Multimedia Đọc Báo in

Nan giải xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội - Kỳ II

09:06, 07/10/2016

Kỳ II: Những “khoảng trống” chính sách

Theo thông tin từ BHXH tỉnh, bên cạnh những DN làm ăn thua lỗ, không ít doanh nghiệp có điều kiện vẫn không chịu đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đúng hạn theo quy định. Nguyên nhân là do cơ chế quản lý, cơ sở pháp lý còn chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở cho DN chây ỳ, trục lợi tiền BHXH của người lao động.

Gian nan… đòi nợ

Thời gian qua, BHXH tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH. Cụ thể, hằng tháng công khai tình hình nợ của các DN trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện việc thông báo gửi nợ, tính lãi (15 ngày/lần) đến các DN; chia sẻ thông tin và cung cấp danh sách những đơn vị nợ đọng cho Cục Thuế tỉnh để phối hợp đôn đốc, thu hồi.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp và đẩy mạnh công tác đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các quy định pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; trực tiếp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN, tư vấn cho người lao động ở các DN những cách thức đòi quyền lợi. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của DN để cùng tháo gỡ khó khăn đối với vấn đề nợ đọng nói trên. Mặc dù vậy, việc thu hồi nợ đọng BHXH vẫn rất khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, theo quy định hiện hành, ngành BHXH chỉ được phép kiểm tra ở một số điểm, khi phát hiện DN sai phạm, phải đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước xử phạt. Nhưng khi cơ quan quản lý vào cuộc lại không thể dùng kiến nghị của ngành BHXH để xử phạt mà phải thanh tra lại từ đầu. Trong khi đó chức năng thanh tra, xử phạt thuộc thẩm quyền của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội mà nhân lực của ngành thì có hạn. Vì vậy, đến thời điểm này, vẫn chưa có DN nào bị xử phạt. Từ đó càng khiến cho việc thu nợ của cơ quan BHXH không đạt được hiệu quả.

“Kẽ hở” pháp lý

Một trong những lý do khiến vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN tồn tại và kéo dài dai dẳng với xu hướng ngày càng phức tạp hơn, đó là chế tài xử phạt đối tượng nợ đọng chưa đủ sức răn đe. Theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 10-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, hành vi chậm đóng BHXH bị phạt đến 75 triệu đồng. Mức phạt này tuy đã tăng lên rất nhiều so với trước đây, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe, nhất là với những DN có số nợ BHXH lớn. Bởi, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều chủ DN cố tình nợ hoặc chây ỳ trong việc trả nợ và sẵn sàng chấp nhận bị phạt để chiếm dụng quỹ BHXH, BHYT của người lao động làm vốn kinh doanh thay vì phải đi vay ngân hàng.

Cán bộ BHXH thành phố Buôn Ma Thuột kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN  tại Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Thái Vinh.
Cán bộ BHXH thành phố Buôn Ma Thuột kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN tại Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Thái Vinh.

Cùng với đó, sau khi Luật BHXH có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2016), ngày 14-4-2016, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Công văn số 105 về việc hướng dẫn thi hành Luật BHXH gửi Tòa án nhân dân các cấp. Theo đó, Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động. Quy định này vô tình tạo thêm sức ỳ cho DN, nhất là những DN cố tình chây ỳ, trốn đóng, vì dù có nợ kéo dài đến đâu cũng không bị khởi kiện. Trong khi các tội danh liên quan đến thuế đã có khung xử lý, kể cả xử lý hình sự nên DN chấp hành việc nộp thuế khá đầy đủ, kịp thời.

Ngoài ra, việc người lao động (NLĐ) lo sợ mất việc làm, không dám đấu tranh với chủ doanh nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các DN kéo dài. Theo một cán bộ phòng Quản lý thu, BHXH thành phố Buôn Ma Thuột thì khi người lao động phát hiện chưa được DN đóng BHXH, BHYT, BHTN, cần có ý kiến với tổ chức công đoàn của đơn vị để họ biết và thông báo với chủ sử dụng lao động, nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Mặt khác, NLĐ còn có quyền đề nghị DN bồi thường hoàn toàn chi phí khám chữa bệnh nếu bị ốm đau, bệnh tật trong thời gian không được cấp thẻ BHYT. Trong trường hợp quyền lợi không được đảm bảo, người lao động hoàn toàn có thể khởi kiện người sử dụng lao động. Thế nhưng trên thực tế, tại địa bàn tỉnh chưa có tiền lệ người lao động đứng ra khởi kiện người sử dụng lao động vì nợ BHXH, BHYT, BHTN mặc dù thực trạng này ở các DN vẫn diễn ra phổ biến.

Có thể thấy, các DN luôn bào chữa việc dây dưa kéo dài nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN bằng nhiều lý do, nhưng rõ ràng quyền lợi chính đáng của người lao động đã và đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Hơn bao giờ hết, người lao động rất cần những chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Theo công văn số 105/TANDTC-PC&QLKH về việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội của Tòa án nhân dân Tối cao, những vụ án của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động đã thụ lý trước ngày 1-1-2016 mà chưa giải quyết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của Bộ Luật Lao động, Luật BHXH và Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Kim Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc