Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp nào cho tăng thu ngân sách?

09:22, 15/06/2013

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn, đặc biệt là thu thuế, phí, lệ phí 5 tháng đầu năm đạt rất thấp so với dự toán cũng như kết quả cùng kỳ năm trước. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết đối với ngành thuế là phải nhanh chóng xây dựng và triển khai giải pháp phù hợp để hoàn thành dự toán thu cả năm.

Nguyên nhân thu thuế, phí đạt thấp

Năm 2013, HĐND tỉnh giao dự toán tổng thu NSNN là 4.200 tỷ đồng, trong đó thuế và phí chiếm tỷ trọng lớn nhất - hơn 3.668 tỷ đồng, số còn lại là thu biện pháp tài chính, thuế xuất nhập khẩu. Đến hết tháng 5-2013, thu biện pháp tài chính đã đạt hơn 67% dự toán, thu thuế xuất nhập khẩu hơn 41%, trong khi đó thu thuế và phí mới 33% dự toán. Đánh giá về kết quả thu thuế và phí, Cục Thuế cho rằng đây là lần đầu tiên ngành thuế địa phương thu đạt thấp cả về tiến độ thực hiện dự toán thu lẫn mức tăng trưởng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có tới 12/18 đơn vị có kết quả thu thấp hơn cùng kỳ năm trước, gồm: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện Krông Buk, Krông Pak, Krông Ana, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Năng, Krông Bông, Ea H’leo, M’ Drak, Lak và Cư Kuin.

Cần một biện pháp quản lý thuế phù hợp đối với hoạt động kinh doanh cà phê                                                                                                             (ảnh minh họa
Cần một biện pháp quản lý thuế phù hợp đối với hoạt động kinh doanh cà phê (ảnh minh họa)

Theo Cục Thuế, nguồn thu bị giảm mạnh là do DN ngưng nghỉ, bỏ kinh doanh ngày càng nhiều; thực hiện các chính sách gia hạn, miễn giảm một số loại thuế, tiền thuê đất; đặc biệt là tình trạng cà phê mất mùa, mua bán gian lận xảy ra trên diện rộng. Theo phản ánh của các địa phương chuyên canh cà phê, sản lượng niên vụ 2012-2013 giảm so với niên vụ trước trên dưới 40%, đã làm giảm nguồn thu của địa phương hàng trăm tỷ đồng. Trong khi sản lượng cà phê tụt giảm nghiêm trọng, thị trường mua bán lại hết sức lộn xộn với hàng chục DN mới gia nhập vào thị trường, kinh doanh gian lận, chủ yếu là mua bán hóa đơn GTGT, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Cà phê mất mùa cộng với việc “mua cao, bán thấp” chưa được ngăn chặn kịp thời khiến nhiều DN, hộ kinh doanh cà phê, nông sản làm ăn chân chính trên địa bàn gặp không ít khó khăn, nhất là liên tục mất bạn hàng, thị trường truyền thống. Doanh thu của các DN, hộ kinh doanh chân chính tụt giảm dẫn đến kết quả lập bộ thuế đối với hoạt động kinh doanh cà phê, nông sản của các đơn vị nộp thuế theo phương pháp khấu trừ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, TP. Buôn Ma Thuột giảm gần 70 tỷ đồng, thị xã Buôn Hồ (63 tỷ đồng), Cư M’gar (80 tỷ đồng), Krông Năng (64 tỷ đồng), Ea H’leo (74 tỷ đồng), Krông Buk (48 tỷ đồng)… Ở tỉnh ta, nguồn thu từ khu vực ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng khoảng 55% trong tổng nguồn thu thuế, phí được giao hàng năm và chủ yếu là thu từ kinh doanh cà phê, nông sản. Chính vì thế, khi lĩnh vực này “có vấn đề” thì ngay lập tức ảnh hưởng xấu đến kết quả thu chung. Ngoài ra, việc sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn cũng là một trong những nhân tố quan trọng làm gia tăng nợ đọng thuế. Ngay từ đầu năm 2013, ngành thuế đã đề ra mục tiêu phấn đấu không để nợ đọng tháng sau cao hơn tháng trước, nhưng thực tế diễn ra thì gần như hoàn toàn ngược lại, nợ đọng cứ tăng theo thời gian, chưa có dấu hiệu giảm. Chỉ tính riêng nợ có khả năng thu tại thời điểm cuối tháng 4-2013 đã tăng hơn 110 tỷ đồng so với cuối năm 2012.

Những việc cần làm ngay

Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra cho ngành thuế là phải tập trung lực lượng triển khai thực hiện tốt công tác chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế, nhất là đối với một số lĩnh vực lâu nay còn thất thu, như: dịch vụ ăn uống, kinh doanh nông sản, khai thác tài nguyên, xây dựng cơ bản tư nhân, các khoản thu liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất… Liên quan đến chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh cà phê, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có biện pháp quản lý từ gốc – tại địa bàn xã, phường, thị trấn. Nghĩa là cơ quan thuế phải phối hợp với các ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở tổ chức lực lượng trực tiếp quản lý thu tận gốc bằng cách nắm diện tích sản xuất của từng hộ, sản lượng thu hoạch cà phê từng niên vụ. Cùng với đó, hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia thu mua phải đăng ký đại lý thu mua, tuyệt đối không chấp nhận hình thức cá nhân thu gom. Các đại lý thu mua phải đăng ký điểm thu mua với chính quyền địa phương; lập bảng kê, hóa đơn theo đúng quy định khi thu mua, xuất bán. Đối với các DN trong tỉnh có chi nhánh, điểm thu mua ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, khi vận chuyển cà phê nội bộ phải có phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ. Riêng các DN ngoài tỉnh có mở chi nhánh hoạt động kinh doanh cà phê trong tỉnh phải thực hiện đăng ký địa điểm chi nhánh, điểm thu mua với chính quyền địa phương và cơ quan thuế cấp huyện. Bên cạnh việc triển khai các biện pháp quản lý trên, cần tập trung lực lượng, ưu tiên thanh, kiểm tra đối với các DN hoạt động kinh doanh cà phê; kịp thời xác minh đến cùng, xử lý nghiêm những trường hợp kê khai mua bán qua nhiều trung gian, DN xuất hóa đơn đầu vào đã bỏ trốn hoặc ngừng, nghỉ kinh doanh. Một khi hạt cà phê được quản lý chặt chẽ từ người sản xuất đến từng người mua, bán thì khó có thể xảy ra trường hợp mua một đằng, lấy hóa đơn đầu vào một nẻo như hiện nay. Và như vậy, thất thu thuế sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.

Đi đôi với chống thất thu, việc thu hồi nợ đọng thuế cũng cần được quan tâm hơn, đơn vị quản lý thu phải thường xuyên theo dõi, cập nhật đầy đủ, kịp thời tình hình thực hiện nghĩa vụ của người nộp thuế theo từng ngày; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cá nhân phụ trách và đưa kết quả thực hiện vào để xếp loại thi đua hàng năm.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc