Multimedia Đọc Báo in

Câu chuyện hoàn lương của nhóm “Ước mơ xanh”

08:58, 25/06/2013

Trong căn nhà nhỏ trên đường Lương Thế Vinh, phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột), một nhóm bạn trẻ với đôi tay khéo léo đang miệt mài cho ra  những chiếc giỏ cắm hoa xinh xắn. Và điều đặc biệt, họ đã từng một thời là “đệ tử” của “nàng tiên nâu”.

Trong số đó, có người đã từng cai nghiện và tái nghiện nhiều lần; thậm chí vì ma túy, họ đã lao vào con đường trộm cắp, tù tội… Nhưng giờ đây, các bạn trẻ đã quyết tâm vượt qua cám dỗ của ma túy, vươn lên làm lại cuộc đời. Đó là câu chuyện của những chàng trai trẻ trong nhóm “Ước mơ xanh”.

Các  bạn trẻ trong nhóm “Ước mơ xanh”  cần mẫn với việc làm  giỏ hoa.  Ảnh:  Tuấn Anh
Các bạn trẻ trong nhóm “Ước mơ xanh” cần mẫn với việc làm giỏ hoa. Ảnh: Tuấn Anh

Sơn Lâm, Đội trưởng của nhóm “Ước mơ xanh” - người đã từng nghiện ma túy lâu năm cũng chính là người dẫn dắt các bạn trẻ trong nhóm trên con đường nỗ lực hoàn lương. Sinh năm 1985 trong một gia đình bố mẹ làm nông; năm lớp 11, thay vì chăm chỉ học hành,  Lâm đã sớm lao vào con đường  ăn chơi, lêu lổng. Để bằng anh bằng em, Lâm học đòi bập bẹ ma túy. Từ hút thử Lâm nghiện ngập lúc nào không hay. Hệ quả tất yếu chàng trai trẻ đã bị đuổi học. Ban đầu, để có tiền hút chích, Lâm  mua “hàng” giùm chúng bạn và họ đã cho Lâm dùng “ké”. Lâu dần, khi cơn nghiện ngày càng tăng, Lâm liều mình cùng một nhóm bạn đi cướp giật tài sản của người đi đường và bị Công an TP. Buôn Ma Thuột bắt giữ, đó là vào tháng 7-2006. Khi hay tin con mình sa vào tù tội vì ma túy, bố mẹ Lâm buồn tủi không dám nhìn mặt bà con họ hàng, làng xóm. Mẹ Lâm  vì thế cũng đã đổ bệnh vì con. Trong tù, cai nghiện được 2 năm, Lâm trở về và chỉ 3 ngày sau cậu đã nghiện lại. Cứ như vậy, cuộc đời Lâm luôn xoay vòng ma túy - cướp giật - tù tội. Mãi đến tháng 8-2010, sau khi ra tù Sơn Lâm nghĩ đến lúc mình phải làm lại cuộc đời.

Còn Bùi Ánh Hồng (sinh năm 1986, trú tại tổ dân phố 12, phường Tân Tiến TP. Buôn Ma Thuột) tuy nhỏ tuổi nhưng nghiện “nàng tiên nâu” không thua gì đàn anh Sơn Lâm.  Sinh ra trong gia đình có 4 anh em, cha mất sớm, mẹ phải tần tảo sớm hôm nuôi anh em Hồng ăn học, không thương mẹ đã đành, Hồng còn theo chúng bạn chơi bời lêu lổng, bỏ học, hút chích ma túy. Hồng thật thà cho biết: Để có tiền “chơi” ma túy, Hồng không chỉ “chôm” tiền, đồ đạc của mẹ đem bán, mà liều lĩnh đi trộm, cướp cùng chúng bạn. “Phê” thuốc, có ngày Hồng nướng vào ma túy hết gần 2 triệu đồng. Thương con, mẹ đã đưa Hồng đi cai nghiện khắp nơi từ TP. Hồ Chí Minh đến Quảng Ngãi, tốn không ít tiền của;  nhưng chỉ ít ngày sau khi về Hồng lại tái nghiện. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần, đến nỗi mẹ đã từ mặt Hồng trong một thời gian dài. Chỉ đến tháng 8-2010, thương mẹ, Hồng quyết đi cai  nghiện tại Trung tâm 05-06 của tỉnh. Sau 6 tháng nỗ lực thoát nghiện, Hồng đã quyết tâm làm lại cuộc đời. May mắn lúc đó, anh đã gặp được những người bạn nghiện cùng chí hướng giống mình như Sơn Lâm, Nguyễn Hùng Anh, Phạm Thanh Kỳ… cùng trú phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột). Từ đó, các bạn trẻ đã quyết tâm rủ bỏ ma túy làm lại từ đầu.

Với sự chỉ dẫn của người cô họ Sơn Lâm, các bạn trẻ đã vay nóng, mở xưởng làm giỏ hoa bán cho các shop trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, con đường lập nghiệp của những thanh niên này cũng gặp không ít trắc trở, gian truân khi họ đã từng một thời dính vào tù tội, ma túy. Nhưng khó khăn lớn nhất của nhóm là làm thế nào để có vốn sản xuất kinh doanh. Rất mừng lúc đó, Đội Thanh niên tình nguyện của phường Tân Tiến đã đến động viên, giúp đỡ các bạn kịp thời. Nhóm “Ước mơ xanh” được thành lập từ đó.

Để giúp nhóm có vốn lập nghiệp, anh Lê Xuân Hùng, Đội phó Đội Tình nguyện phường Tân Tiến cho biết: Đội Tình nguyện phường đã đứng ra bảo lãnh vay vốn Tỉnh đoàn với số tiền 30 triệu đồng. Các bạn đã đầu tư máy móc, trả khoản nợ nhỏ mà nhóm từng vay nóng trước đó để thành lập xưởng. Điều đáng mừng, chỉ sau một thời gian ngắn, xưởng mỹ nghệ sản xuất giỏ hoa của nhóm đã được nhiều người biết đến và đặt mua ngày càng đông. Đến nay, sau gần hai năm vay vốn, nhóm “Ước mơ xanh” đã dành dụm trả được hơn nửa số tiền đã vay.

Bên cạnh làm đồ mỹ nghệ, các thành viên trong nhóm “Ước mơ xanh” còn trích tiền lương làm từ giỏ hoa mua thêm chậu về trồng cây cảnh, mua gà, mua heo về nuôi. Để tiết kiệm chi phí, hằng ngày các thành viên phân công thay nhau sang nhà hàng xóm xin cơm, canh thừa về chăn nuôi. Nhờ cố gắng tiết kiệm, nỗ lực trong lao động, mỗi tháng các thành viên cũng nhận được khoản lương từ 1,5-3 triệu đồng. Tuy chưa phải là nhiều, nhưng đó là những đồng tiền mà họ đã làm ra bằng chính mồ hôi, công sức và nghị lực hoàn lương của mình… Thấy những việc làm của nhóm “Ước mơ xanh”, nhiều bạn trẻ có quá khứ lầm lỡ đã xin gia nhập để tìm lại chính mình. Từ 5 thành viên ban đầu, nhóm “Ước mơ xanh” hiện giờ đã có đến 15 thành viên. Không chỉ nỗ lực hoàn lương, các thành viên trong nhóm còn tham gia các hoạt động tình nguyện, lượm nhặt bơm kim tiêm, vận động tuyên truyền các bạn trẻ từ bỏ con đường ma túy…

Hải Yến


Ý kiến bạn đọc