Multimedia Đọc Báo in

Những chuyển biến tích cực sau 10 năm thực hiện công tác dân tộc ở huyện Lak

09:58, 26/05/2013

Huyện Lak có 10 xã, 1 thị trấn với 124 thôn, buôn, tổ dân phố; trong đó có 91 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, có 14 dân tộc anh em cùng chung sống; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tại chỗ chiếm 63% dân số. Thực hiện Nghị quyết lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về công tác dân tộc, trong 10 năm qua cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể các cấp của huyện Lak đã quán triệt, triển khai chương trình hành động của Huyện ủy đến tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị, từ đó tạo được sự thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong việc triển khai tổ chức thực hiện những nhiệm vụ đề ra. Nhờ chính sách đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện về phát triển kinh tế - xã hội mà những thôn, buôn, đặc biệt là buôn ĐBDTTS đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia như 134, 135, 159, 139… Đời sống xã hội của ĐBDTTS tại chỗ không ngừng được nâng lên, hạ tầng kinh tế, giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, cơ sở khám chữa bệnh, trường học… được cải thiện đáng kể đã và đang mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng.

Ông Y Plu Eung, nông dân sản xuất giỏi  tiêu biểu người  dân tộc thiểu số,  thị trấn Liên Sơn (huyện Lak).
Ông Y Plu Eung, nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu người dân tộc thiểu số, thị trấn Liên Sơn (huyện Lak).

Huyện đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu về văn hóa, xã hội theo chương trình đề ra. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt theo Quyết định 134, Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ được hoàn thành trước kế hoạch, có 80 buôn ĐBDTTS đã được xây dựng nhà văn hóa cộng đồng. Công tác sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, duy trì các lễ hội văn hóa dân gian được quan tâm, góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần, ngăn chặn và đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong nhân dân. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng ĐBDTTS được chú trọng, 100% buôn ĐBDTTS có cán bộ y tế, được trang bị túi thuốc phục vụ việc khám bệnh, sơ cứu ban đầu. Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phát triển kinh tế - xã hội tại các buôn ĐBDTTS được triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở với các hình thức như ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi giống  cây trồng, vật nuôi mới, dạy nghề, xây dựng các mô hình trình diễn… đã mang lại nhiều đổi thay trong đời sống của bà con người ĐBDTTS trên địa bàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 49% vào năm 2005 xuống còn 19% (theo tiêu chí mới là 25,52% vào năm 2010). Tổng kinh phí đầu tư phục vụ công tác giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho ĐBDTTS là 15,6 tỷ đồng; về nhà ở đã làm mới và sửa chữa được 1.336 nhà từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ được 1.189 căn nhà với tổng kinh phí 29 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch đề ra, vượt thời gian quy định 2 năm), giải quyết xong 199,12 ha đất sản xuất cho 562 hộ, 3,68 ha đất ở cho 203 hộ nghèo, đã hỗ trợ cho 1.234 hộ có nhu cầu giải quyết nước sinh hoạt, thực hiện kéo điện sinh hoạt cho 1.822 hộ với tổng kinh phí 4,699 tỷ đồng…

Xác định việc đầu tư thông qua lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình mục tiêu quốc gia khác để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội đối với huyện khó khăn như huyện Lak là việc làm cần thiết, cấp bách nên Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện đầu tư lồng ghép các chương trình, các nguồn vốn một cách linh hoạt, hiệu quả. Trong những năm qua đã triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất bằng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, máy móc, công cụ nông nghiệp… với tổng số vốn hỗ trợ là 3,904 tỷ đồng cho 4 xã đặc biệt khó khăn của huyện. Chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và khuyến công được triển khai rộng khắp trên đại bàn huyện, nhất là với vùng ĐBDTTS, đã triển khai được 345 lớp với hơn 9.200 lượt nông dân tham gia, 39 mô hình, 30 hội thảo có trên 1.290 nông dân tham gia; đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên khuyến nông buôn ĐBDTTS với 77 cộng tác viên. Từ dự án đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng, huyện đã mở được 9 lớp với 585 người được đào tạo và trang bị máy vi tính để thực hiện chương trình tin học hóa nối mạng cho cơ sở; hỗ trợ cho 1.924 học sinh là con em hộ nghèo đi học với 9,637 tỷ đồng; xây dựng được 13 công trình thủy lợi nhỏ phục vụ sản xuất của bà con nhân dân vùng dân tộc thiểu số với tổng vốn đầu tư 31 tỷ đồng.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về công tác dân tộc trên địa bàn huyện Lak đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trên mọi mặt đời sống của bà con nhân dân các dân tộc thiểu số. Nhiều hộ ĐBDTTS đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, củng cố niềm tin và phát triển, ổn định kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng ĐBDTTS.

Xuân Kiên

(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lak)


Ý kiến bạn đọc