Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế

10:56, 19/06/2011

Mỗi năm, ngoài việc tổ chức tập huấn, đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp, cơ quan thuế các cấp còn tư vấn, trả lời trực tiếp, qua điện thoại, bằng văn bản hàng nghìn vấn đề người nộp thuế (NNT) quan tâm. Song, theo đánh giá chung, công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (TT-HTNNT) vẫn chưa theo kịp yêu cầu, cần cải tiến mạnh hơn…

Cục thuế tỉnh cho biết: trong năm 2010, Phòng TT-HTNNT (Cục thuế tỉnh) đã hỗ trợ tư vấn cho gần 2.400 tổ chức, cá nhân nộp thuế. Cụ thể, hỗ trợ trực tiếp tại cơ quan thuế hơn 1.000 lượt; trả lời bằng văn bản gần 100 lượt; trả lời qua điện thoại hơn 1.200 lượt; phối hợp với các Chi cục thuế huyện, thị xã, thành phố tổ chức hàng chục lớp tập huấn về các chính sách mới, nhất là những vấn đề liên quan đến hóa đơn tự in cho hơn 2.700 NNT. Trong 5 tháng đầu năm 2011 đã thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ qua điện thoại, bằng văn bản, trực tiếp tại cơ quan thuế gần 520 NNT. Ngoài ra, hàng năm, phòng TT-HTNNT còn thực hiện hàng trăm chuyên mục về thuế đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Dak Lak, Trung học chuyên nghiệp tư thục Công nghệ Trường Sơn trang bị cho các học viên chuyên ngành tài chính-kế toán những nội dung cơ bản của pháp luật thuế, chế độ kế toán hiện hành; tập huấn các chính sách mới về thuế cho cán bộ, công nhân viên tại một số doanh nghiệp như Công ty Cao su Dak Lak, Chi nhánh Viettel Dak Lak… Theo nhận xét của đông đảo NNT, công tác TT-HTNNT trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, hình thức tuyên truyền, hỗ trợ (TT-HT) khá đa dạng. Chẳng hạn, đối với những vướng mắc nhỏ như cần giải thích nội dung nào đó của văn bản pháp luật mới ban hành thì NNT có thể gọi điện thoại trực tiếp đến Phòng TT-HTNNT của Cục thuế hoặc Đội TT-HTNNT của các Chi cục thuế tại địa bàn để yêu cầu giải đáp ngay. Đối với những vấn đề lớn hơn, NNT có thể đến trực tiếp hoặc gửi công văn cho cơ quan thuế yêu cầu giải đáp, hướng dẫn thực hiện, nếu chưa thỏa mãn nội dung trả lời của cơ quan thuế, NNT cũng có thể tham dự các buổi đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp do UBND tỉnh, cơ quan thuế các cấp tổ chức định kỳ hàng năm. Bà Vương Thị Hiền, kế toán một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho biết, việc đẩy mạnh công tác TT-HTNNT của ngành thuế trong thời gian qua đã góp phần đáng kể giúp đội ngũ kế toán, nhất là những người chỉ học trung cấp kế toán, như bà tránh được sai sót trong quá trình tác nghiệp. 

Cán bộ Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ kiểm tra, hướng dẫn người nộp thuế ghi sổ sách kế toán tại trụ sở doanh nghiệp.
Cán bộ Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ kiểm tra, hướng dẫn người nộp thuế ghi sổ sách kế toán tại trụ sở doanh nghiệp.
Dù vậy, theo đánh giá của Cục thuế tỉnh, công tác TT-HTNNT mới chỉ nâng cao thêm một bước, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của công tác quản lý thuế. Đáng quan tâm là việc tuyên truyền còn chung chung, vẫn theo lối “truyền thống”, nội dung chưa phong phú, đa dạng, nhất là đối với các doanh nghiệp mới thành lập, ngành thuế chưa tiến hành thăm dò để biết doanh nghiệp cần gì, thiếu gì để đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp. Một số NNT phản ánh: hình thức TT-HTNNT mà cơ quan thuế đã triển khai trong thời gian qua là không thiếu, nhưng vấn đề chất lượng, ý thức phục vụ NNT của đội ngũ cán bộ làm công tác này như thế nào cũng cần được xem xét, đánh giá cụ thể. Trong thực tế đã xảy ra trường hợp, do không hiểu hết nội dung của các văn bản mới ban hành, NNT gọi điện đến cơ quan thuế đề nghị hướng dẫn thì lại nhận được câu trả lời chung chung, hoặc có trường hợp cán bộ tư vấn đề nghị NNT tìm văn bản mà đọc! Việc tư vấn, hỗ trợ qua điện thoại tuy nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, nhưng lãnh đạo cơ quan thuế khó có thể nắm bắt được chất lượng công việc, ý thức phục vụ của cán bộ dưới quyền. Hình thức TT-HT bằng văn bản hoặc đến trực tiếp cơ quan thuế có mặt mạnh là “danh chính ngôn thuận”, nhưng không được nhiều NNT chọn lựa vì gửi văn bản thì phải chờ đợi ít nhất cũng vài ngày, trong khi đó công việc cần giải quyết ngay; còn trực tiếp đến cơ quan thuế thì không phải ai cũng làm được, phần vì ngại gặp cán bộ thuế, phần vì sợ người khác biết những hạn chế về trình độ của bản thân. Tương tự, hình thức đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp cũng chưa được đông đảo NNT chọn lựa. Qua những lần tham dự các hội nghị này cho thấy, rất ít NNT đề nghị hỗ trợ, giải đáp thắc mắc hoặc có thì cũng nêu lên những tồn tại, vướng mắc chung chung.

Ông Lê Văn Mạnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết cục đang chỉ đạo toàn ngành tập trung khắc phục những hạn chế trên. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đổi mới các hình thức TT-HT và tư vấn pháp luật về thuế; tổ chức điều tra nhu cầu của xã hội và NNT để có biện pháp TT-HT phù hợp; thường xuyên tổ chức đối thoại với NNT để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho họ. Phân loại NNT để áp dụng các hình thức TT-HT thực thi pháp luật thuế phù hợp với từng nhóm NNT; xây dựng, triển khai đa dạng các dịch vụ hỗ trợ NNT thực hiện thủ tục hành chính thuế, chú trọng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ qua hình thức điện tử đã được quy định tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cục Thuế tỉnh cần sớm triển khai hình thức TT-HT qua cổng thông tin điện tử để NNT gửi và nhận nội dung trả lời của cơ quan thuế qua hệ thống này. Qua đó, nội dung trả lời, giải đáp thắc mắc cho NNT cũng được công bố công khai trên hệ thống và được xem là văn bản chính thức để những người liên quan tham khảo, áp dụng.

Lê Ngọc

Ý kiến bạn đọc