Multimedia Đọc Báo in

Đảng viên xã Ea Ktur xung kích đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo

08:48, 11/07/2017

Dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng bộ xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin), nhiều cán bộ, đảng viên đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu đi đầu xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.

Những năm gần đây, buôn Pu Huê được đánh giá là một trong những địa bàn có sự chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội của xã. Đồng chí Y Blim Niê, Bí thư chi bộ buôn Pu Huê chia sẻ: Buôn có dân số đông, với 235 hộ (98% dân số là người dân tộc thiểu số), diện tích đất nông nghiệp hạn hẹp (khoảng 20,4 ha)… Để tạo động lực cho người dân phát triển kinh tế, chi bộ buôn Pu Huê đã bàn bạc và thống nhất tăng cường vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trước hết, muốn dân tin thì đảng viên phải là những người đi đầu trong lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để bà con cùng học tập và làm theo.

Người dân xã Ea Ktur góp công làm đường giao thông.
Người dân xã Ea Ktur góp công làm đường giao thông.

Năm 2013, bản thân đồng chí Y Blim và gia đình đã mạnh dạn đầu tư 50 cây giống sầu riêng Dona và 30 cây bơ Booth giống để trồng xen trong 5 sào cà phê của gia đình. Nhờ áp dụng trồng đa cây trên cùng một diện tích đất, biết chăm sóc đúng kỹ thuật nên tổng thu nhập của gia đình đã đạt khoảng 100 triệu đồng/năm. Nhận thấy hiệu quả từ thực tế mô hình này, hầu hết các hộ dân trong buôn đã dần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, vận dụng mô hình phát triển kinh tế đa cây, đa con đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Về thôn 13 (xã Ea Ktur) hỏi thăm đảng viên Lê Đăng Mười thì ai cũng biết. Hiện nay, gia đình ông Mười có 1,5 ha cà phê xen canh tiêu và cây ăn trái, cùng với trang trại chăn nuôi heo gần 2.000 m2 và 1 vườn ươm cây giống các loại, thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. “Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, tôi còn trực tiếp hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho nhiều hộ dân trong xã có nhu cầu. Năm 2016, tôi hỗ trợ 1.000 cây cà phê ghép cao sản cho 13 hộ nghèo ở buôn Pu Huê và thôn 8 để có vốn làm ăn”- ông Mười cho hay.

Khi thấy các cán bộ, đảng viên trong xã thực hiện các mô hình sản xuất, chăn nuôi thu lợi nhuận cao, nhiều người dân đã đến tham quan, học hỏi và nhân rộng. Anh Trần Đăng Minh ở thôn 13 bộc bạch: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện nghèo của xã. Năm 2014, được ông Mười hỗ trợ bán giống bơ, tiêu trả chậm và hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng nên tôi đã mạnh dạn áp dụng. Hiện cây trồng đã bước sang thời kỳ kinh doanh, mỗi năm gia đình tôi thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha”.

Người dân thôn 6,  xã Ea Ktur làm đường giao thông nông thôn.
Người dân thôn 6, xã Ea Ktur làm đường giao thông nông thôn.

Đồng chí Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Ea Ktur cho biết, Đảng bộ xã Ea Ktur có 554 đảng viên sinh hoạt tại 36 chi bộ trực thuộc. Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tăng cường chỉ đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là lực lượng tiên phong tuyên truyền bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; xây dựng những mô hình cụ thể để người dân thấy được hiệu quả, từ đó áp dụng nhân rộng, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện trên địa bàn xã  có 97%  nhà ở đạt chuẩn, không có nhà tạm, nhà dột nát; thu nhập bình quân đầu người 30 triệu đồng/năm. Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 13,8% thì cuối năm 2016 giảm xuống còn 5,8% theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Hiện nay, có nhiều thôn trong xã không còn hộ nghèo, điển hình như thôn 6, 7, 11…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc