Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở Ea Súp: Gian nan hành trình về đích

10:37, 02/02/2015
Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XD NTM), huyện biên giới Ea Súp đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân, bước đầu gặt hái những thành công, tạo đà cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên do điểm xuất phát thấp nên nguồn lực huy động thực hiện các tiêu chí gặp nhiều khó khăn.

Những thành quả bước đầu

Với sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện và Ban chỉ đạo XD NTM của huyện, cùng với việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên Ban chỉ đạo (BCĐ), tổ giúp việc từ huyện xuống xã, đến nay các xã cơ bản đã thực hiện các nội dung của chương trình theo tiến độ đề ra như: thành lập và kiện toàn các BCĐ, Ban Quản lý và Ban Phát triển thôn buôn, xây dựng Nghị quyết chuyên đề về chương trình XD NTM giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, hoàn thành việc lập quy hoạch chung và đề án XD NTM cấp xã, đã được UBND huyện phê duyệt trong năm 2013.

Lễ phát động thi đua “ Toàn dân tham gia XD NTM” được tổ chức khắp 9 xã trên địa bàn huyện đã tạo sự đoàn kết, chung sức XD NTM. Nhiều công trình hạ tầng phục vụ sản xuất được xây dựng như 4 lò giết mổ gia súc tập trung tại xã Ea Lê, Ea Rốc, Ia T’mốt; mua 2 công nông chở rác và xây dựng 2 khu xử lý rác (xã Ea Lê, Ea Rốc); kiên cố hóa các tuyến kênh mương, bê tông, nhựa hóa khoảng 10 km đường giao thông nông thôn… Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, những hộ dân có tuyến đường đi qua đã đóng góp ngày công, hiến đất làm đường giao thông nông thôn với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Người dân Ea Lê đóng góp công sức làm đường giao thông nông thôn.
Người dân Ea Lê đóng góp công sức làm đường giao thông nông thôn.

Xác định nông nghiệp là nền kinh tế chủ lực của địa phương, những năm qua huyện Ea Súp đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để tăng nguồn thu nhập cho người dân. Đồng thời, xây dựng các mô hình điểm trong sản xuất như mô hình trồng lúa nguyên chủng ML48 diện tích 6 ha với 38 hộ nông dân sản xuất trên địa bàn xã Ea Lê, năng suất đạt 6 tấn/ha; mô hình lúa NĐ5 diện tích 9 ha với 78 hộ tham gia trong vụ hè thu 2013; triển khai sản xuất 130 ha giống lúa ML 48 trong vụ hè thu 2014, kết quả năng suất đạt trên 6 tấn/ha…

Cùng với việc phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo nông thôn, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em được nâng cao. Trạm y tế các xã cơ bản đảm bảo công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân, các chương trình phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền giáo dục, sức khỏe, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch được triển khai thường xuyên, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85%.

So với năm 2011, đến nay toàn huyện đã có xã Ea Lê đạt 7/19 tiêu chí XD NTM (tăng 4 tiêu chí), Ea Bung 6/19 tiêu chí (tăng 2 tiêu chí), xã Ea Rốc, Cư M’lan, Ia J’lơi đạt  5/19 tiêu chí (tăng 4 tiêu chí), xã Ia T’mốt đạt 4/19 tiêu chí (tăng 2 tiêu chí), các xã còn lại đạt  3/19 tiêu chí.

Cần tăng đầu tư

Theo kế hoạch, đến năm 2015 huyện phấn đấu nhóm đạt chuẩn: 13 tiêu chí, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung của toàn huyện: 8 tiêu chí/xã, số xã khó khăn trong nhóm đạt 5 tiêu chí. Ông Đặng Phú Bình, Chủ tịch UBND xã Ea Lê cho biết, trong khi các xã điểm của các huyện trên địa bàn tỉnh phần lớn đã về đích thì Ea Lê mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí trong XD NTM. Khó khăn lớn nhất hiện nay là địa phương có dân số đông nhưng phân bố không đồng đều, nhiều thành phần dân tộc định cư, sinh sống, phong tục tập quán đa dạng, tập tục canh tác lạc hậu, chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên đời sống kinh tế rất khó khăn, tình trạng hộ nghèo, cận nghèo cao. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng sản xuất và dân sinh còn hạn chế, cần nhiều vốn đầu tư, trong khi đó nguồn vốn từ chương trình XD NTM phân bổ hằng năm quá thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương và việc huy động vốn góp bằng tiền từ nhân dân gần như không thể thực hiện được.

Theo đánh giá của Phòng NN & PTNT huyện thì thực tế công tác tuyên truyền, vận động của các ngành, đoàn thể ở huyện và cơ sở chưa được thường xuyên, sâu rộng nên hiệu quả chưa cao dẫn đến nhận thức của người dân còn hạn chế, người dân chưa thể hiện là vai trò chủ thể trong việc triển khai thực hiện chương trình. Cán bộ xã, các BCĐ, Ban Quản lý được thành lập nhưng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, vẫn còn tư tưởng ỷ lại trong việc lập báo cáo thực trạng, xây dựng quy hoạch và đề án cho ban Chỉ đạo của huyện và các đơn vị tư vấn. Việc lập báo cáo đánh giá thực trạng chưa được chi tiết, cụ thể đối với từng tiêu chí nên việc lập quy hoạch và đề án thiếu chính xác, cụ thể và chậm, không bảo đảm chất lượng theo yêu cầu đề ra. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm, chưa đáp ứng nhu cầu của các xã, năm 2011 được 2 tỷ đồng, năm 2012 là 925 triệu đồng, năm 2013 không được đầu tư, năm 2014 được 5,9 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng NN & PTNT huyện cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn các xã, lựa chọn những công trình đầu tư quan trọng, phát huy hiệu quả nhanh để các tiêu chí còn lại sớm đạt chuẩn, góp phần thay đổi diện mạo tam nông, nâng cao đời sống của người dân địa phương. Năm 2015, huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh bố trí vốn cho huyện để làm đường GTNT tại các xã theo Nghị quyết 50/2012 của HĐND tỉnh (Nhà nước hỗ trợ vật liệu, ca máy, nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất… với chiều dài 20 - 25 km, lập Dự án giống cây trồng với diện tích 80 - 100 ha; đồng thời, tiếp tục phát động mạnh mẽ trong toàn huyện phong trào thôn buôn, hộ gia đình thi đua XD NTM.

 Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc