Multimedia Đọc Báo in

Hướng mở nào cho phát triển kinh tế rừng?

10:20, 23/02/2016

Những năm gần đây, Đắk Lắk luôn quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng gắn liền phát triển kinh tế lâm nghiệp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có của tỉnh. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại vẫn chưa được như kỳ vọng…

Chưa phát huy thế mạnh nguồn nguyên liệu rừng trồng

Theo kết quả kiểm kê rừng công bố năm 2015, tổng diện tích rừng toàn tỉnh 507.489 ha, trong đó rừng tự nhiên 475.908,64 ha, rừng trồng 31.580,35 ha, đất chưa có rừng 214.506,2 ha; tổng trữ lượng gỗ rừng trên 60,6 triệu m3, trong đó, rừng tự nhiên 58,2 triệu m3, rừng trồng 31.580,35 ha. Tuy nhiên, những năm qua kinh tế rừng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, nguyên nhân là do chưa có nhà máy chế biến lâm sản quy mô lớn, nên nguyên liệu rừng trồng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ tại chỗ, phải xuất bán ra các địa phương khác với giá bấp bênh… Một trong những địa phương có quỹ đất rừng lớn, những năm qua, với việc đẩy mạnh phong trào trồng rừng kinh tế, đến nay huyện M’Đrắk đã  trồng được trên 10.000 ha bạch đàn cao sản, muồng đen, keo lai... Tuy có góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, nhưng kinh tế rừng ở đây vẫn còn bấp bênh bởi thị trường thiếu ổn định, còn gặp nhiều khó khăn về đầu ra; chi phí đầu tư cao. Tương tự, ở huyện Krông Bông, với trên 3.000 ha rừng trồng, đây cũng là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho chế biến gỗ, nhưng trên địa bàn chưa có nhà máy chế biến nào được đầu tư nên gỗ vẫn chủ yếu xuất bán ngoài tỉnh. Ngay như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, để có được đầu ra ổn định, đơn vị này đã liên doanh với một doanh nghiệp ở Khánh Hòa. Tuy giải quyết được khó khăn về thị trường, nhưng lại gặp khó trong vấn đề liên kết trồng rừng với người dân địa phương. Bởi theo tính toán của những người trồng rừng nơi đây, với chu kỳ 5 - 7 năm, bình quân mỗi ha rừng trồng phải đầu tư 15 - 25 triệu đồng tiền giống, với giá bán hiện nay, chỉ thu được khoảng 30-35 triệu đồng, tính ra nguồn lợi mang lại không đáng kể. Hiệu quả kinh tế thấp, đầu ra sản phẩm bấp bênh, chi phí đầu vào tăng cao…  đã làm cho người dân không còn mặn mà với việc đầu tư trồng rừng hoặc liên kết với các đơn vị lâm nghiệp.

Với hệ sinh thái đa dạng, Vườn Quốc gia Yok Đôn đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu khoa học cũng như khách du lịch.
Với hệ sinh thái đa dạng, Vườn Quốc gia Yok Đôn đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu khoa học cũng như khách du lịch.

Trên địa bàn tỉnh, một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nhưng hầu hết công suất nhỏ, chủ yếu là sơ chế, hiệu quả còn thấp, một số doanh nghiệp muốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nhưng do nguồn kinh phí hạn chế nên rất khó thực hiện. Chính vì vậy, ngành lâm nghiệp nên có quy hoạch, định hướng, khuyến khích phát triển mạng lưới chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia trồng rừng, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng.

Khai thác hiệu quả tiềm năng của rừng đặc dụng

Đắk Lắk hiện có trên 230 nghìn ha rừng đặc dụng, trong đó Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn 115.000 ha, VQG Chư Yang Sin 59.531 ha, Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ea Sô 26.484 ha, KBTTN Nam Kar 20.575 ha, Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước (thủy tùng) 120 ha, Khu rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk 10.200 ha. Với diện tích rộng, lại có nhiều sản vật quý hiếm, những khu rừng đặc dụng ở địa phương đang lưu giữ nhiều giá trị quý giá cho quốc gia cũng như trên thế giới.  Do ngân sách đầu tư cho các khu rừng đặc dụng thường được cân đối và phân bổ trực tiếp hàng năm chỉ đáp ứng cho chi phí hoạt động của bộ máy quản lý hoặc công tác xây dựng cơ bản, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) trong bối cảnh sức ép của nạn phá rừng càng ngày càng gia tăng. Do đó, để làm tốt công tác QLBVR, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng đặc dụng cần đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư cũng như khai thác nguồn thu từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020, Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển rừng đặc dụng, trong đó có đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái. Việc ban hành chính sách đầu tư, cơ chế phát triển rừng đặc dụng nhằm tăng hiệu quả đầu tư, bảo đảm giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý các cấp đối với rừng đặc dụng, đồng thời tăng tính chủ động của Ban quản lý rừng đặc dụng trong hoạt động quản lý, kinh doanh các dịch vụ trong rừng đặc dụng để gia tăng nguồn thu trên nguyên tắc bảo tồn kết hợp với phát triển. Tuy nhiên, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho rừng đặc dụng ở tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn.

Tuần tra rừng ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Tuần tra rừng ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

Có diện tích tự nhiên trên 59.000 ha, với 9 kiểu rừng hình thành trên nền khí hậu nhiệt đới gió mùa, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin có nhiều tiềm năng, thế mạnh để thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái như tham quan nghiên cứu, trekking (hình thức du lịch mạo hiểm) chinh phục đỉnh cao nhất 2.442 m, tham quan rừng bằng xe đạp địa hình, leo núi cắm trại, du thuyền độc mộc trên sông Krông Nô và  Krông Bông, tham quan rừng và quan sát động vật hoang dã, du lịch văn hóa – cộng đồng… Năm 2015, Vườn đón khoảng gần 300 lượt khách đến tham quan, du lịch dã ngoại. Tuy có nhiều tuyến, điểm hấp dẫn nhưng để đưa vào khai thác vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức bởi nhu cầu vốn khá lớn, hơn nữa đây là VQG nên yêu cầu bảo tồn cao, không cho phép cải tạo, tác động... và bị ràng buộc nhiều cơ chế. Bên cạnh đó, đội ngũ quản lý và phát triển du lịch của Vườn đang trong quá trình xây dựng nên thiếu về số lượng và hạn chế về kinh nghiệm. Ngoài ra, chưa có chương trình lớn nào quảng bá tiềm năng và phát triển sản phẩm du lịch cũng như chưa tạo được sự liên kết giữa các công ty du lịch lớn… Đây cũng là những khó khăn, trở ngại chung của các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng mà mình đang nắm giữ.

Hiện nay, tỉnh ta đang xây dựng đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tài nguyên rừng. Với việc nhanh chóng triển khai thực hiện đề án này, hy vọng sẽ tạo ra nhiều hướng mở mới cho phát triển kinh tế rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc