảng Sicily. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo chí Italy cho rằng thời tiết tốt và biển lặng trong giai đoạn này là điều kiện thuận lợi để những người Bắc Phi chạy trốn các cuộc xung đột và bất ổn chính trị ồ ạt sang châu Âu bằng đường biển. Kể từ đầu năm đến nay, Italy đã tiếp nhận gần 40.000 người nhập cư trái phép bằng đường biển. 

Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni dự báo năm 2015 có thể sẽ là năm mà Italy phải tiếp nhận số người nhập cư chưa từng có, khoảng 250.000 người. Năm ngoái, Italy đã đón 177.000 người. Tình trạng này cũng đang tạo nên sức ép rất lớn cho Italy. Bộ Nội vụ Italy đã đề nghị tất cả các tỉnh của nước này mỗi tỉnh tiếp nhận 80 người nhập cư. Tuy nhiên, đề nghị này bị rất nhiều chính quyền địa phương phản đối. Theo Bộ Nội vụ Italy, cần phải có ngay ít nhất 8.500 chỗ ngủ cho người nhập cư mới đến, trước khi phân loại và quyết định cho phép họ ở lại Italy theo dạng tị nạn, được chuyển đến các nước khác ở châu Âu hoặc bị trục xuất về nước. 
 
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc