Multimedia Đọc Báo in

Tạo nguồn, phát triển đảng viên ở các thôn, buôn:

Cần những giải pháp sát sườn hơn

08:14, 13/07/2021

Trong thời gian qua, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên chưa thực sự vững chắc; chất lượng, số lượng đảng viên chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ được giao, đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt, sát sườn hơn nữa…

Những góc nhìn thực tiễn

Toàn tỉnh có 184  xã, phường, thị trấn, với 2.482 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 1.559 thôn, 602 buôn; 100% thôn, buôn có chi bộ, trong đó, số chi bộ thôn, buôn có cấp ủy là 1.394, chiếm 64,6%, chi bộ chưa có cấp ủy chiếm 35,4%; chi bộ có đủ đảng viên là người tại chỗ chiếm 82%, còn lại 18% là các chi bộ còn ít đảng viên.

Trong những năm qua, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chú trọng đến công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở các thôn, buôn. Kết quả, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 25.090 quần chúng ưu tú trong các thôn, buôn, đã kết nạp 4.639 đảng viên, chiếm 27% tổng số đảng viên kết nạp toàn tỉnh. Tổng số đảng viên ở các chi bộ thôn, buôn là 27.371 đồng chí, chiếm 34,87% tổng số đảng viên của toàn tỉnh.

Chất lượng hoạt động của các chi bộ thôn, buôn ngày càng được nâng lên. Hầu hết các chi bộ đã nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình trong việc lãnh đạo ban tự quản và các đoàn thể chính trị và nhân dân ở các thôn, buôn thực hiện khá tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đời sống nhân dân ngày càng ổn định; tổ chức sinh hoạt chi bộ cơ bản đảm bảo đúng trình tự theo yêu cầu Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW (nay là Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW).

Tuy nhiên, công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở các thôn, buôn vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng nhiều chi bộ thôn, buôn số lượng đảng viên còn ít, phải tăng cường đảng viên từ nơi khác đến để đủ điều kiện thành lập chi bộ, chưa có đủ đảng viên là người tại chỗ (thậm chí còn chi bộ chưa có đảng viên là người tại chỗ). Mặt khác, tình trạng nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động phải bỏ ra thành phố để tìm kiếm việc làm dẫn đến nhiều thôn, buôn trên địa bàn tỉnh thiếu nguồn để kết nạp vào Đảng. Những quần chúng ưu tú là người dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc di cư vào làm ăn sinh sống thường  cư trú không ổn định, một số không có hộ khẩu thường trú, một số người vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, tảo hôn, trình độ học vấn thấp, hoặc thất lạc các văn bằng chứng nhận trình độ học vấn, thậm chí một số thôn hầu hết người dân theo các hệ phái tôn giáo mà Nhà nước chưa công nhận chính thức nên các tổ chức đảng không thể xem xét, kết nạp.

Cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Ea Súp rà soát, nắm tình hình công tác phát triển đảng viên tại các chi bộ trên địa bàn xã Cư Kbang (ảnh chụp trước ngày 27-4) .    Ảnh: Nguyễn Xuân
Cán bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Ea Súp rà soát, nắm tình hình công tác phát triển đảng viên tại các chi bộ trên địa bàn xã Cư Kbang (ảnh chụp trước ngày 27-4). Ảnh: Nguyễn Xuân

Một số quần chúng, nhất là thanh niên trong các thôn, buôn ngại không muốn vào Đảng vì sợ phải họp hành, kiểm điểm, đóng đảng phí; một số quần chúng sau khi được kết nạp vào Đảng lại thiếu tu dưỡng, rèn luyện đến mức phải xóa tên trong danh sách đảng viên, ảnh hưởng đến động cơ phấn đấu của quần chúng khác. Một số đảng viên lâu năm, thậm chí là các chi ủy viên, bí thư, phó bí thư hoặc giữ các vị trí quan trọng trong các thôn, buôn không chịu tu dưỡng, phấn đấu, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, không thực hiện được vai trò nêu gương để quần chúng học tập noi theo.

Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chi bộ thiếu sự quan tâm đến công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên; có nơi còn cục bộ địa phương, gia đình, dòng họ, hoặc có nơi còn quá khắt khe, hẹp hòi với công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên. Còn có hiện tượng nặng về đáp ứng chỉ tiêu số lượng, coi nhẹ việc tạo nguồn, bồi dưỡng nguồn; có lúc, có nơi hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng, dễ dãi, tùy tiện, buông lỏng quản lý hoặc cứng nhắc; công tác bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách đảng viên mới có biểu hiện xem nhẹ; có những chi bộ thôn, buôn nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới.

Cần những giải pháp sát sườn, căn cơ hơn

Để thực hiện tốt nhiệm vụ tạo nguồn và phát triển đảng viên ở các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần phải bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, sâu sát cơ sở để lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu như:

Tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức, chất lượng hoạt động của tổ chức đảng các cấp và đội ngũ đảng viên về công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh. Để giải quyết bài toán thiếu nguồn, cấp ủy, chi bộ thôn, buôn cần bám sát Quy định số 02-QĐ/TU, ngày 18-10-2004 của Tỉnh ủy, về chức năng nhiệm vụ của chi bộ thôn, buôn; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Hướng dẫn số 01-HD/BTCTU, ngày 20-9-2018 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ trên địa bàn tỉnh.

Các chi bộ thôn, buôn cần phải xây dựng nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch tạo nguồn, phát triển đảng viên thật cụ thể, chi tiết, sát hợp với tình hình cụ thể của từng thôn, buôn. Cấp ủy, chi bộ cần tiến hành khảo sát, rà soát nắm chắc tình hình số lượng đoàn viên, hội viên, xã viên ở các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp nhỏ, các trang trại là những quần chúng nổi trội trong các hoạt động phong trào, sản xuất kinh doanh giỏi, người biết tập hợp mọi người, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tại các thôn, buôn có khả năng kết nạp vào Đảng để chủ động đưa vào kế hoạch tạo nguồn, cử đi học lớp nhận thức về Đảng; từ đó, phân công, giao nhiệm vụ cho đảng viên chính thức theo dõi, kèm cặp, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú.

Đồng thời, cấp ủy, chi bộ có giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là các chi hội tìm biện pháp thích hợp để thu hút quần chúng vào sinh hoạt rồi tuyên truyền, khuyến khích họ tích cực tham gia các phong trào thi đua, các chương trình hành động cách mạng cụ thể của địa phương từ đó kích thích nhiệt tình cách mạng và làm cơ sở để giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Kiện toàn các tổ chức đoàn thể tại các thôn còn yếu kém để thúc đẩy các phong trào thi đua ở cơ sở nhằm tập hợp, thu hút quần chúng, nhất là lực lượng trẻ tham gia.

Đối với các thôn, buôn có ít đảng viên thì cấp ủy cấp trên cần bố trí, phân công đảng viên ở các chi bộ cơ quan xã hoặc các trường học xuống các chi bộ thôn, buôn, chưa có đủ đảng viên là người tại chỗ, có ít đảng viên để làm nòng cốt, giao nhiệm vụ cho các đảng viên này chăm lo, tạo nguồn, kết nạp đảng viên, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng để xếp loại chất lượng đảng viên cuối năm.

Đối với các thôn, buôn có đông đồng bào giáo dân sinh sống, cấp ủy cấp trên cần chủ động gặp gỡ người đứng đầu các giáo xứ, các chức sắc, chức việc để tuyên truyền, vận động họ hiểu về quan điểm, đường lối chính sách của Đảng về công tác phát triển đảng viên trong các vùng đồng bào có đạo, nhằm giúp quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng không còn e ngại, sợ những dị nghị của các giáo dân trong vùng.

Tập trung khắc phục tình trạng trưởng thôn, phó thôn chưa phải là đảng viên; chú trọng tạo nguồn các đối tượng bí thư chi đoàn, chi hội trưởng các tổ chức hội, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên ra trường, giám đốc các hợp tác xã, các chủ trang trại, chủ doanh nghiệp tư nhân sản xuất kinh doanh giỏi để kết nạp vào Đảng.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng ở thôn, buôn, ở các hợp tác xã, câu lạc bộ, chủ doanh nghiệp, chủ trang trại… Chỉ có thông qua các phong trào thi đua, các hoạt động, phong trào của quần chúng mới đánh giá, phát hiện được khả năng nổi trội của quần chúng, từ đó phát hiện nguồn, tạo nguồn, cảm hóa, bồi dưỡng để kết nạp. Các tổ chức quần chúng cũng qua đó lựa chọn những người ưu tú, phát hiện và giới thiệu cho các tổ chức đảng xem xét kết nạp vào Đảng. Cũng từ các hoạt động của các phong trào thi đua đã xây dựng được nhân tố tích cực để các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các hợp tác xã, các doanh nghiệp lựa chọn làm và phát triển các tổ chức của mình phục vụ cho sự hoạt động của đơn vị.

Xác định đúng và cụ thể hóa tiêu chuẩn đảng viên, điều kiện kết nạp đảng viên ở các chi bộ thôn, buôn là yếu tố cơ bản để làm tốt công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên. Thường xuyên tạo điều kiện và giúp đỡ đảng viên mới kết nạp phát triển kinh tế và quan tâm đến quyền lợi chính trị - nhất là việc hỗ trợ để họ có điều kiện học tập lý luận, chuyên môn cũng như sử dụng họ vào các công việc phù hợp và xây dựng quy hoạch để bố trí họ vào các chức danh trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, phải đồng hành giữa xây và chống, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, bảo đảm kỷ cương, tính nghiêm minh của Đảng cũng là những động lực để quần chúng tin vào Đảng, hăng hái phấn đấu vào Đảng. Cấp ủy cấp trên cần lãnh đạo, chỉ đạo các trung tâm chính trị cấp huyện đổi mới phương pháp bồi dưỡng nhận thức về Đảng sát với thực tiễn, dễ hiểu, dễ áp dụng và làm theo; hằng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng, nhất là nghiệp vụ công tác tạo nguồn, phát triển Đảng cho các cấp ủy viên, bí thư, phó bí thư cấp ủy, chi bộ, cán bộ làm nghiệp vụ công tác đảng ở cơ sở.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở các thôn, buôn. Xét đến cùng, cơ sở kinh tế là yếu tố quyết định đối với các hoạt động khác, kể cả công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên nói riêng. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương, chính sách xóa đói, giảm nghèo; thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển sản xuất hàng hóa dựa vào thế mạnh địa phương… Khi kinh tế phát triển, tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập, đời sống được nâng lên sẽ hạn chế việc đi làm ăn xa, từ đó làm cho thanh niên yên tâm ở lại quê hương và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực tiễn để rút ra bài học kinh nghiệm và các giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở các thôn, buôn. Cấp ủy các cấp cần tích cực kiểm tra, theo dõi quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện, chất lượng, hiệu quả của công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên để kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt, uốn nắn những nơi làm chưa tốt, xử lý nghiêm những đảng viên, tổ chức đảng vi phạm. Hằng năm tổ chức đảng các cấp cần tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

       Lê Năng Hảo

Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.